CSVN – Rừng cao su trải dài tít tắp. Tiếng xe chen lẫn tiếng chim gù. Tôi đi giữa lòng nước bạn nhưng lại dưới những tán cây do người Việt Nam trồng….
Ông anh đi cùng tay chỉ trỏ: “Ngày xưa ở đây hoang vu lắm, bọn mình qua chỉ có cây bụi và dây leo chằng chịt, lội bộ đi xem địa hình mà rắn rết khắp nơi, muỗi bay từng đàn đen kịt, điều kiện ăn ở thì thiếu thốn, đường sá thì xa xôi cách trở, nhiều hôm nhớ nhà chỉ biết ngồi một góc riêng rít thuốc thở dài. Nhưng mọi chuyện cũng dần qua cậu ạ, lòng quyết tâm đã giúp bọn mình vượt qua tất cả”.
Tôi nghe anh nói nhẹ bẫng quá. Trồng hơn bốn ngàn hec – ta cao su ở nơi hoang vu này đâu có dễ dàng. Mồ hôi đã đổ, nước mắt đã rơi, máu đã chảy mới có được màu xanh hi vọng này.
- Ở đây các anh lấy gì làm niềm vui – Tôi hỏi.
- Nhiều lắm chứ! Lúc điện đài sóng điện thoại còn thiếu thốn thì bọn mình ngồi lai rai vài ly xị đế, nghêu ngao đàn hát và hàn huyên tâm sự giữa rừng già. Đó cũng là cách để vơi đi nỗi nhớ người thân, nhớ quê hương xứ sở. Giờ điện đài, sóng điện thoại, mạng Internet ổn định rồi thì bọn mình lại có một mục tiêu xa hơn.
- Mục tiêu xa hơn, ý anh là..?
- Bọn mình muốn xây dựng nơi đây thành một gia đình. Một gia đình Cao su đúng nghĩa. Nơi đó bố mẹ sẽ yên tâm lao động, con cái sẽ có đủ điều kiện để cắp sách đến trường, cuộc sống sẽ no đủ, bình yên…
- Như em biết thì người lao động ở đây chủ yếu là người Khmer Campuchia, họ đã có Chính phủ họ lo rồi, có nhất thiết công ty phải chăm lo không ạ?
- Cần thiết chứ em. Họ làm cho mình, nhưng chính lại họ tạo ra của cải vật chất chất giúp cho công ty có được sự phát triển như ngày nay. Ta phải có lòng biết ơn với họ… Giúp đỡ họ không phải là sự ban ơn, mà đó là trách nhiệm và nghĩa vụ.
- Dạ. Anh nói đúng quá…
- Giữa nói và làm có một khoảng cách rất xa, em. Em đi theo anh để thấy bọn anh đã làm được những gì.
Tôi ngồi sau xe anh, chiếc xe lắc lư như nhảy theo một điệu nhạc vui tươi. Băng qua hết rừng cao su chúng tôi tiến đến một làng nhỏ với những ngôi nhà bằng gỗ san sát nhau.
- Nhà công nhân đó em, cũng có nhà của người bản địa nữa, ở đây đã dần hình thành một cộng đồng người sinh sống để làm cao su cũng như nhờ cao su để sinh sống.
- Dạ, có phải cao su đã đưa họ về đây, hợp tác, giao lưu, trao đổi vật chất cũng như tinh thần…?
- Đúng vậy em, nhờ cao su mà cuộc sống của người dân đã được cải thiện, đủ đầy hơn.. và nhiều mối tình đẹp cũng ra đời. Kết quả của những mối tình đó đó em…
Tôi nhìn về tay anh chỉ. Trước khoảng sân của ngôi trường mới dựng, những đứa trẻ đang nô đùa, đuổi bắt nhau với nụ cười rạng rỡ.
- Công ty đã góp vật chất để xây dựng ngôi trường này, điều bọn anh mong muốn chính là nụ cười của những đứa trẻ luôn được giữ trên môi. Mùi cao su người ngoài có thể cảm thấy hôi, nhưng với bọn anh nó thơm hơn bất cứ mùi nào. Nó là nguồn sống, là động lực là mầm hi vọng để nuôi dưỡng những ước mơ…
Anh nói rồi lặng yên nhìn về những đứa trẻ. Những đứa trẻ trong sương với nụ cười tỏa nắng. Những đứa trẻ sau này lớn lên, dù có theo nghề cao su của bố mẹ hay ra đời bằng những nghề nghiệp khác, thì tôi tin chắc rằng chúng vẫn sẽ giữ được lối sống tình nghĩa bởi vừa ra đời chúng đã được đối xử nghĩa tình.
NGUYỄN VĂN VIỆT
(Công ty Phát triển Cao su C.R.C.K, Kampong Thom)
Related posts:
- Việt Nam đăng cai thành công Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games 31): Thành công và thách thứ...
- Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su: Thêm 5 nghề mới tuyển sinh trong năm 2021
- Nét độc đáo ngôi chùa Tổng thống Obama ghé thăm
- Tiếng gà gáy trong lô cao su
- Tổ chức Chương trình nghệ thuật gây Quỹ xây dựng “Làng công nhân cao su”
- Dấu ấn tuổi học trò
- Di tích đồn điền Michelin: Địa chỉ "đỏ" hành trình về nguồn
- Chuyện của "chị bếp 3 tại chỗ"
- Rượu Hang Chú - Nét văn hóa vùng cao Bắc Yên
- Hội thao CNVC – LĐ VRG: Giao lưu, chia sẻ, học hỏi