CSVN – VRG vừa công bố Chương trình phát triển bền vững. Đây là lời cam kết mạnh mẽ, nhằm hướng tới hình ảnh của một doanh nghiệp (DN) hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam. Dưới đây là ghi nhận của phóng viên Tạp chí Cao su VN với các tổ chức quốc tế về chương trình phát triển bền vững của VRG.
Bà Nguyễn Hải Vân – Phó GĐ Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature): PanNature cam kết tiếp tục đồng hành cùng VRG trong Chương trình Phát triển bền vững
Phát triển bền vững không phải là một điểm đến mà là một quá trình. Quá trình này, không chỉ đòi hỏi sự cam kết của các chính phủ, sứ mệnh của các tổ chức xã hội mà còn cần sự tham gia đầy đủ và hiệu quả của khối tư nhân.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng về kinh doanh và đầu tư, việc các tổ chức, cá nhân, DN Việt Nam sớm ý thức được việc “không chỉ làm giàu cho riêng mình”, mà còn nhận rõ “việc đầu tư có trách nhiệm, cân bằng cả ba khía cạnh: môi trường – kinh tế và xã hội” cũng như vai trò đóng góp cho các mục tiêu phát triển bền vững là vô cùng cần thiết.
Việt Nam là nước sản xuất cao su thiên nhiên đứng thứ ba thế giới và cao su cũng là mặt hàng nông sản thứ 5 của VN. Do đó, không thể phủ nhận được vai trò của ngành trong kinh tế VN. Tuy nhiên, đây cũng là ngành tiềm ẩn rất nhiều rủi ro môi trường – xã hội do cần quỹ đất lớn và số lượng lao động cao.
Mục tiêu phát triển kinh tế của Tập đoàn, đã được gắn kết chặt chẽ với trách nhiệm xã hội và môi trường, từ đó giúp nâng cao hình ảnh của Tập đoàn. Đồng thời, giúp giảm thiểu và quản trị đầu tư cũng như xây dựng, cải thiện được quan hệ hợp tác với các bên liên quan, không chỉ từ phía Nhà nước, DN mà còn cả các tổ chức xã hội, cộng đồng chịu ảnh hưởng từ các hoạt động đầu tư.
VRG đã gắn các mục tiêu, kế hoạch hành động vì sự phát triển bền vững của mình trong thời gian tới, không mở rộng về lượng mà đi sâu về chất, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế, nâng cao giá trị gia tăng cho ngành.
Là một tổ chức phi lợi nhuận về bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam, từ năm 2015, PanNature đã bắt đầu Sáng kiến kết nối với khối DN nhằm tăng cường trách nhiệm xã hội và môi trường trong đầu tư ở lĩnh vực nông nghiệp, hướng tới giảm thiểu và quản trị rủi ro đầu tư và đóng góp cho sự phát triển bền vững, không chỉ ở Việt Nam mà cả vùng hạ lưu Mê Kông.
PanNature và các đối tác là Tổ chức Oxfam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã cùng nhóm DN tiên phong, trong đó VRG là một trong những rất thành viên tích cực, đã cùng đồng hành phát triển và thí điểm thực hiện các nội dung của sáng kiến này. Cụ thể như Hướng dẫn tự nguyện giảm thiểu rủi ro môi trường – xã hội cho DN VN đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp tại tiểu vùng Mê Kông.
Sau quá trình hợp tác gần 4 năm qua cùng một số kết quả khả quan ban đầu, chúng tôi cũng nhận thấy còn rất nhiều việc phải làm để có thể hiện thực hóa Chiến lược phát triển bền vững ngành cao su, đặc biệt là các khía cạnh về đảm bảo an toàn môi trường – xã hội.
Trong thời gian tới, PanNature cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng VRG trong Chương trình phát triển bền vững của Tập đoàn. Cụ thể, bằng các tài liệu hướng dẫn và kết nối cộng đồng, tài liệu hướng dẫn về công khai, chia sẻ thông tin, tiếp nhận và xử lý các phản ánh, kiến nghị của cộng đồng liên quan đến các dự án phát triển của VRG tại Lào và Campuchia.
Kết nối VRG, Công ty CPCS Krông Buk – Ratanakiri với Tổ chức bảo tồn tại Campuchia triển khai xây dựng mô hình quản trị tài nguyên bền vững tại tỉnh Ratanakiri, Campuchia. Chúng tôi kỳ vọng những kinh nghiệm trong nghiên cứu, phân tích chính sách bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên cho đến các sáng kiến kết nối các bên trong quản trị tài nguyên và bảo hộ quyền lợi của cộng đồng mà PanNature đã và đang thực hiện, sẽ giúp chúng tôi thực hiện tốt nhất cam kết này.
