CSVN – Đây là sáng tiến của anh Trương Minh Tiến – Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Chư Mom Ray, đã làm lợi cho công ty hàng tỷ đồng chỉ bằng vài thao tác đơn giản với một chi phí thấp, đó là dùng màng phủ nông nghiệp (ni lông) để diệt le.
Nhiều sáng kiến đơn giản nhưng hiệu quả
Chúng tôi biết anh từ ngày anh còn là một giám đốc trẻ, năng động và nhiệt huyết của Nông trường Cao su Bờ Ngoong thuộc Công ty Cao su Mang Yang. Năm 2007, anh được sự tin tưởng của lãnh đạo Công ty Cao su Mang Yang giao nhiệm vụ làm Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Chư Mom Ray, một công ty con của Công ty Mang Yang với nhiệm vụ quản lý, phát triển trồng mới, khai thác và chế biến cao su tại vùng biên giới của xã Mo Rai – huyện Sa Thầy (nay là huyện Ia H’Drai) – tỉnh Kon Tum.
Ngay khi bắt tay vào phát triển dự án với quy mô trên 4.400 ha, tận dụng hết năng lực của mình, anh đã thúc đẩy dự án nhanh chóng hoàn tất. Thuở mở đất, công ty gặp rất nhiều khó khăn, dự án được cấp cách biên giới Campuchia chừng 500m, lúc ấy chưa có giao thông, không điện lưới, không dân cư… Trong gian khó ấy, bản tính cần cù chịu thương, chịu khó của người lãnh đạo cùng toàn thể CBCNV đã được phát huy.
Thời kỳ này, khó khăn lớn của các đơn vị trên địa bàn Tây Nguyên, đặc biệt là những vùng mới như dự án Ia Lâu, Ia Mơr của huyện Chư Prông – Gia Lai, Sa Thầy – Kon Tum là công tác diệt le sau khi trồng mới.
Cây cao su của Công ty TNHH MTV Cao su Chư Mom Ray bắt đầu bén rễ trên vùng đất biên giới từ những ngày đầu vụ của năm 2008 với nhiều khó khăn, thử thách. Những ngày đầu thật sự là một chuỗi ngày dài. Anh Tiến kể lại: “Sau khai hoang, trồng mới được một thời gian thì những bụi le bắt đầu “đâm chồi nảy lộc” nhanh khủng khiếp giữa mùa mưa Tây Nguyên, nếu không sớm có biện pháp diệt chúng thì cao su trồng mới sẽ khó mà sinh trưởng được. Vì thế, tôi và anh em phòng kỹ thuật đã nhiều lần ngồi lại với nhau để tìm biện pháp xử lý, nhưng hầu như đều không khả thi cho đến khi tìm ra cách diệt le bằng màng phủ nông nghiệp”.
Sáng kiến diệt le chỉ là một sáng kiến tiêu biểu trong “seri” sáng kiến mà anh đã nghĩ ra trong quá trình hình thành và phát triển công ty. Theo báo cáo từ cán bộ thi đua khen thưởng của công ty, hiện anh đang có 2 sáng kiến đề nghị tặng bằng khen đó là sáng kiến “Dùng màng phủ nông nghiệp để diệt le” và “Giải pháp thực hiện các chế độ chính sách để an dân”. Ngoài ra anh còn rất nhiều sáng kiến làm lợi cho công ty trong quá trình điều hành.
Điển hình như sáng kiến cải tiến hệ thống cấp nước của xe bồn trong phòng chống cháy. Địa bàn công ty trồng cao su chủ yếu là rừng núi, địa hình gây khó khăn cho việc chữa cháy nên công tác phòng chống cháy rất được chú trọng. Băn khoăn trước việc làm sao để có thể chữa cháy nhanh chóng và kịp thời, anh đã cải tiến thành công hệ thống cấp nước của xe bồn, làm cho nước từ 3 hay
4 bồn có thể thông với nhau thay vì khi nhân viên chữa cháy phải thay khóa từng bồn.
Một trong những sáng kiến được anh tâm đắc và đang ấp ủ là việc thay đổi quy trình trồng cây họ đậu Mucuna bằng cách gieo trực tiếp trên hàng cao su trồng mới nhưng vẫn bảo hiệu quả sống với tỷ lệ cao. Anh cho hay: “Tôi đang ấp ủ làm sao có thể khiến cho cây Mucuna ra hoa và kết trái, nếu thực hiện được chắc chắn sẽ làm lợi cho đơn vị nói riêng và ngành cao su nói chung rất nhiều tỷ thay vì phải nhập từ nước ngòai”.
Tiết kiệm được 18 tỷ đồng
Trở lại với sáng kiến diệt le, diện tích cao su của Công ty TNHH MTV Cao su Chư Mom Ray chủ yếu trên đất rừng hỗn giao, đặc biệt là le rất nhiều, vì thế yêu cầu cấp thiết là làm sao diệt hết gốc le một cách triệt để nhằm tạo thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa vào khai thác vườn cây sau này. Lúc đầu, anh cùng với phòng ban chuyên môn đã cho công nhân đào gốc. Biện pháp cũng tương đối triệt để, nhưng chi phí nhân công quá lớn, từ 120 – 130 công/ha, một công giá 150 ngàn đồng. Như vậy, mỗi ha đào gốc sẽ tốn từ 18 – 19,5 triệu đồng.
