CSVN – Đến nay công tác thu hoạch mủ cao su của các công ty trực thuộc VRG tại Tây Nguyên đã đi vào ổn định và cho sản lượng mủ cao. Tuy nhiên, giá bán và công tác tiêu thụ vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc, do vậy thu nhập của người lao động vẫn chưa cải thiện nhiều, nên không chỉ các công ty mà cả người lao động đang rất mong đợi vào một tín hiệu tích cực hơn nữa từ thị trường.
Thu hoạch mủ tiến triển tốt
Thực hiện chỉ đạo của Tập đoàn nhằm tiết giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động, giảm giá thành, kinh doanh cao su có hiệu quả, năm 2016, hầu hết các công ty cao su trên địa bàn Tây Nguyên đều từng bước chuyển đổi chế độ cạo từ D3 sang D4, thậm chí D5 để ứng phó tình trạng thiếu lao động. Đồng thời, đảm bảo suất đầu tư theo quy định của VRG cũng như đảm bảo thu nhập cho người lao động.
Điển hình như Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang đã chuyển hầu hết diện tích khai thác sang cạo D4, trừ một số diện tích có công nhân là người dân tộc thiểu số, hay tại Công ty Chư Prông đã triển khai cạo ở cả 3 chế độ, trong đó chế độ cạo D3 là 1.715 ha, D4 là 3.286 ha và thí nghiệm cạo D5 với 143 ha…
Việc chuyển đổi này đã giải quyết tốt việc thiếu lao động trong thời gian qua, thậm chí tại Công ty Chư Prông, công việc này còn tiết giảm thêm được 200 lao động. Công tác khai thác mủ vẫn được các đơn vị duy trì đều đặn và ổn định, tỷ lệ thu hoạch có giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng không nhiều. Một số đơn vị còn đạt tỷ lệ cao, nằm trong top đầu như Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum đạt 33,87% kế hoạch, Công ty Mang Yang đạt 28,57%, Công ty Krông Buk được 28,23% kế hoạch cả năm.
Trong nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, các đơn vị đều thể hiện quyết tâm hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao từ 1 – 5%, đặc biệt Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang đặt mục tiêu vượt kế hoạch VRG giao khoảng 10%.
Tiêu thụ gặp khó
Công tác thu hoạch mủ đã bắt đầu bước vào thời kỳ cho mủ nhiều, sản lượng của các công ty trên địa bàn tăng mạnh, gây áp lực cho việc tiêu thụ trong khi thị trường còn gặp nhiều khó khăn. Vào đầu tháng 7/2016 Tập đoàn RCMA của Châu Âu đã đến các đơn vị Tây Nguyên nhằm tìm kiếm nguồn cung ứng lâu dài, ổn định và chỉ đặt vấn đề về việc mua bán với 2 công ty là Chư Prông và Kon Tum, vì 2 đơn vị này đáp ứng được những yêu cầu về chất lượng sản phẩm cũng như cơ cấu sản phẩm, nhưng trước mắt vẫn là các hợp đồng chuyến với số lượng không nhiều.
Một số lãnh đạo các đơn vị Tây Nguyên cho hay, tình hình hiện nay rất khó khăn, sản lượng bắt đầu tăng trong khi đó lượng khách hàng không nhiều, công tác tiêu thụ cũng như những năm trước, tồn kho vẫn còn…Do đó người lao động cũng như doanh nghiệp hiện đang rất trông đợi vào tín hiệu tích cực hơn từ thị trường giá bán.
Dù khó khăn, tuy nhiên các công ty trên địa bàn Tây Nguyên vẫn cố gắng, nỗ lực hết mình để đảm bảo mức lương cho người lao động ở trên mức tối thiểu, dao động từ 3,5 đến trên 4 triệu đồng/người/tháng, đặc biệt có Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum đạt mức 6,35 triệu đồng/ người/tháng. Hiện tại rất nhiều hộ gia đình công nhân, nhất là tại các công ty trên địa bàn Gia Lai đang tích cực trồng xen canh trong cao su tái canh, để nâng mức thu nhập của gia đình.
Bài, ảnh: Gia Linh
Related posts:
- 8 chỉ đạo của Chủ tịch HĐQT VRG
- Cao su Sa Thầy tổ chức Hội thao CNVC - LĐ năm 2022
- Các công ty cao su tại Campuchia hoàn thành tốt mục tiêu kép
- 24 đơn vị tập huấn phần mềm quản lý văn bản đợt 2
- Xem xét trồng mía xen canh trong cao su
- Tạo điều kiện mở cạo Cao su Điện Biên
- Chậm nhất quý I/2018 sẽ IPO VRG
- Nhiều kết quả nổi bật trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2018
- Ông Trần Ngọc Thuận tái đắc cử Chủ tịch Hiệp hội Cao su VN
- Phát động thi đua ngay từ đầu năm 2018