CSVN – Nhiều năm trở lại đây, nhạc chế – thể loại nhạc được đặt lời mới dựa trên nền ca khúc gốc – được nhiều trang mạng xã hội đăng tải, và còn được đưa vào chương trình biểu diễn trên sân khấu. Tuy nhiên, ít ai biết, việc chế lời ca khúc khi chưa xin phép tác giả là hành vi vi phạm pháp luật…
Từ chế nhạc cho vui…
Chế nhạc đang trở thành một trào lưu đối với nhiều người hiện nay, đặc biệt là giới trẻ. Bất kể vấn đề, sự kiện gì có tính thời sự… người ta đều có thể chế nhạc để diễn đạt, miêu tả với mục đích cổ vũ, chia sẻ hoặc giễu nhại.
Đơn cử như, mỗi khi Hà Nội mưa xuống và ngập các tuyến phố, trên mạng lại tràn lan lời hát “Hà Nội mùa này phố cũng như sông” chế lại từ bài “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa” của nhạc sĩ Trương Quý Hải – thơ Bùi Thanh Tuấn. Hoặc khi ông Miura (người Nhật) tới đảm nhận cương vị huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá nam Việt Nam, trên mạng lập tức lan truyền bài nhạc chế “Cảm ơn Miura đến” khi chế trên nền ca khúc “Nếu như anh đến” làm nên sự nổi tiếng của nữ ca sĩ Văn Mai Hương.
Gần đây nhạc chế đã được đưa lên sân khấu. Ca khúc “Sáu mươi năm cuộc đời” của nhạc sĩ Y Vân được nghệ sĩ Chí Tài biểu diễn bằng những lời chế hài hước trong chương trình “Bí mật đêm chủ nhật”, trong đó có đoạn: Anh sẽ mua nhà, mua xế cho em nha/ Anh đi bôn ba rồi kiêm luôn việc nhà, Lan ơi anh muốn làm cha… Đặc biệt hơn, bạn Bùi Tuấn Anh với ca khúc chế “Và tôi cũng yêu ăn” từ nền bài hát “Và tôi cũng yêu em” của nhạc sĩ Đức Huy được nhiều người yêu thích khi phổ biến trên internet đã được mời tham gia trò chuyện trong một chương trình truyền hình.
… Đến xúc phạm cả điều thiêng liêng
Cộng đồng mạng vừa qua phát sốt với bản rap “Truyện Kiều” của một sinh viên ở Cần Thơ. Bản rap này có những khen chê nhưng trên hết, người ta nhận thấy một tác phẩm kinh điển của văn học Việt Nam được giới trẻ đem ra làm trò mua vui bằng những lời lẽ thiếu văn hóa. Bên cạnh đó, trên các trang mạng còn có nhiều bài nhạc chế nói về chuyện “chăn gối”, ngôn từ thiếu lành mạnh, tục tĩu. Chính những bản nhạc chế đó là một liều “thuốc độc” làm ảnh hưởng đến gu thẩm mỹ âm nhạc, đạo đức của người tiếp nhận, đặc biệt là giới trẻ.
Đỉnh điểm là một doanh nghiệp chế lời bài Quốc ca, đã xúc phạm tình cảm thiêng liêng của dân tộc! Clip ghi lại lễ kỷ niệm 13 năm thành lập của hệ thống siêu thị Dự án bất động sản STDA khu vực phía nam thuộc Tập đoàn Cen Group (Hà Nội). Trong đó hàng trăm người cùng đồng ca bài hát “Cen ca” được chế lời từ bài Quốc ca. Bài hát chế này do chính ông Trần Minh Long, Tổng giám đốc STDA khu vực phía Nam lĩnh xướng. Trong bản chế này, lời “Đoàn quân Việt Nam đi” được sửa thành “Đoàn quân nhà Cen đi” (Cen viết tắt của từ Cen Group); “Chung lòng cứu quốc” được chế lời thành: “Chung lòng chốt chốt” (ý nói chốt giao dịch, chốt hợp đồng). Rất nhiều lời bài hát Quốc ca được sửa lại như: Lòng ta vững chí ra biển lớn, sóng dù to ta cũng sẽ vượt qua, mười ba năm quyết chí không ngừng, biết bao nhiêu anh tài, tiến lên, cùng tiến lên, chúc cho nhà Cen ta, vững bền.
Phải xử lý nghiêm minh với nhạc chế
Chế nhạc là hành vi vi phạm pháp luật được quy định tại Khoản 5, Điều 28, Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi năm 2009), và tại Điểm C, Khoản 1, Điều 131 Bộ luật hình sự quy định: “Người nào sửa đổi bất hợp pháp nội dung của tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, báo chí, chương trình băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 2 năm”.
Đối với trường hợp “Chế Quốc ca”, các luật sư cho rằng, việc hàng trăm người cùng đồng ca bài “Cen ca” được chế lời từ Quốc ca là hành vi thiếu tôn trọng, xúc phạm đến tình cảm thiêng liêng của toàn dân tộc và đề xuất hình phạt tù.
Do tính chất biểu trưng của Tổ quốc, của dân tộc nên mọi thái độ thể hiện qua lời nói, hành động, chế lời với những nội dung không lành mạnh, thiếu tôn trọng đối với Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy là sự xúc phạm đến danh dự uy tín của quốc gia, xúc phạm đến tình cảm thiêng liêng của toàn dân tộc thì phải xử lý nghiêm, mạnh tay để các doanh nghiệp khác không bắt chước và chấm dứt hành vi này.
Để đẩy lùi và đi đến chấm dứt việc chế nhạc, phát tán nhạc chế, theo nhạc sĩ Phó Đức Phương, mọi người cần phải nhận thức được mỗi bản nhạc, phần lời và nhạc của tác giả có sự gắn bó khăng khít và có giá trị thẩm mỹ riêng. Các cơ quan hữu quan cần đẩy mạnh tuyên truyền cho các tác giả về việc khi làm tác phẩm phái sinh từ các tác phẩm không thuộc quyền sở hữu của mình thì phải xin phép tác giả trước khi thực hiện và xuất bản. Đồng thời, việc tăng cường kiểm tra các trang mạng xã hội, trang nhạc trực tuyến, chương trình sử dụng nhạc chế là rất cần thiết nhằm có biện pháp xử lý nghiêm minh, kịp thời theo đúng quy định của pháp luật.
Hà Phương