“Già làng” trong lòng dân

CSVN – Không chỉ ở Nông trường (NT) Thuận Phú, mà cả Công ty CPCS Đồng Phú ai cũng biết ông với tên gọi thân mật: “Già làng” trong lòng dân. Ông là Trần Bình Trọng – Trợ lý Bảo vệ Quân sự NT Thuận Phú.
Ông Trọng bên ao cá giống trong trang trại VAC của ông.
Ông Trọng bên ao cá giống trong trang trại VAC của ông.
Cái cúc áo cuối cùng

Ông Trần Bình Trọng sinh năm 1959 tại xã Vĩnh Tri, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Bố ông là liệt sỹ, côi cút từ nhỏ, tuổi thơ ông lang bạt sống nhờ bà con nội, ngoại. Đầu năm 1980, khi Công ty Cao su Đồng Phú đến làng quê nghèo, quanh năm màu nắng gió để tuyển công nhân (CN), ông quyết định khăn gói lên đường vào miền Nam.

“Tôi vẫn nhớ như in cái ngày đặt chân xuống Bến xe miền Đông, trong túi tôi không còn một đồng, nơi đất khách quê người, không quen biết ai, trên người chỉ có cái áo mới. Lúc đó, để có tiền bắt xe lên Đồng Phú, tôi bán cái áo để tiếp tục hành trình. Sau này tôi có viết một bài hồi ký về cuộc đời mình mang tên Cái cúc áo cuối cùng. Cả cuộc đời tôi không bao giờ quên giây phút ấy, đó là động lực để tôi phấn đấu mỗi ngày” – ông Trọng chia sẻ. Thời gian đầu ông làm CN trồng mới, chăm sóc. Đến năm 1984, ông làm Tổ trưởng tổ lai ghép. Năm 2004 giữ chức trợ lý bảo vệ quân sự đến giờ.

 Nông dân giỏi điển hình của tỉnh Bình Phước

Sau một thời gian mày mò, nghiên cứu mô hình trang trại Vườn – Ao – Chuồng, năm 2004, ông Trọng bắt đầu phát triển kinh tế gia đình trên diện tích 12 ha đất quanh nhà. Với kinh nghiệm được đào tạo bài bản, ông đầu tư vườn ươm cây cao su với 15.000 cây giống, hiện tại, mỗi năm ông thu từ vườn ươm 180 triệu đồng. 4 ha ông đào ao nuôi cá giống, baba…; chăn nuôi nhím, heo thịt, heo rừng, vịt trời, vịt cỏ, gà ta… mỗi năm ông thu từ trang trại chăn nuôi 1,4 tỷ đồng. Diện tích đất còn lại ông trồng cao su, cà phê, trồng xen bí đỏ, bắp…

Ông Trọng bên đàn heo thịt chuẩn bị xuất bán trong trang trại VAC của ông.
Ông Trọng bên đàn heo thịt chuẩn bị xuất bán trong trang trại VAC của ông.

“Ông ấy làm việc không ngơi nghỉ, làm việc quần quật từ 4h sáng đến 10h tối. Nào việc ở nông trường, việc ở trang trại… nhiều lúc tôi khuyên ông ấy bớt việc, lớn tuổi rồi, sức khỏe càng ngày càng yếu. Ông ấy chỉ cười nói mình còn khỏe thì phải lao động” – bà Nguyễn Thị Hiền, vợ ông Trọng chia sẻ. Với tinh thần cầu tiến, ham học hỏi, không ngại gian khó, sau 12 năm miệt mài với mô hình VAC, ông Trần Bình Trọng vinh dự nhiều năm liền nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, Hội Nông dân tỉnh… về mô hình phát triển kinh tế giỏi điển hình và được vinh danh 100 nông dân giỏi của tỉnh.

 “Già làng” dẹp nạn trộm cắp mủ

Những năm 2002 – 2006, là giai đoạn khó khăn nhất của NT Thuận Phú do nạn trộm cắp mủ hoành hành, khiến lãnh đạo NT, CN lo lắng. Là một trong những lãnh đạo NT từ những ngày đầu, ông Nguyễn Quang Tuyến – Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc, Chủ tịch CĐ NT Thuận Phú, chia sẻ: “Năm 2004 – 2005 là đỉnh điểm trộm cắp mủ ở NT. Mặc dù đã kết hợp với chính quyền, công an xã nhưng tình trạng trộm cắp tăng mạnh. Lúc đó, lực lượng bảo vệ phải tăng cường trên 50 người. Giai đoạn này, người có công dẹp nạn trộm cắp mủ là anh Trần Bình Trọng. Tôi nhớ lúc đó, anh không những đối đầu với những đầu nậu mua bán mủ trộm, bị bọn chúng đến tận nhà đe dọa, rồi chặt hơn 10.000 cây bầu cao su giống, thuốc cá, chặt cao su, cà phê… trong trang trại của anh”.

“Khi đó, anh Trọng vẫn không nao núng. Một mặt, anh kết hợp với công an, dân quân xã tuần tra bắt hàng trăm vụ trộm cắp mủ tại lô cao su. Mặt khác, anh học tiếng Stiêng rồi lặn lội vào các buôn, sóc vận động người dân vào làm CN, khuyên nhủ người dân đừng tiếp tay trộm cắp mủ… Đến năm 2006, NT Thuận Phú không còn nạn trộm cắp mủ hoành hành, CN yên tâm ra lô khai thác”. Từ công tác dân vận, ông Trần Bình Trọng được mọi người gọi với cái tên thân mật “già làng” dẹp nạn trộm cắp mủ. Nếu như năm 2006, ông Trọng vận động được 111 hộ dân ký vào bản cam kết không trộm cắp mủ của NT, thì năm 2016, đã có hơn 1.500 hộ ký cam kết. Lực lượng bảo vệ NT chỉ còn 18 người.

 Ngọc Cẩm