CSVN – Các Tập đoàn, TCT Nhà nước cần quyết liệt và đẩy nhanh thực hiện công tác cổ phần hóa (CPH) như VRG. Đó là ý kiến chỉ đạo của đ/c Vương Đình Huệ – Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, tại buổi làm việc với VRG vào sáng 18/4 về những vấn đề sau CPH và sắp xếp công ty nông lâm nghiệp.
Sau CPH, VRG hoạt động ổn định, hiệu quả
Tham dự buổi làm việc còn có Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN Nguyễn Hoàng Anh, lãnh đạo các Bộ: NN&PTNT, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, LĐTB&XH, Văn phòng Chính phủ, Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp; đại diện lãnh đạo TCT Cà phê Việt Nam, TCT Lương thực miền Nam và TCT Lâm nghiệp Việt Nam.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Huỳnh Văn Bảo –TGĐ VRG, cho biết hiện VRG có 22 công ty nông nghiệp, năm 2016 đã hoàn thành CPH độc lập 2 CTCS Tân Biên và Bà Rịa. Thực hiện đề án tái cơ cấu đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp, VRG đã hoàn thành công tác CPH và chính thức hoạt động theo mô hình Công ty CP từ ngày 1/6/2018. Qua gần 1 năm tái cơ cấu, hoạt động của VRG đã dần đi vào ổn định và hiệu quả.
Năm 2018, VRG khai thác được 307.108 tấn mủ khô, vượt 5.788 tấn so với kế hoạch đã đề ra. Doanh thu hợp nhất năm 2018 là 22.683 tỷ đồng, kế hoạch năm 2019 là 24.224 tỷ đồng. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế năm 2018 là 4.252 tỷ đồng, kế hoạch năm 2019 là 5.255 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận/doanh thu năm 2018 đạt 14,69%, tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu đạt 8,36%, là kết quả khá khả quan đối với lĩnh vực nông nghiệp.
Sau khi CPH, VRG đã hoàn thành việc thỏa thuận phương án sử dụng đất, xử lý lao động dôi dư với các địa phương theo quy định của pháp luật. Hiện tại, VRG đang tiếp tục hoàn thành đo đạc, cắm mốc, ký hợp đồng cho thuê đất, cấp sổ đỏ với các địa phương, tiếp tục bàn giao đất về cho địa phương quản lý, sử dụng theo các phương án sử dụng đất theo đúng quy định của Luật Đất đai (hiện mới giao được hơn 1.300 ha trong tổng số hơn 29.000 ha cần phải giao cho các địa phương) và kiểm toán kết quả CPH.
VRG thực hiện tốt công tác CPH
Trong phát biểu của mình, Thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn đánh giá VRG là doanh nghiệp Nhà nước nòng cốt của ngành nông nghiệp VN. Những năm qua, dù gặp nhiều khó khăn những VRG vẫn hoạt động hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước. Tập đoàn đã đúng khi xác định 5 lĩnh vực hoạt động chính. Những năm gần đây, các lĩnh vực về công nghiệp cao su, khu công nghiệp, gỗ… phát huy hiệu quả, đã bù đắp cho lĩnh vực khai thác, chế biến, kinh doanh cao su bị sụt giảm do bán cao su giảm thấp.
Về việc thực hiện CPH, Thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, VRG là một Tập đoàn có quy mô lớn, quản lý trên 400.000 ha cao su, trải dài khắp nước và đầu tư trồng cao su ở Lào và Campuchia; nguồn vốn trên 40.000 tỉ đồng; có trên 80.000 lao động nên khối lượng công việc khi tiến hành CPH VRG là rất lớn. Đặc biệt, đến nay có thể khẳng định, chủ trương CPH đồng thời Công ty mẹ với 20 công ty cao su và 4 đơn vị sự nghiệp; tiến hành CPH đồng thời với việc sắp xếp lại nông lâm trường, là hoàn toàn đúng đắn.
“Tuy mục tiêu bán 25% vốn Nhà nước như kế hoạch chưa đạt do nhiều yếu tố khác nhau, nhưng có thể khẳng định VRG đã tiến hành CPH công khai, minh bạch, an toàn, đúng quy định, không có bất kỳ khiếu nại nào”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn khẳng định.
