CSVN – Vừa qua, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức Tọa đàm Nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong quá trình xây dựng Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Tại tọa đàm, các chuyên gia, đại diện cơ quan quản lý và đại diện chủ sở hữu vốn đã cùng trao đổi về các nội dung quan trọng của dự thảo luật như nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp trong quản lý và đầu tư vốn gắn với các chủ trương, định hướng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về doanh nghiệp Nhà nước; phân tích đánh giá, góp ý quy định tại các điều khoản Dự thảo Luật gắn với mục tiêu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho đại diện chủ sở hữu Nhà nước và phân cấp mạnh hơn nữa cho doanh nghiệp, hạn chế tối đa việc can thiệp hành chính trực tiếp vào hoạt động quản lý điều hành của doanh nghiệp theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2022.
Đồng thời, các đại biểu cũng đánh giá, phân tích đa chiều về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng tại dự thảo Luật vì đây là một điểm mới so với quy định hiện hành. Nhiều ý kiến cũng tập trung vào những nội dung quan trọng liên quan tới công tác quản lý, công tác thanh tra, kiểm toán với các đối tượng này như thế nào… Bên cạnh đó, ý kiến các đại biểu tham dự bày tỏ kỳ vọng Dự thảo Luật được xây dựng và ban hành trên nguyên tắc kế thừa các quy định còn phù hợp với thực tiễn và phát huy hiệu quả tích cực, tháo gỡ và điều chỉnh những quy định không còn phù hợp với thực tiễn ở Luật số 69/2014/QH13. Từ đó, góp phần “cởi trói” cho doanh nghiệp Nhà nước, tạo không gian rộng hơn để phát huy hiệu quả nguồn vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, để doanh nghiệp Nhà nước thực sự đóng vai trò tiên phong, nòng cốt trong nền kinh tế.
Theo các đại biểu, việc xác định vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước với vai trò của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chưa rõ; việc đầu tư vốn Nhà nước (bao gồm cả việc bổ sung và rút vốn) tại doanh nghiệp chưa được quy định cụ thể, chưa tạo tính chủ động, kịp thời, linh hoạt; một số quy định liên quan đến quản trị tại doanh nghiệp do Nhà nước đầu tư trực tiếp còn bất cập trong thực tiễn; một số chính sách đặc thù liên quan đến quản lý vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp còn phân tán, chưa tập trung trong Luật; các nội dung quy định thực hiện quyền, trách nhiệm của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan chuyên trách chưa được quy định trong Luật (do Luật số 69/2014/QH13 được ban hành trước khi Ủy ban được thành lập)…
Về vấn đề chuyển giao đại diện sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, theo quy định tại khoản 2, Điều 38 của Luật số 69/2014/QH13, việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp được thực hiện giữa các cơ quan đại diện chủ sở hữu, giữa cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp có chức năng đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước; không quy định việc chuyển giao công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ (doanh nghiệp cấp II) về cơ quan đại diện chủ sở hữu. Do đó, một số đại biểu kiến nghị cần nghiên cứu, bổ sung quy định về các hình thức chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, trong đó có nội dung chuyển giao không thanh toán trong trường hợp chuyển giao phần vốn tại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ về cơ quan đại diện chủ sở hữu (sau khi chuyển giao thì hai doanh nghiệp này cùng một cơ quan đại diện chủ sở hữu).
Phát biểu kết luận tọa đàm, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Đỗ Hữu Huy đánh giá: Các ý kiến đóng góp tại tọa đàm đã làm sâu sắc, cụ thể hơn một số vấn đề vướng mắc, bất cập trong quá trình thực thi Luật số 69/2014/QH13, đồng thời cũng đã tập trung trao đổi, thảo luận cụ thể các nội dung quy định tại Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo đang lấy ý kiến; nhất là các quy định liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp; phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, các thuật ngữ, khái niệm; vấn đề tăng cường đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp; và trình tự thủ tục trong phê duyệt chủ trương dự án đầu tư cùng một số quy định khác tại Dự thảo Luật nhằm bảo đảm Luật khi được ban hành sẽ góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực tế hiện nay, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Theo Phó Chủ tịch Đỗ Hữu Huy, các ý kiến trao đổi, thảo luận cũng cơ bản đồng tình thống nhất về việc cần tiếp tục kế thừa, phát huy và hoàn thiện những quy định pháp luật về quản lý vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp còn phù hợp với thực tế, có tác động tích cực đối với sự phát triển của doanh nghiệp có vốn Nhà nước; loại bỏ những quy định không còn phù hợp với thực tiễn; đồng thời, các ý kiến cũng cho rằng các quy định cụ thể tại Dự thảo Luật cũng cần rà soát để bảo đảm các nội dung quan trọng như thể chế hóa đầy đủ, bám sát các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới, cơ cấu lại và phát triển doanh nghiệp có vốn Nhà nước phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; kế thừa, phát huy những quy định còn phù hợp với thực tế, có tác động tích cực của Luật số 69/2014/QH13; tách bạch, phân định rõ chức năng quản lý Nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước và chức năng quản trị, điều hành của doanh nghiệp; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp, giảm các công việc sự vụ phải xem xét, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; quy định rõ quyền, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ quan đại diện chủ sở hữu, Hội đồng thành viên và người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, trong đó, đề nghị nghiên cứu kết cấu các quy định theo chủ thể thực hiện; và quy định, xác định rõ mục đích, yêu cầu, phạm vi, lĩnh vực, nguyên tắc, hình thức đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
“Đây là dự án Luật rất quan trọng, có ảnh hưởng rất lớn đến quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu và các doanh nghiệp. Trên cơ sở kết quả buổi tọa đàm hôm nay, thay mặt lãnh đạo Ủy ban, tôi xin chân thành cảm ơn sự quan tâm, tham dự và các ý kiến đóng góp, trao đổi, phân tích của các đồng chí đại diện lãnh đạo các cơ quan, Bộ, ngành Trung ương và địa phương, các nhà chuyên gia, nhà nghiên cứu, các Tập đoàn, Tổng công ty và các đơn vị đã phối hợp, hỗ trợ tổ chức thành công tọa đàm này” – Phó Chủ tịch Đỗ Hữu Huy nhấn mạnh.
P.V
Related posts:
- Dầu Tiếng “thưởng nóng” 125 triệu đồng cho nông trường vượt kế hoạch
- VRG tôn vinh 91 tập thể, cá nhân xuất sắc
- Thông qua điều chỉnh, bổ sung Điều lệ tổ chức và hoạt động của VRG - Công ty cổ phần
- Tạp chí Cao su Việt Nam có bước phát triển mới qua mỗi năm
- Ông Phạm Văn Chánh tái đắc cử Bí thư Đảng ủy Cao su Bà Rịa
- Lãnh đạo huyện Hớn Quản (Bình Phước) thăm dự án trồng chuối già Nam Mỹ của Cao su Bình Long
- Thu nhập bình quân NLĐ VRG Bảo Lộc đạt 23 triệu đồng/người/tháng
- "Cao su phát triển tốt, đời sống đồng bào nâng cao"
- Bộ trưởng Veng Sakhon đánh giá cao dự án cao su tại Campuchia
- Đồng Nai sẽ ưu tiên cho cao su phát triển