CSVN – “Một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy”. Dù không hề trải qua một ngày nào trên giảng đường đại học, không có bằng cấp sư phạm nhưng ở cái xóm nghèo trên đường Phan Anh, quận Tân Phú, TP.HCM ai cũng quý trọng và gọi ông Đoàn Minh Hùng là thầy. Quanh cái xóm nghèo này, không ai là không biết đến ông cùng lớp học tình thương Hòa Hảo với 130 em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, lang thang, cơ nhỡ…
Cái duyên với lớp học
Ông Hùng sinh ra trong một gia đình làm nông nghèo ở Bà Rịa – Vũng Tàu. Tuổi thơ thiếu vắng tình thương của cha với những năm tháng lận đận, nghèo khó bủa vây, ông phải sớm nghỉ học bước vào cuộc mưu sinh. Sau khi lập gia đình, ông đưa vợ con lên Sài Gòn lập nghiệp. Hằng ngày, ông đi sửa cân dạo, đẩy xe bán xâu chuỗi trong các khu chợ, vợ ông thì đi bỏ mối rau cho các sạp hàng.
Tuổi thơ cơ cực, thiếu thốn nên ông rất đồng cảm với những đứa trẻ nghèo khổ, cơ nhỡ. 8 năm trước đây, chứng kiến cảnh khu trọ nghèo, nhiều đứa trẻ không được chăm sóc, phải đi bán vé số phụ giúp cha mẹ. Có đứa không có cha mẹ, lang thang đầu đường xó chợ lượm ve chai. Rồi tương lai chúng sẽ đi về đâu? Nghĩ đến đó ông lóe lên suy nghĩ: “Bọn trẻ phải được học, phải biết chữ để sau này không bị thiệt thòi, để tồn tại trong xã hội”. Những suy nghĩ ấy cứ thôi thúc trong tâm trí ông, và rồi, ông quyết định mở lớp dạy học miễn phí trong chính căn nhà trọ của mình.
Để chuẩn bị cho buổi dạy đầu tiên, ông đã tìm mua nhiều loại sách, giáo trình hướng dẫn dạy học về đọc, tìm hiểu. Lớp học ban đầu chỉ có 5 em là mấy đứa trẻ bán vé số, lượm ve chai trong xóm. Bằng cái tâm, sự nhiệt huyết của mình, ông hy vọng mang đến cho các em con chữ, cho các em biết đọc, biết viết. Nhưng mọi việc không dễ dàng, thời gian học 2 tiếng đồng hồ đồng nghĩa với việc các em không đi bán, đi làm. Mà không làm thì sẽ không có ăn, việc học lại dang dở. Nghĩ đủ mọi cách, cuối cùng, hai vợ chồng ông quyết định lo cho các em thêm bữa cơm chiều để níu kéo việc học.
Cứ như vậy, lớp học của ông giáo không chuyên và đám trẻ nghèo tồn tại. Ngoài học chữ, học toán, các em còn được ông dạy cách giao tiếp, ứng xử, đạo đức, lối sống… Nhiều em nhỏ có hành vi chưa tốt, hay văng tục, đánh nhau, sau một thời gian được uốn nắn, dạy dỗ đều tỏ ra ngoan hiền, ứng xử lễ phép.
Những đứa trẻ nghèo hiếu học
Đến lớp học, phần lớn các em vừa trở về sau một ngày lao động vất vả. Tuy mệt nhưng các em vẫn chăm chỉ, nghiêm túc học hành.
17 giờ chiều, các em nhỏ bắt đầu tập trung đến lớp học. Căn nhà nhỏ rộn tiếng cười đùa. Chẳng cần nhắc nhở, các em nhanh chóng tiến đến khu vực bếp ăn, mỗi đứa bưng một phần cơm dọn sẵn, chọn một chỗ ngồi, dùng cơm tối để nhanh chóng vào lớp học.
Bé Minh Nhật (10 tuổi) cho biết: “Con đang sống với bà ngoại, ban ngày con phụ giúp ngoại đi bán vé số, chiều thì về đây ăn và học, học xong thì đi bán tiếp đến gần khuya. Nhà con nghèo, không có tiền đi học ở trường. Lúc trước đi bán con không biết thối tiền, giờ thì con biết rồi, giờ con cũng có thể đọc sách, báo…”.
