Để bài hát truyền thống thực sự xứng tầm

CSVN Xuân – Vừa qua, thực hiện chỉ đạo của VRG, Tạp chí Cao su VN đã mở chuyên mục trên trang tin điện tử để bình chọn ca khúc truyền thống cho ngành, qua 3 ca khúc: Cao su Việt Nam (nhạc sỹ (NS) Phạm Minh Tuấn), Hành khúc Cao su Việt Nam (NS Nguyễn Long), Hành khúc Công nhân Cao su (NS Ngọc Thu Hồng). Đây cũng là những bài hát được đông đảo CNLĐ và các đơn vị sử dụng vào các hoạt động văn hóa nghệ thuật trong thời gian qua.
Đông đảo CNLĐ và các đơn vị sử dụng các ca khúc này vào các hoạt động văn hóa nghệ thuật trong thời gian qua. Ảnh: Vũ Phong
Đông đảo CNLĐ và các đơn vị sử dụng các ca khúc này vào các hoạt động văn hóa nghệ thuật trong thời gian qua. Ảnh: Vũ Phong

Qua thời gian bình chọn Tạp chí CSVN đã nhận được nhiều phản hồi, bình chọn tích cực từ phía công chúng yêu nhạc, cả trong lẫn ngoài ngành. Trong đó có cả những ý kiến trái chiều, cho rằng 3 ca khúc được bình chọn, chưa thể hiện “xứng tầm” về một ngành kinh tế có bề dày truyền thống. Xin được giới thiệu ý kiến của 2 NS Việt Hùng và Lê Thắng.

NS Việt Hùng: “Theo cảm nhận của riêng tôi, nghe vẫn chưa cảm thấy “đã” kể cả bản phối khí và phần nhạc. Nhạc hành khúc, đồng ý là để ca ngợi, nêu cao tinh thần, khí thế trong lao động, trong đấu tranh… Một ca khúc có thể nói là hay ở điểm nào đó, là một ca khúc mà khi người nghe cảm nhận ca từ và giai điệu của nó. Phải có nhiều hơn những bài hát viết về thực tế những khó khăn mà người công nhân và ngành cao su đã và đang trải qua.

Tôi nghĩ để có hành khúc mang tính truyền thống hay, thì cần có một quá trình trải nghiệm của người sáng tác với ngành cao su. Nên mở ra nhiều trại sáng tác ca khúc cho những nhạc sĩ có chuyên môn sâu, đi trải nghiệm thực tế để họ viết cho mình. Vì có hiểu về ngành, thì cảm xúc mới sâu và có thể thăng hoa được, từ đó mới phản ánh một cách sâu rộng trong một ca khúc”.

NS Lê Thắng: “Về mặt ca từ thì cả 3 ca khúc trên chưa thật sự thuyết phục được tôi. Về giai điệu hay bị gãy nhiều, kể cả bài Hành khúc Công nhân Cao su (NS Ngọc Thu Hồng). Trong sáng tác, điều cấm kị là cố gắng ép cảm xúc của mình vào thể loại nào đó. Sáng tác hành khúc khi tâm hồn chưa có “nhịp đi”, sẽ làm cho ca từ, giai điệu không đồng bộ, rời rạc.

Theo tôi, để có được ca khúc hay thì nên đặt hàng cho những tác giả hiểu về ngành cao su. Cho họ có một thời gian đủ dài để thấu hiểu về ngành, thì họ viết sẽ hiệu quả hơn”.

Phong Vũ

[cow_johnson]

Cả ba bài hát đều có được những nhịp điệu sôi động mang tính tuyên truyền cao, có những ca từ hay và cũng có ca từ không phù hợp và phát ngôn gượng ép. Như bài hát: “Cao su Việt Nam” của NS Phạm Minh Tuấn có kỹ thuật tiết tấu, hài hòa, trang trọng nhưng có một số ca từ không phù hợp như: “Từng dòng nhựa trắng tô thắm cờ hồng”, “Bao năm xa xưa đất nước ta màu máu. Vùng lên chiến đấu”, “Cao su Việt Nam là tự do Tổ quốc”.

Lý do cao su là một ngành kinh tế được quản lý bởi Tập đoàn kinh tế nên đặc tính kinh tế phải trên các lĩnh vực khác và ngành cao su đã vươn ra nước ngoài. Do vậy ca từ không nên thiên tả khuynh chính trị hóa, ý thức hệ hóa, mà phải mang giá trị phổ quát nhân văn cao để có cơ hội hội nhập sâu kinh tế quốc tế, để phù hợp thông lệ ứng xử quốc tế. Tiết tấu, âm điệu bài này được nhất trong ba bài.

Còn bài “Hành khúc cao su Việt Nam” (NS Nguyễn Long) về kỹ thuật, tiết tấu, cao tần, phối khí không bằng bài “Cao su VN”, ca từ có thể chấp nhận được. Tuy nhiên bài hát chỉ đề cập đến khía cạnh xây dựng đất nước, nghĩa là chỉ có cái chung, chưa đề cập cái riêng nhân bản, cái khát vọng mang tính phổ quát. Riêng bài “Hành khúc Công nhân cao su” (NS Ngọc Thu Hồng) có số ca từ đơn giản, bình dị nhưng thuần túy quá, không sâu sắc, chưa thể hiện cái “chất xám” của ngành cao su.

N.S

[/cow_johnson]