Tiến tới 100 năm

Dâng hương Tượng đài Phú Riềng Đỏ
  • Năm nay kỷ niệm 94 năm truyền thống ngành cao su rồi, tui nôn quá Tư Mủ à.
  • Nôn gì ông, năm nào mình cũng tổ chức kỷ niệm mà.
  • Thì đến số 94 rồi, năm sau là 95. Tui nôn đến dịp kỷ niệm 100 năm tròn.
  • À, thì ra là vậy. Hy vọng thời điểm đó sẽ có niềm vui trọn vẹn như giá cao su phục hồi, ổn định nè, các ngành nghề khác của Tập đoàn cũng thắng lợi nè, để chúng ta hân hoan ở một chặng đường lịch sử.

HAI CẠO

Lô nào…

Năm nay ngày hội truyền thống 28/10 của ngành, chúng tôi lại có dịp được gặp bác Tám phu công- tra cùng đến dự lễ. Đến giờ nghỉ giải lao thì chúng tôi đòi bác kể chuyện vui.

Bác cười nói:

– Ừ ha. Bây không nhắc thì bác quên mất rồi. Hôm nay, nhân dịp ngày hội bác kể cho bây nghe câu chuyện “Lô nào” được chưa? Các lô này quen thuộc gần gũi với bây trên từng cây số luôn!

– Kể đi bác?

– Theo bác biết, hiện tại mỗi thợ cạo ở đây đang làm từ 4 – 5 lô (*). Đó là bài toán giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động của các đơn vị. Tuy vậy, những năm gần đây để giữ chân thợ cạo yêu nghề mà các đơn vị đã làm mọi cách để giảm giá thành, thậm chí tinh gọn lại bộ máy cán bộ, cắt giảm nhiều vị trí cán bộ dôi dư… để nhằm tăng tiền lương chi trả thu nhập cho thợ cạo. Được biết, mỗi thợ cạo vào thời điểm này đã có mức thu nhập bình quân hơn 9 triệu đồng/người/tháng. Đồng thời, trải qua nhiều năm làm lô mà đời sống kinh tế gia đình của họ tăng lên rõ rệt. Nhà cửa ai nấy đều là tường xây, tiện nghi máy lạnh, ti vi, xe máy đầy đủ. Có gia đình, có nhà xây còn lên tấm lên tầng và mua được cả xe tô tô mới nữa.

– Làm lô gì vậy bác ơi?

– Lô cao su chứ gì. Bây soi rọi với cuộc sống kinh tế hiện tại của gia đình mình coi đúng không. Còn trường hợp ông Ba Báo ở cùng làng với bác, trước đây ngày nào ông cũng làm mấy lô đều đều mà lâm vào cảnh túng quẫn nợ nần. Nhà có 2 công ruộng trồng lúa tốt tươi, ông cũng đem gán nợ cho người khác. Gia đình con cái nhóc nheo thiếu ăn thiếu mặc chẳng đứa nào được đi học. Nhà ở thì xập xệ, dột nát. Bác biết chuyện khuyên lơn ông ngày này qua tháng nọ theo cách “mưa dầm thấm lâu”. Phân tích cặn kẽ mọi người làm lô sao họ khá, họ giàu. Nhưng ông làm lô thì nghèo kiết xác, thân hình lo lắng nợ nần gầy gò còm nhom. Cuối cùng ông cũng thấm thía nghe lời mà từ bỏ không làm mấy lô này nữa.

– Ông Ba cũng làm lô cao su mà sao nghèo khổ vậy bác?

– Có làm lô cao su đâu bây. Ông ngày nào cũng làm mấy lô… đề mới ra nông nỗi đó chứ!

– Trời, trời… hèn gì.

 – Sau này, công ty cao su về địa phương đứng chân trồng cao su làm kinh tế, thấy ông Ba gia cảnh nghèo nên giúp đỡ xây tặng cho căn nhà tình thương. Đơn vị cũng tạo điều kiện cho vợ chồng ông có chân làm lô trồng cao su non, rồi mở lớp dạy cho học cạo. Nhờ bản tính chịu khó, ham học hỏi mà vợ chồng ông biết cạo thuần thục, được cho vô cạo lứa cây tơ mới mở năm đầu tiên. Từ đó, vợ chồng ông làm lô mà đã xóa được đói nghèo, gia đình có thu nhập tiền lương hàng tháng đều đặn, và có cuộc sống ổn định, con cái được ăn no mặc ấm đến trường học cái chữ đâu đó đàng hoàng.

– Vậy hả bác. Gia đình ông Ba gặp quý nhân giúp đỡ thiệt tốt phước. Đúng là chỉ có làm lô cao su những gia đình dẫu nghèo khó đến đâu đi nữa cũng sẽ đổi đời. Bởi vậy, thế hệ hậu bối chúng cháu quyết tâm làm lô cao su gắn bó với cao su đến cùng thôi, và luôn vững tin tự hào về truyền thống ngành nghề cao su, làm người thợ cạo mủ đã chọn này.

– Bây biết vậy thì tốt lắm. Đừng như ông Ba trước đây ngày nào cũng làm mấy lô… đề mà ra đê ở luôn nghe chưa? Khà khà…

(*) Cạo d/4, d/5

NGUYỄN CỦ CẢI