Theo “thầy” Hùng thì các em tuy nghèo khó nhưng rất ham học. Có đứa dù bị bệnh, cả ngày bươn chải mệt mỏi, nhưng đến chiều vẫn cố gắng đến lớp để không bỏ bài, quên chữ.
Bé Anh Thư (8 tuổi), vừa ăn cơm, vừa rôm rả kể cho bạn nghe những chuyện vui trong ngày. Theo em thì lớp học như ngôi nhà thân thương. Nhiều hôm đi bán vé số về trễ con cũng cố gắng đến đây để học, để gặp thầy cô, bạn bè. Thầy Hùng thương tụi con lắm, còn cho tụi con ăn ngon. Thầy hay căn dặn chúng con phải biết nhường nhịn lẫn nhau, phần cơm thì phải ăn hết, không bỏ thừa, phí phạm”.
Đúng 18h, những đứa trẻ ổn định vào lớp học. Phòng học khá đông nhưng rất trật tự. Tiếng ê a đánh vần hòa vào tiếng giảng bài của “thầy” Hùng ngân vang khắp xóm.
Bán mảnh đất hương hỏa để tiếp tục duy trì
Tiếng tốt đồn xa, ngày càng có thêm nhiều em nhỏ đến xin học. Sỹ số lớp tăng dần tỉ lệ nghịch với diện tích phòng học. Hai vợ chồng ông Hùng phải cắn răng bán mảnh đất hương hỏa ở quê hòng kiếm chỗ rộng rãi, lo chỗ ăn chỗ học cho đám trẻ.
Mặc dù hai vợ chồng ông lao động cật lực nhưng vẫn không đủ chi phí. Hai vợ chồng ông quyết định hùn vốn với người em mở thêm quán bán cơm chay để duy trì các lớp học. Quán cơm giá rẻ, chủ yếu phục vụ cho người lao động nghèo. Đặc biệt, với người già neo đơn hay quá nghèo khó thì ông mời ăn miễn phí.
Kinh phí cho các bữa ăn, sách vở, bút viết, tiền thuê nhà… mỗi tháng hết hơn 30 triệu. Điều này đồng nghĩa với việc gia đình ông phải ra sức lao động để kiếm tiền. Nhiều lúc quá khó khăn, tưởng chừng không vượt qua được nhưng nghĩ đến bọn trẻ lang thang hiếu học, ông lại dặn lòng phải cố gắng hơn.
Theo “thầy” Hùng, hiện có nhiều nhóm thiện nguyện ủng hộ dụng cụ học tập, và một phần kinh phí cho lớp học. Nhiều bạn sinh viên thì đóng góp công sức, tranh thủ buổi tối đến lớp dạy cho bọn nhỏ.
Bạn Hương Giang (Sinh viên đại học Kinh tế) chia sẻ: “ Em biết đến lớp học từ những anh chị đi trước. Mỗi tối em đều đến hỗ trợ các bé học. Các em rất ngoan, rất nghe lời và chịu khó học hỏi. Chú Hùng đã bỏ bao tâm huyết và của cải để gầy dựng lớp học, bọn em sẽ cố gắng góp một phần nhỏ công sức để duy trì, giúp các em được học chữ, được sống đúng với tuổi thơ của mình”.
Hiện tại có đến 9 lớp học trong ngôi nhà thuê của ông. Một lớp vỡ lòng cho các em chưa biết đọc, viết và 8 lớp học chính tả, toán, tiếng Anh. Thời gian học từ 18 giờ – 20 giờ các ngày trong tuần. Không chỉ các em hoàn cảnh khó khăn, không được đến trường, nhiều em ban ngày được học ở trường nhưng tối vẫn đến lớp tham gia buổi phụ đạo miễn phí. Nhiều người lớn là tài xế, lao động nghèo cũng tranh thủ đến lớp để học lấy cái chữ, biết đọc, viết để thuận lợi cho công việc.
ĐÀO PHONG
Related posts:
- Văn hóa bình luận bóng đá
- Điểm mới
- Cao su Việt Lào giành giải nhất Hội diễn Khu vực III
- Lễ hội ăn trâu: Nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên
- Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn Lịch sử - Sinh thái (1897 - 1975)
- Lo
- Nét đẹp đờn ca tài tử Bình Sơn
- Viết cho em ngày 8 tháng 3!
- Rubico thi nấu ăn chào mừng 20/10
- Công ty mẹ Tập đoàn giải nhất Hội diễn Khu vực IV