Sau khi thấy chi phí quá lớn, anh lại nghiên cứu và tìm kiếm các giải pháp khác. Qua tìm hiểu, anh và anh em phòng kỹ thuật thử triển khai diệt le bằng cách đổ khoảng 5 kg muối trắng xuống mỗi gốc le. Sau một thời gian thì le chỉ chết khoảng 50%, nhưng lại dễ làm đất chai cằn.
Không chịu dừng lại ở đó, anh quyết định để công nhân phun thuốc nhưng le cũng chỉ chết trên 60%, điều này cũng sẽ làm cho đất nhanh cằn cỗi, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây, biện pháp này tốn chừng 3 – 4 triệu đồng/ha. Tại một cuộc họp giao ban, anh chủ trì và tham khảo ý kiến nhiều cán bộ kỹ thuật nông nghiệp. Với câu hỏi đặt ra là “Làm sao để le có thể tự chết? Có lẽ chỉ có thể không cho le quang hợp bằng cách tạo bóng tối”.
Từ ý tưởng đó, anh đã nảy ra sáng kiến dùng màng phủ nông nghiệp (tức nilông màu đen) để phủ hoàn toàn lên gốc le. Sau khi đi vào thực hiện, ý tưởng của anh đã vấp phải nhiều khó khăn do dùng dao phát le đã tạo ra những gốc le nhọn làm thủng màng phủ, dẫn đến không có hiệu quả.
Cái khó ló cái khôn, anh đã cho dùng một lớp bao dựng phân vi sinh phủ làm lớp lót trước khi phủ nilông. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả tối đa đòi hỏi cần phải cào bằng gốc le, thế nên anh đã sáng tạo ra dùng máy cắt cỏ mini và thay lưỡi cắt cỏ bằng một lưỡi cắt thân cứng với chất liệu hợp kim để có thể dùng lâu dài.
Với biện pháp này, chỉ sau một thời gian ngắn, dưới cái nắng gay gắt của thời tiết Tây Nguyên thì những mầm le sẽ bị “luộc” chín nếu nẩy mầm, đồng thời không thể quang hợp được chất diệp lục từ ánh sáng mặt trời nên từ từ sẽ chết và từng bước mục nát. Cách này chi phí tốn không nhiều nhưng hiệu quả lại mang lại tối đa, triệt để. Sau khi le chết sẽ thối gốc và tạo nên một lớp mùn cực kỳ tốt cho rễ cao su non hút dinh dưỡng.
Theo tính toán của anh Tiến: “Với màng phủ này, mỗi ha sẽ cần từ 300 – 400m nilông đen, tiền công và xăng để cắt gốc le khoảng 4 – 5 công/ha, tương đương từ 600 – 750 ngàn/ha. Như vậy, mỗi ha nếu dùng cách này chỉ tốn từ 1,5 – trên 2 triệu đồng nhưng hiệu quả mang lại thì thật mĩ mãn”.
Cũng theo anh Trương Minh Tiến, “Diện tích le toàn công ty phải diệt là hơn 1.000 ha trên tổng diện tích 3.600 ha cao su đứng. Nếu dùng biện pháp đào gốc thì trong 6 năm khai hoang trồng mới công ty tốn khoảng 20 tỷ đồng, trong khi dùng màng phủ nông nghiệp chỉ tốn khoảng 2 tỷ đồng, tức bằng 10% so với biện pháp đào gốc và rẻ hơn khoảng 50% so với biện pháp phun thuốc, bỏ muối”.
Bài, ảnh: Văn Vĩnh
Related posts:
- Các doanh nghiệp gỗ khu vực Tây Nguyên nỗ lực “xoay sở” trong khó khăn
- Hành trình 17 năm phát triển cao su miền núi phía Bắc: Thành quả trên vùng đất khó
- Thợ giỏi Tân Biên Kampong Thom kiên trì rèn "tay dao"
- Sẽ khen thưởng xứng đáng nếu các thí sinh giành được thành tích cao
- Trả lương tối thiểu vùng: Khó khăn trong tổ chức thực hiện
- “Cao su Bà Rịa cần quyết tâm cao để hoàn thành tất cả các chỉ tiêu đề ra”
- Nông trường Xa Cam (Cao su Bình Long) 18 năm liền vườn cây đạt năng suất trên 2 tấn/ha
- Geru Star trao huy hiệu 30 năm tuổi Đảng
- Việc làm đầy ý nghĩa của Báo cáo viên Cao su Sa Thầy
- Cao su Tây Ninh Siêm Riệp vượt khó, hoàn thành nhiều chỉ tiêu sản xuất kinh doanh