Đối với cao su Tây Bắc, thứ trưởng Hà Công Tuấn cho rằng nếu chỉ đánh giá về mặt kinh tế thì chưa phản ánh đầy đủ hiệu quả của dự án, bởi phát triển cao su ở khu vực này gắn với trách nhiệm xã hội, dân sinh. “Bộ kiến nghị nên có một đánh giá chuyên đề về cao su Tây Bắc để thông tin cho công luận một cách đầy đủ, toàn diện”, ông Tuấn nêu ý kiến.
Về vấn đề này, Chủ tịch HĐTV VRG Trần Ngọc Thuận cho rằng, hoạt động trồng cao su ở Tây Bắc bước đầu thành công khi đạt 1,2 tấn mủ/ha, bằng 75% so với năng suất ở vùng Tây Nam Bộ. Tuy nhiên để bảo đảm lợi ích phân chia lợi nhuận cho đồng bào góp đất, ông Trần Ngọc Thuận đề nghị chuyển các công ty cao su ở khu vực này sang mô hình doanh nghiệp xã hội.
Sớm xây dựng đề án tái cơ cấu toàn diện Tập đoàn sau CPH
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá VRG là Tập đoàn có quy mô lớn, quản lý quỹ đất trải rộng trên nhiều vùng miền và đầu tư phát triển cao su ở Lào và Campuchia. Vì vậy, hoạt động của VRG không chỉ tập trung vào kinh tế mà còn liên quan đến quốc phòng an ninh và đối ngoại.
Những năm qua, dù gặp nhiều khó khăn nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh của VRG vẫn hiệu quả. Đặc biệt, Phó Thủ tướng ghi nhận và biểu dương công tác CPH của VRG: “Sau CPH, dù giá bán mủ cao su giảm mạnh và chuyển vốn chủ sở hữu tại VRG từ Bộ NN&PTNT sang Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, nhưng VRG hoạt động ổn định, hiệu quả, đảm bảo việc làm và thu nhập cho hơn 80.000 lao động với mức lương bình quân trên 6,5 triệu đồng/ người/tháng, là rất đáng biểu dương”, Phó Thủ tướng nhận xét.
Về định hướng chiến lược phát triển sắp tới, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, với lợi thế hơn 40.000ha đất nông lâm nghiệp, VRG phải thực hiện sứ mệnh trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp, làm gương cho các Tập đoàn, TCT trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp về quy mô, quản trị, ứng dụng khoa học công nghệ và hiệu quả hoạt động, khẳng định thương hiệu sản phẩm Việt Nam không chỉ trong khu vực mà cả thị trường thế giới.
Phó Thủ tướng yêu cầu VRG xây dựng đề án tái cơ cấu toàn diện Tập đoàn sau CPH, báo cáo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, lấy ý kiến các Bộ ngành để trình Thủ tướng xem xét phê duyệt chính thức.
“Tập đoàn cần phát triển các lĩnh vực có thế mạnh, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, gia tăng hàm lượng tinh chế chuyên sâu để tăng giá trị gia tăng, nâng cao hơn nữa doanh thu và lợi nhuận”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Về phương án sắp xếp sau CPH, Phó Thủ tướng yêu cầu VRG tiếp tục làm việc với các địa phương để chuyển giao diện tích đất đã được phê duyệt không còn sử dụng; đồng thời, diện tích đất nào đang đo vẽ, cắm mốc, cấp giấy chứng nhận thì cần hoàn thiện sớm, không để kéo dài.
Về các kiến nghị của VRG, Phó Thủ tướng giao các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước nghiên cứu, trao đổi giải quyết và đề xuất, tham mưu Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
PHÚ VINH – MINH TÂM
Related posts:
- Cao su Phước Hòa dự kiến chia cổ tức năm 2022 tối thiểu 40%
- Đích đến 55 tỷ USD: Ngành Nông nghiệp cần khai thác nhóm hàng thế mạnh
- Cao su Yên Bái: Chăm sóc tốt vườn cây trồng mới
- Tái cơ cấu ngành cao su theo hướng bền vững
- Dập dịch bệnh phấn trắng trên 5.000 ha cao su
- Phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Chỉ huy quân sự Gia Lai và 4 công ty cao su
- Bệnh viện Cao su Dầu Tiếng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh
- Cao su Đồng Phú khen thưởng 3 sáng kiến kỹ thuật hiệu quả
- Cao su Sa Thầy chăm lo tốt đời sống cho người lao động
- Tạp chí Cao su VN cần đẩy mạnh hoạt động hướng về cơ sở