CSVN – Chia sẻ tại Diễn đàn “Truyền thông trong thời đại số và cơ hội cho doanh nghiệp” do Ban tuyên giáo Trung ương phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp VN tổ chức vào ngày 29/6, đại diện các doanh nghiệp (DN) cho rằng cần phải liên tục xây dựng hình ảnh tốt đẹp trên các phương tiện truyền thông, nhằm giảm thiểu ảnh hưởng khi xảy ra sự cố truyền thông.
“Tai bay vạ gió”
Trong thời buổi công nghệ số, tốc độ lan truyền thông tin như vũ bão hiện nay, việc một DN xảy ra “sự cố truyền thông”, tức một tin tức tiêu cực nào đó không có lợi cho DN xuất hiện trên báo chí và mạng xã hội sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến thương hiệu DN. Thực tế sự cố chỉ là một sai sót nhỏ trong toàn bộ quy trình sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ nhưng hậu quả để lại rất lớn, gây mất lòng tin nơi người tiêu dùng, bị tẩy chay sản phẩm, từ đó thiệt hại cho doanh nghiệp. Bài học từ “chai Number One có ruồi” cách đây mấy năm là một ví dụ.
Nguyên nhân được đưa ra là làn sóng thổi phồng quá mức trên truyền thông, đặc biệt là mạng xã hội đang chiếm thế thượng phong như hiện nay. “Một chai nước ngọt bị lỗi trong hàng triệu sản phẩm, một tài khoản ngân hàng bị mất số tiền nhỏ trong hàng triệu tài khoản, một phòng giao dịch xảy ra sự cố trong hàng nghìn phòng giao dịch trên cả nước là những tai nạn rất nhỏ trong quá trình điều hành doanh nghiệp nhưng khi “lọt” thông tin ra truyền thông sẽ để lại hậu quả lớn”, đại diện một doanh nghiệp chia sẻ.
Điều đáng quan tâm là ngày nay truyền thông, cụ thể là bạn đọc của báo chí, người dùng mạng xã hội hầu như thờ ơ với tin tốt, tin tức cực từ doanh nghiệp. Trong khi chỉ cần một tin tiêu cực, mặc dù trong phạm vi rất nhỏ nhưng lại thu hút hàng triệu lượt “view”, lượt “like”. Đây là lý do vì sao các báo điện tử, trang tin tổng hợp chủ ý xây dựng nội dung từ các tin tức tiêu cực, trong đó có cả tin từ DN để thu hút bạn đọc. Ông Lê Quốc Vinh – một chuyên gia truyền thông, Chủ tịch Tập đoàn Le Group dẫn chứng, khi thông tin Tập đoàn Vingroup tài trợ 5 triệu USD để người hâm mộ Việt Nam được xem World Cup được đưa ra, phản ứng đầu tiên của dư luận chỉ là những phán xét tiêu cực như “Đánh bóng tên tuổi đây mà”, “Chỉ để quảng cáo thôi’…
Mặc dù sau đó, trên một tờ báo chính thống, ông TGĐ Tập đoàn Vingroup phải lên tiếng giải thích về mục đích tốt đẹp của quyết định này là vì cộng đồng, vì hơn 90 triệu người dân VN được thưởng thức ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, nhưng dường như vẫn không làm hài lòng dư luận. Có thể thấy, dư luận đã bỏ qua những nghĩa cử tích cực của DN mà chỉ chăm chăm quan tâm đến khía cạnh tiêu cực.
Doanh nghiệp xây dựng hình ảnh trên truyền thông bằng cách nào?
Ý kiến của các diễn giả tại diễn đàn cho rằng cần phải liên tục xây dựng hình ảnh tốt đẹp, tức thường xuyên có thông tin tích cực trên truyền thông, để khi có một tin tức tiêu cực nào đó về DN xuất hiện, dư luận và báo chí sẽ có cái nhìn nhẹ nhàng hơn, không “ném đá” mạnh tay. Thực tế, thông tin về những nghĩa cử đối với cộng đồng trong DN rất nhiều, nhưng lại không được dư luận chú ý. Vì vậy phải đăng tải thông tin thường xuyên hơn, liên tục hơn, nhằm tạo dấu ấn trong dư luận, không phải trong một thời điểm mà xuyên suốt quá trình hoạt động.
Ngay cả đối với báo chí, khi một DN xảy ra sự cố, các phóng viên truy cập lại lịch sử thông tin về DN trên mạng, nếu có nhiều thông tin tích cực, có ý nghĩa dành cho cộng đồng thì “chủ ý của các tòa soạn” cũng rất khéo, “làm nhẹ” đi tin tiêu cực. Ngược lại, nếu hoàn toàn không có thông tin gì hoặc toàn tin xấu về DN trên google thì chắc chắn ảnh hưởng của sự cố đó sẽ nặng nề hơn. Do đó không còn cách nào khác là DN phải thường xuyên quảng bá hình ảnh, thông qua sự kết nối với báo chí, nhất là với những thông tin nhân văn, vì cộng đồng.
Còn khi xảy ra khủng hoảng truyền thông, DN phải bình tĩnh, xác định quy mô, tính chất, nguồn gốc của thông tin, từ đó đưa ra phương án xử lý phù hợp. Ông Lê Thành Trung – Phó TGĐ Ngân hàng MB tiết lộ, ở DN của ông, có một đội ngũ chuyên “quét” thông tin trên mạng liên quan đến DN mình thường trực 24/24, ở bất kỳ ngõ ngách nào, hễ có thông tin ảnh hưởng đến DN là lập tức báo cáo và có phương án xử trí.
Điều đặc biệt quan trọng là phải luôn có quan hệ tốt với báo chí, truyền thông, theo hướng phối kết hợp quảng bá thông tin tích cực. Nhiều DN có tâm lý e ngại báo chí, sợ báo chí “soi” đến điểm xấu của mình, hoặc “bịt miệng thông tin” bằng các phương thức khác, sẽ càng gây ảnh hưởng tiêu cực. Khi xảy ra sự cố, DN nên chủ động tổ chức họp báo, cung cấp thông tin minh bạch, công khai, thẳng thắn thừa nhận sai sót của mình, nếu có. Ngược lại nếu cố tình che đậy, giấu giếm thì báo chí và dư luận sẽ tiếp tục “tấn công”, DN cuối cùng nhận hậu quả.
QUỐC AN
Related posts:
- Sức lan tỏa và hiệu ứng Cuộc thi “Cao su Đất và Người”
- Lễ hội ăn trâu: Nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên
- Hội Nhà báo tỉnh Gia Lai tổ chức cho hội viên đi thực tế tại huyện Chư Pưh và Chư Sê
- Cao su Chư Păh tổ chức bóng đá nữ mini truyền thống
- Ảnh dự thi "Ánh sáng từ dòng vàng trắng" lần thứ V năm 2019
- Cao su Mang Yang tích cực hỗ trợ bà con đồng bào trên địa bàn
- Làng cười
- Vui trung thu vùng cao Sơn La
- Một ngày với Phú Riềng Đỏ
- "Tập trung trên từng đường cạo"