CSVN – Sau khi quân tình nguyện Việt Nam quét sạch giặc Pôn Pốt, tôi có dịp đến viết báo vùng giải phóng Kampuchia. Lúc ở đồn điền cao su Krochie, tôi vào thăm nhà anh công nhân cạo mủ Proxa. Anh vui vẻ dẫn tôi ra chuồng heo, chỉ tay vào con heo nái to lớn có mầu da hồng hào đang nằm dài cho bầy con đông đúc chen nhau bú.
Proxa kể: “Nàng heo may mắn này được “Coong-top” (bộ đội) Việt Nam khiêng đến cho tôi”. Rồi anh kể tiếp: “Hồi đó lính Khơme đỏ đi đốt nhà, chặt phá cao su, bắn chết công nhân người Việt, xua đuổi công nhân người Khơme đến các trại tập trung Ăngka lao động của chúng, ai không đi thì chúng chặt đầu, chôn sống.
Chúng lùng sục bắt trâu bò, heo, gà ăn thịt. Con heo nái này còn nhỏ, chạy thoát ra rừng cao su. Bộ đội Việt đi qua thấy heo đói, không lết được, bèn rủ nhau khiêng nó theo, chờ gặp dân để giao lại. Tôi may mắn được lính Việt cứu sống, còn con heo may mắn này được họ giao cho tôi nuôi, chờ giao lại cho người mất heo.
Thế là tôi nhận nuôi con heo này. Nó rất mắn đẻ, lứa thứ ba này nó đẻ được 9 con. Hai lứa trước được 14 con, tôi đã thay mặt bộ đội Việt tặng cho 14 gia đình dân quanh vùng này. Đến gặp ai, tôi cũng kể chuyện lính Việt nhờ tôi nuôi và trả heo cho đồng bào.
Bà con vui mừng nói: “Lính nhà Phật đã qua đây diệt ác quỷ cứu dân lại còn cho heo nữa, ôi xalanh coong top Viet charơn nã hơi… (nghĩa là: Yêu bộ đội Việt nhiều lắm lắm mà)… Bây giờ các con heo lứa trước đã sinh sôi khắp vùng.
Làng đồn điền cao su Krochie lại được cao su Việt lên giúp. Nếu làng cao su này không được bạn bè lên giúp, làng không có tiếng chó sủa, gà gáy, heo kêu đòi ăn như thời Pôn Pốt thì làng là đất chết. Bây giờ làng cao su Krochie đã sống lại sung sướng hạnh phúc lắm rồi. “Xôm ocun VietNam charon nana” … (Xin cảm ơn Việt Nam lắm lắm)”.
TÂN SẮC
Related posts:
- Tiến tới 100 năm
- Sôi nổi giải bóng đá Cao su Quảng Nam
- Lớp học dưới chân đồi cao su
- Bức thư gửi muộn
- Chúc xuân
- Chào cờ đầu tuần tại doanh nghiệp cần nhân rộng
- Nguồn gốc giống cao su do ông E. Rauol đưa vào Việt Nam
- Tập thơ Thanh Hiếu - Những miền yêu dấu: Thấm đượm tình đất, tình người
- Cách chống dịch Covid - 19 độc đáo của người Giẻ Triêng
- Đi tìm "cái chữ" cho bà con