CSVN – Đài VTV1 đang phát sóng 38 tập phim truyền hình Gia phả của đất, phim mới về đề tài nông thôn, nông dân, do Quốc Trọng đạo diễn (ĐD), đang gây được sự chú ý của đông đảo khán giả.
Xung đột ngầm nơi làng quê yên ả
Được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Hoàng Minh Tường, Gia phả của đất dưới bàn tay “nhào nặn” của ĐD – NSƯT Quốc Trọng mang tới cho khán giả truyền hình một đề tài mới về nông thôn. Đó là bức tranh về vùng nông thôn của mô hình duy ý chí, lỗi thời với những tồn tại, thiếu sót và lạc hậu trong cơ chế bao cấp, chịu sự áp đặt của một số cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở huyện và xã.
Bộ phim kể về một vùng quê Bắc bộ với thời gian từ cuối những năm 70 (TK XX) tới ngày hôm nay. Đó là xã Thanh Bình – vùng đất thuần nông đã phải chứng kiến rất nhiều câu chuyện, đau thương có, nực cười cũng có trong giai đoạn xã hội phát triển từ thời kỳ bao cấp sang đổi mới.
Trong bức tranh nông thôn ấy, đạo diễn đã khắc họa sinh động những nhân vật điển hình mang đậm tâm tính con người ở một xã nông nghiệp Bắc bộ: Có người cô đơn, lẻ loi vì không tìm thấy hạnh phúc cá nhân; có người là nông dân thuần phác nhưng lòng tham vô đáy về quyền và tiền cùng lối tư duy duy ý chí đã vô tình kéo họ đến con đường tha hóa, biến chất trong thời buổi nền kinh tế đang trên đà phát triển; có người rất nham hiểm, luôn tìm cách trục lợi trên vùng quê yên bình và cũng có cả những người trung thực, luôn đấu tranh bảo vệ lợi ích cho mảnh đất quê hương…
Bộ phim cũng cho thấy những cuộc đối đầu vô cùng quyết liệt và gian truân trong việc lựa chọn những người cán bộ vì quyền lợi hay vì lý tưởng.
Suốt một khoảng thời gian dài, những vấn đề của làng quê cứ thế diễn ra, tạo nên những vết sẹo không thể xóa mờ, nhưng cũng làm nên sự thay da đổi thịt trên chính mảnh đất quê hương.
Điểm nhấn cho phim
Gia phả của đất có sự kết hợp giữa những diễn viên kỳ cựu và những gương mặt trẻ. Vai chính do NSƯT Hoàng Hải đảm nhận đã lột tả chân thực hình ảnh người cán bộ đầy nhiệt huyết, chân chất, dần bị những ham hố quyền lực, mưu tính thiệt hơn làm tha hóa.
Nghệ sỹ Đàm Hằng cùng lúc đảm nhận hai vai diễn với tính cách trái ngược hẳn nhau, qua đó thể hiện khả năng diễn xuất rất đa dạng. Ngoài ra, thành công của bộ phim không thể không nhắc đến sự đóng góp của NSND Minh Châu, NSƯT Đình Chiến, NSƯT Đỗ Kỷ, Phú Đôn với độ chín về nghề nghiệp, tạo nên những nhân vật vô cùng ấn tượng.
Qua bộ phim, khán giả sẽ cảm nhận được sự kỳ công về mặt tạo hình, phục dựng bối cảnh làng quê Việt Nam ở những năm 70. Đoàn làm phim đã lựa chọn nhiều vùng quê khác nhau để tạo nên một vùng nông thôn Bắc bộ điển hình.
Đây cũng là bộ phim truyền hình được thực hiện lâu nhất từ trước tới nay của Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) với gần 2 năm cho 38 tập phim. Đây là một trong những bộ phim đầu tiên được sử dụng công nghệ chỉnh màu hiện đại, nhằm mang lại hiệu ứng tốt nhất về hình ảnh. Hiệu ứng “màu thời gian” tạo điểm nhấn cho phim, cùng với sự hấp dẫn về nội dung, đã thu hút được nhiều khán giả ngồi trước màn hình TV vào 20h40 phút từ thứ 4 đến thứ 6 hàng tuần trên kênh VTV1.
Thảo Phương
Related posts:
- Ly hôn là giải pháp tồi tệ nhất
- Khối thi đua sản xuất tỉnh Gia Lai giao lưu thể thao
- Nét đẹp Nhà văn hoá CN Cao su Quảng Trị
- Phó Giáo sư Huỳnh Lứa: Chủ biên đầu tiên của cuốn lịch sử phong trào công nhân cao su Việt Nam
- Trường CĐ CN Cao su: Thi hát karaoke” mừng ngày Nhà giáo Việt Nam
- Chị Phạm Thị Thái làm Trưởng Ban liên lạc hưu trí Cao su Chư Păh
- Tết ở Làng Công nhân Tân Hưng
- Cao su Chư Sê trao 2.435 suất quà trung thu
- Cao su Bà Rịa tích cực tham gia hội thi tìm hiểu 30 năm thành lập huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng...
- Phim Việt "nóng" chuyện hôn nhân - gia đình