Về Làng Sen nhớ nắng Ba Đình

CSVN – “Từ Làng Sen đã tỏa làn hương thơm ngát /Hương đóa sen thanh bạch Hồ Chí Minh”, những ca từ ngọt ngào mang âm hưởng dân ca đưa chúng tôi về thăm xứ Nghệ – vùng đất “địa linh nhân kiệt” chiếc nôi hình thành nhân cách cao đẹp Hồ Chí Minh.
Khách du lịch về thăm Làng Sen - quê Bác. Ảnh: N.K
Khách du lịch về thăm Làng Sen – quê Bác. Ảnh: N.K

Hòa vào dòng người hành hương về thăm huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An nhân 126 năm ngày sinh của vị cha già dân tộc: Làng Hoàng Trù (làng Chùa) – nơi Bác Hồ cất tiếng khóc chào đời, ai cũng không nén nỗi xúc động, tự hào khi nghe thuyết minh viên kể về cuộc đời của Bác: “Cụm di tích Hoàng Trù nằm trên diện tích 3.500m² là nhà của cụ Hoàng Xuân Đường, ông ngoại của Hồ Chủ Tịch. Trong ngôi nhà nhỏ 3 gian, cậu bé Nguyễn Sinh Cung cất tiếng khóc chào đời… Ngay từ nhỏ, mẹ thường hát ru những làn điệu dân ca xứ Nghệ ngọt ngào, sâu lắng: “À ơi, con ơi mẹ dặn câu này/ Chăm lo đèn sách cho tày áo cơm/ Làm người đói sạch rách thơm /Công danh phủi nhẹ, nước non phải đền”. Bởi vậy mà lời ru, câu hát quê hương đã đi theo Bác từ thuở lọt lòng cho tới trước lúc đi xa”.

Khi tận mắt chứng kiến cuộc sống bình dị và thanh cao của Bác Hồ thời thơ ấu, bác Nguyễn Cao Hậu – một cựu chiến binh đến từ Đồng Xoài – Bình Phước không giấu được cảm xúc nghẹn ngào: “Lúc còn ở bộ đội, tôi cũng từng đóng quân nơi đây, nhưng hôm nay được về thăm lại quê Bác, nghe kể lại cuộc đời của Bác, tôi xúc động lắm, nước mắt cứ trào ra. Tự nhủ lòng, phải sống sao cho xứng đáng là người lính Cụ Hồ, trung với nước, hiếu với dân”.

Nắng tháng năm vàng hơn, những hồ sen xanh mướt, hương thơm lan tỏa. Dòng người đông hơn, không vội vã, ai cũng cố nén lại bên cánh võng, khung cửi, chiếc giường… để cảm nhận chút hơi ấm của Bác còn lại đâu đây.

Em Nguyễn Trọng Đồng học sinh lớp 3, từ Lào Cai về thăm quê Bác cứ tần ngần bên chiếc võng gai đơn sơ, nơi xưa kia tuổi ấu thơ cậu bé Nguyễn Sinh Cung thường nằm nghe tiếng à ơi của mẹ và cả những câu chuyện cổ tích của bà ngoại. Khi được hỏi về cảm xúc của mình, Đồng không giấu được niềm tự hào: “Ở lớp em được nghe các thầy cô kể nhiều về cuộc đời, tấm gương sáng ngời của Bác. Nhưng hôm nay, em mới được về thăm nơi Bác sinh ra và lớn lên. Em hứa sẽ cố gắng học hành chăm ngoan để xứng đáng là Cháu ngoan Bác Hồ”.

Cô Nguyễn Thị Nguyệt – giáo viên Trường tiểu học Văn Chấn 1, tỉnh Yên Bái chạy tới chạy lui hướng dẫn đoàn học sinh chụp ảnh lưu niệm tại căn nhà tranh ba gian nơi Bác ở, tay lau vội những giọt mồ hôi, nghẹn lời chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên được đưa học sinh về thăm quê Bác, xúc động lắm chị ạ. Qua những câu chuyện kể, những kỷ vật gắn liền với tuổi thơ của Bác, học sinh có dịp được ôn lại cuộc đời và công lao to lớn của Người đối với dân tộc, đó là bài học thực tiễn có ý nghĩa giáo dục lớn lao…”.

Hướng dẫn viên giới thiệu về di tích. Ảnh: N.K
Hướng dẫn viên giới thiệu về di tích. Ảnh: N.K

Rời Hoàng Trù, chúng tôi đi theo con đường hai bên những đầm sen nở rộ để đến Làng Sen – quê nội của Bác, nơi đây Người đã sống trong thời niên thiếu. Làng Sen – ngôi làng mà những hình ảnh thân thương gần gũi đã đã in sâu vào tâm thức người Việt. Nơi có ngôi nhà lá 5 gian mộc mạc do bà con Làng Sen xuất quỹ công dựng lên để mừng ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc năm xưa; có di tích cây đa, giếng Cốc, sân vận động Làng Sen; Khu trưng bày các hiện vật và Nhà tưởng niệm Bác Hồ… Những cảnh quan và hiện vật quá đỗi thân thuộc, dung dị của lũy tre làng, đường đất nhỏ, se sợi, khung cửi, bờ dâu…

Hoàng Trù quê ngoại và Làng Sen quê nội của Bác Hồ hôm nay đang từng ngày đổi mới. Những con đường dẫn vào các ngõ xóm, làng quê “xứ Nghệ quanh quanh” ngày nào giờ được thay bằng đường bê-tông kiên cố, chúng tôi như đắm mình trong sự yên bình “non xanh nước biếc” của vùng quê điển hình của làng quê Việt Nam để thấy lòng thanh tịnh trước cuộc sống xô bồ, náo nhiệt.

Trong cái nắng Ba Đình của những ngày tháng chín, đường phố rạo rực cờ hoa chào mừng ngày độc lập, ta vẫn thấy đâu đây hình ảnh vị lãnh tụ áo nâu tóc bạc giản dị, thanh cao mà rất đỗi thân thương. Cuộc đời của Người tỏa ngát hương của sen tháng năm, là vầng sáng của nắng ấm Ba Đình, để rồi mỗi khi nghĩ về Bác ta thấy tâm hồn lắng lại bao cảm xúc mang giá trị chân – thiện – mỹ.

Khôi Nguyên