CSVN – Điều kiện thời tiết bất thường, giá bán giảm sâu…gây khó khăn cho việc thực hiện kế hoạch sản lượng, kinh doanh của các đơn vị Tây Nguyên. Tuy vậy, bằng quyết tâm, sự nỗ lực hết mình, các đơn vị đã hoàn thành các chỉ tiêu đề ra trong năm 2018.
Bất ngờ về thời tiết
Khu vực Tây Nguyên từ lâu thường xuyên phải chống chọi với điều kiện thời tiết, bệnh hại bất lợi như bệnh phấn trắng vào đầu mùa cạo, hạn hán, mưa dầm… Năm 2018 càng khó khăn hơn khi mùa mưa mưa diễn ra liên tục từ tháng 6 đến tháng 8, đến tháng 10 mới dứt hẳn mưa, một điều đã hơn 10 năm qua chưa từng diễn ra.
Trước tình hình khó khăn đó, lãnh đạo VRG đã liên tục chỉ đạo các đơn vị cần tích cực, chủ động ứng phó với sự bất thường của thời tiết. Trong đó, đáng chú ý là các biện pháp “sống chung với mưa” như gia cố máng chắn mưa, màng phủ chén. Tích cực tuyên truyền, vận động CN không bỏ cạo, thường xuyên có mặt trên lô để sẵn sàng cạo khi khô mặt cạo.
Công tác trút mủ và bảo vệ vật tư sản phẩm được chú trọng hơn, hầu hết các đơn vị đều làm tốt phòng bệnh phấn trắng hiệu quả. Tuy nhiên, những “trận mưa lịch sử” đã khiến vườn cây bị rụng lá mùa mưa ở cấp độ nặng từ 70% trở lên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, sản lượng.
Đảm bảo tiền lương như năm trước
Với những diễn biến bất thường của thời tiết, giá bán, lãnh đạo VRG đã nhiều lần đi thực tế, làm việc chung và riêng từng đơn vị để có hướng khắc phục, tháo gỡ khó khăn, ổn định tư tưởng lao động, tập trung lo đời sống cho CN.
Phó TGĐ Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum, ông Ngô Văn Mân cho hay: “Hết quý III, công ty mới chỉ đạt khoảng 55% kế hoạch, nhưng công ty đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị áp dụng nhiều biện pháp trong quản lý, nhất là tăng cường cán bộ phòng ban xuống NT đôn đốc, nhắc nhở đơn vị tích cực, chủ động hơn, sát cánh cùng CN ra lô nên công ty mới có thể hoàn thành được sản lượng VRG giao 14.500 tấn”.
Tại buổi làm việc giữa TGĐ VRG Huỳnh Văn Bảo với 7 đơn vị trên địa bàn Gia Lai – Kon Tum, ông Huỳnh Văn Bảo đã đánh giá cao sự nỗ lực vượt khó của các đơn vị, nhất là trong công tác quản lý, khai thác đảm bảo đúng tiến độ, kế hoạch sản lượng. Theo lãnh đạo các đơn vị, với giá bán hiện tại vẫn có thể đảm bảo tiền lương cho NLĐ bằng năm trước, duy trì chế độ chính sách, riêng tiền ăn ca còn thực hiện ở một vài đơn vị, cao nhất là 15.000 đồng/phần, thấp thì 10.000 đồng/phần.
Hầu hết lãnh đạo các công ty đều khẳng định có thể tiết giảm một số chi phí khác, nhưng trong năm 2018 sẽ không điều chỉnh tiền lương của lao động, nhất là CN trực tiếp sản xuất. Mặc dù đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhưng trong thi đua khen thưởng, đặc biệt là nước rút 3 tháng cuối năm vẫn được quan tâm, chú trọng. Cao su Chư Păh là đơn vị chi thưởng nhiều nhất với trên 2 tỷ đồng, Chư Prông, Kon Tum, Ea H’leo trên 1 tỷ đồng, các đơn vị còn lại cũng vài trăm triệu cho công tác khen thưởng đột xuất, hoàn thành trong tháng, trong quý.
Ông Phạm Đình Luyến – TGĐ Cao su Chư Păh cho rằng: “Càng khó khăn càng phải giữ chân CN bằng cách chăm lo cho họ tốt hơn thông qua việc đảm bảo tiền lương, tăng thu nhập hay khen thưởng đúng lúc, kịp thời và đa dạng hình thức khen thì mới tạo động lực, khí thế phấn đấu cho CN, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số”.
VĂN VĨNH
Related posts:
- Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba
- Cao su Phú Thịnh dự kiến khai thác đạt 116,5% kế hoạch
- Cao su Hòa Bình phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2021
- Cao su Tân Biên - Kampong Thom đạt nhiều kết quả nổi bật
- Tạp chí Cao su VN đột phá trong công nghệ số
- Trung tâm Y tế Ngành cao su nhận Cờ thi đua Bộ NN&PTNT
- Trồng mới hơn 2.000 ha cao su ở Kon Tum
- Cao su Bình Long quyết vượt trên 5% sản lượng
- TCT cao su Đồng Nai: 10 cá nhân được tuyên dương người tốt, việc tốt
- Cơ hội lớn cho nông sản Việt