Bà Lê Kim Thái – Điều phối viên Tổ chức Oxfam: Oxfam sẽ hỗ trợ VRG thực hiện chiến lược phát triển bền vững
Oxfam là một tổ chức phát triển trên toàn thế giới, hoạt động trên 90 quốc gia. Tại Việt Nam, Oxfam là một tổ chức phi chính phủ (NGO) hàng đầu. Đặc biệt trong lĩnh vực phát triển nông thôn, hỗ trợ nhân đạo và giảm thiểu rủi ro thiên tai, phát triển xã hội dân sự và tăng cường năng lực cho cộng đồng dân tộc thiểu số và phụ nữ.
Từ năm 2015 đến nay, Oxfam đã làm việc với VRG trong dự án “Đầu tư trực tiếp của VN ra nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp tại tiểu vùng Mê Kông”. Cùng với PanNature và Phòng Thương mại và Công nghiệp VN, Oxfam đã kết hợp với VRG trong xây dựng “Hướng dẫn tự nguyện về giảm thiểu rủi ro môi trường và xã hội cho các doanh nghiệp VN đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp tại tiểu vùng Mê Kông”.
Chúng tôi xây dựng hướng dẫn này nhằm thúc đẩy các nguyên tắc và thực hành tốt về đầu tư có trách nhiệm trong nông nghiệp nhằm đảm bảo đời sống và sinh kế cho những người dân địa phương. Đồng thời hỗ trợ các DN đầu tư bền vững hơn. Bộ hướng dẫn tự nguyện này đã được công bố chính thức vào tháng 1/2019.
Cuối năm 2018, chúng tôi vui mừng khi thấy VRG xây dựng chiến lược phát triển bền vững. Đây là một bước quan trọng thể hiện định hướng của VRG phát triển kinh doanh theo hướng bền vững. Chúng tôi mong rằng Tập đoàn sẽ tiếp tục các nỗ lực cao nhất để thực hiện chiến lược này trong thời gian tới để phát triển kinh doanh đạt đến các tiêu chuẩn quốc tế về kinh doanh bao trùm và bền vững. Oxfam sẽ hỗ trợ VRG một số phần việc quan trọng thực hiện chiến lược này. Cụ thể trong năm 2019, Oxfam sẽ mời chuyên gia về phát triển chiến lược kinh doanh bền vững tư vấn cho Tập đoàn về các công cụ và phương pháp tham vấn với các bên liên quan trong quá trình thực hiện chiến lược để đạt kết quả và hiệu quả tốt hơn. Chúng tôi cũng sẽ góp ý trong quá trình xây dựng sổ tay kết nối cộng đồng nhằm hướng dẫn cán bộ Tập đoàn và các công ty thành viên các bước cụ thể để làm việc với cộng đồng một cách hiệu quả và bền vững. Oxfam cũng hỗ trợ PanNature trong kế hoạch thí điểm mô hình cộng đồng bảo vệ rừng tại vùng lân cận của công ty thành viên VRG tại Campuchia.
Chúng tôi hy vọng, những hỗ trợ của chúng tôi sẽ hữu ích với VRG trong việc nâng cao hiệu quả thực hiện chiến lược phát triển bền vững, hướng tới lợi ích chung cao hơn cho cả cộng đồng và DN.
TRẦN HUỲNH (GHI)
Related posts:
- Trao 10.000 lá cờ Tổ quốc cho biên giới Tây Ninh
- Kỷ cương, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả
- Tập trung chuẩn bị chu đáo Đại hội Đại biểu Đảng bộ Tập đoàn lần thứ IX
- Cao su Phú Riềng chủ động, linh hoạt trong tuyên truyền chủ trương cổ phần hóa
- Tạp chí CSVN trao giải cộng tác viên xuất sắc lần V
- Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su tuyển 2 giảng viên
- Nguy cơ trộm cắp mủ gia tăng
- 45% người lao động VRG đã được tiêm vaccine phòng Covid-19
- VRG bàn giao doanh nghiệp cổ phần hóa sang công ty cổ phần
- Cao su Phước Hòa thu nhập bình quân hơn 8,7 triệu đồng/người/tháng