Nhiều kết quả nổi bật trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2018

CSVN XUÂN – Năm 2018, bên cạnh các yếu tố thuận lợi thì công tác kỹ thuật nông nghiệp VRG gặp không ít khó khăn như hiệu ứng của biến đổi khí hậu gây hiện tượng thời tiết cực đoan, một số đơn vị tổ chức sản xuất gặp khó khăn về lao động. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tiến Đức – Phó TGĐ thường trực VRG, bằng sự nỗ lực vượt bậc của tập thể CB.CNVC – LĐ, VRG đã gặt hái được nhiều kết quả nổi bật.
Ông Nguyễn Tiến Đức – Phó TGĐ thường trực VRG và ông Lê Thanh Tú – Phó TGĐ VRG trao thưởng hoàn thành kế hoạch sản lượng năm 2018 cho Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng. Ảnh: Ngọc Cẩm.
Ông Nguyễn Tiến Đức – Phó TGĐ thường trực VRG và ông Lê Thanh Tú – Phó TGĐ VRG trao thưởng hoàn thành kế hoạch sản lượng năm 2018 cho Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng. Ảnh: Ngọc Cẩm.
25 đơn vị hoàn thành sản lượng sớm

Năm 2018, sản lượng mủ khai thác của toàn VRG đạt 307.108 tấn, bằng 101,92% kế hoạch (vượt 5.788 tấn), trong đó, sản lượng vượt tập trung chủ yếu ở khu vực Đông Nam bộ và Lào. So với kế hoạch nông nghiệp VRG điều chỉnh ở một số đơn vị, sản lượng vượt lên đến 13.303 tấn, tương ứng 104,53%. Khẳng định năng suất vườn cây vẫn duy trì, bình quân 1,57 tấn/ha, các đơn vị đạt năng suất cao thuộc khu vực Đông Nam bộ (1,91 tấn/ha), Lào (1,7 tấn/ha). Các khu vực mới đưa vào khai thác năng suất cũng bắt đầu tăng dần. Hiện nay, toàn VRG có 10 công ty (tăng 2 đơn vị so năm 2017) và 58 nông trường là thành viên CLB 2 tấn. Công tác quản lý kỹ thuật có tiến bộ ở các khu vực mới đưa vào khai thác. Kết thúc năm 2018 có 25 đơn vị hoàn thành sản lượng sớm, trong đó về trước 30 ngày có 10 công ty, có 2 công ty về trước 2 tháng.

Về công tác tái canh trồng mới, trong năm trồng được hơn 10.564 ha. Thời vụ trồng được các đơn vị tuân thủ nghiêm túc, cơ cấu giống trồng thực hiện đúng khuyến cáo giai đoạn 2016 – 2020. Chất lượng vườn cây trồng mới đạt và vượt tiêu chuẩn, điển hình là Đồng Nai, Phú Riềng, Đồng Phú. Công tác phòng trị bệnh hại được quan tâm và thực hiện theo quy trình. Các công ty đã chủ động điều tiết lượng phân bón trên vườn cây KTCB theo hiện trạng sinh trưởng và đất đai theo hướng dẫn chỉ đạo của VRG. Chủ trương nâng cao năng suất lao động bằng biện pháp cơ giới và phun thuốc trong chăm sóc, bón phân làm cỏ đã được nhiều đơn vị triển khai hiệu quả, điển hình là Công ty Tây Ninh. Xu hướng này sẽ được tiếp tục nhân rộng quy mô trong thời gian tới.

Đối với việc chuyển đổi cây trồng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, đến năm 2018, các đơn vị gồm Dầu Tiếng, Phước Hòa, Bà Rịa, Đồng Phú, Mang Yang đã và đang trình VRG thỏa thuận chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tổng diện tích là hơn 2.000 ha. Các loại cây trồng ứng dụng công nghệ cao dạng chuyên canh gồm chuối cấy mô, mít, cây có múi với hình thức thực hiện dự án là liên kết với đối tác có kinh nghiệm, có thị trường tiêu thụ. Các đơn vị thành viên đầu tư một phần vốn để tham gia quản lý, định hướng làm chủ công nghệ để tự thực hiện ở giai đoạn sau. Trong thời gian tới, VRG tiếp tục thực hiện các mô hình nông nghiệp công nghệ cao với quy mô phù hợp, có hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời cử cán bộ tham gia quản lý, từng bước làm chủ quy trình công nghệ, xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Ứng dụng giải pháp kỹ thuật, linh hoạt trong năm 2019

Trước tiên, VRG sẽ chỉ đạo các đơn vị tập trung mọi nguồn lực để thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch nông nghiệp của VRG, khai thác 320.250 tấn, TC- TM 9.699 ha trong năm 2019. Chú trọng nâng cao hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích đất nông nghiệp phù hợp với năng lực sản xuất của từng vùng trồng cao su khác nhau của VRG. Ứng dụng các giải pháp kỹ thuật thích hợp, linh hoạt, phù hợp với điều kiện của thực tiễn sản xuất một cách kịp thời.

Tăng cường chất lượng công tác đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cho các công ty thành viên, thông qua các lớp tập huấn kỹ thuật theo chuyên đề. Chú trọng kỹ năng ứng dụng nền tảng công nghệ nhằm nâng cao hiệu suất công việc, kỹ năng làm việc nhóm để giải quyết từng gói giải pháp kỹ thuật mang tính chuyên môn sâu. Năm 2019, VRG tiếp tục duy trì hoạt động khoa học – công nghệ, cập nhật các tiến bộ kỹ thuật mới thông qua tổ chức hội nghị, hội thảo tổng kết nông nghiệp theo vùng, chủ đề.

Để đạt được chỉ tiêu đề ra, VRG tập trung chủ yếu vào các giải pháp cụ thể trong từng lĩnh vực. Đối với lĩnh vực tổ chức sản xuất, thu hoạch mủ, giải quyết vấn đề thiếu lao động và cơ cấu tuổi cạo vườn cây qua các giải pháp như đa dạng nhịp độ cạo (d3, d4, d6), chuyên môn hóa trong khai thác, quy hoạch vỏ cạo linh hoạt theo đặc điểm vườn cây để ổn định sản lượng lâu dài (trên 400.000 tấn/năm sau năm 2020 trở đi), nâng cao năng suất lao động qua đó bảo đảm thu nhập hợp lý cho NLĐ chủ động cân bằng cơ cấu vườn cây, nâng cấp chất lượng vườn cây.

Đối với vườn cây KTCB, các đơn vị phải áp dụng biện pháp tiết kiệm chi phí đầu tư chăm sóc theo các thứ tự ưu tiên: kiểm soát cỏ dại, không để xảy ra cháy vườn cây, phòng trị bệnh kịp thời, có hiệu quả cao với chi phí thấp nhất. Khắc phục nhanh chóng khi bị ảnh hưởng thiên tai, bón phân linh hoạt hợp lý theo tình hình sinh trưởng cụ thể từng lô. Bên cạnh đó, tiếp tục trồng xen các loại cây phù hợp trong giai đoạn KTCB, không để cạnh tranh với cây trồng chính nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng đất, sử dụng lợi ích từ trồng xen để tái đầu tư trở lại cho vườn cây. Quản lý nghiêm suất đầu tư trong nông nghiệp theo định hướng của Tập đoàn.

Tái canh trồng mới phải đáp ứng tính thời vụ, chọn giống thích nghi hoặc giống tối đa hóa năng suất, bảo đảm tiềm năng sản lượng vườn cây giai đoạn kinh doanh.

QUỲNH MAI