CSVN- Tại Nông trường Thạch Quảng (Công ty TNHH MTV Cao su Thanh Hóa), trước việc trồng xen canh cây nghệ mang lại hiệu quả đáng kể, công ty đã cùng CBCNV, người dân góp vốn thành lập công ty cổ phần, cùng hợp tác trồng nghệ với mô hình khép kín từ sản xuất đến chế biến sau thu hoạch, đảm bảo đầu ra ổn định.
Từ phương châm “lấy ngắn nuôi dài”
Cuối năm 2006, Nông trường (NT) Thạch Quảng được sát nhập vào Công ty TNHH MTV Cao su Thanh Hóa, thuộc VRG. Cũng từ đây, nhiệm vụ chủ yếu của Nông trường là tham gia phát triển cây cao su đại điền nhằm định hình vùng nguyên liệu tập trung cho các cơ sở chế biến. Cây cao su từng được trồng theo chương trình 327, hiện phát huy hiệu quả trên vùng đất Thạch Quảng. Bài toán đặt ra là phải thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài” vì thời gian kiến thiết cơ bản của cây cao su khoảng bảy năm mới cho thu hoạch và mức đầu tư cho mỗi ha cao su cần tới cả trăm triệu đồng.
Trăn trở tìm hướng sinh kế cho công nhân, hộ nhận khoán trồng cao su, lãnh đạo Nông trường Thạch Quảng tìm đến các đơn vị khoa học đầu ngành, ra các tỉnh phía Bắc tham quan, rồi quyết định lựa chọn, du nhập 2,5 tấn giống nghệ vàng N8 về khảo nghiệm. Lúc đầu CBCNV chưa dám trồng, lãnh đạo Nông trường động viên mỗi cán bộ, Đảng viên tình nguyện nhận một đến hai tạ nghệ giống về trồng trên diện tích đất nhận khoán của gia đình, quyết tâm xây dựng thành công mô hình trồng nghệ xen dưới tán cây cao su mới trồng và trồng nghệ luân canh trên đất mía.
Đất không phụ công người, một tạ nghệ trồng trên mỗi sào đất ở Thạch Quảng cho thu hoạch từ 1 tấn đến 1,5 tấn củ nghệ. Sản lượng nghệ này được sử dụng làm giống để nhân diện tích trồng nghệ niên vụ sau. Nông trường triển khai, tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch nghệ đến công nhân, nông hộ nhưng cá biệt vẫn có hộ phun thuốc trừ cỏ khi chăm sóc nghệ khiến diện tích nghệ này chậm phát triển.Phó Giám đốc Nông trường Phạm Tiến Du chỉ dẫn nông hộ không thu hoạch, lưu gốc nghệ đã trồng thêm một năm nữa. Nào ngờ, cây nghệ lưu gốc sinh trưởng, phát triển nhanh trong niên vụ kế tiếp. 0,85 ha nghệ trót phun thuốc trừ cỏ cho đã sản lượng tới 38,5 tấn nghệ thương phẩm.
Đội ngũ cán bộ, kỹ sư ở NT Thạch Quảng, Công ty CP Nghệ Việt (thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Thanh Hóa) tiếp tục bổ sung, hoàn thiện kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, cất giữ, bảo quản nghệ dược liệu. Theo đó, cây nghệ được triển khai trồng xen dưới những hàng cao su chưa khép tán, luân canh trên đất mía nhằm cải tạo, tăng độ phì cho diện tích quy hoạch trồng mía.
Chất lượng nghệ cao, hiệu quả tốt cho đất
Thời gian gần đây, nông hộ tiến hành cải tạo vườn tạp, du nhập, trồng nghệ trong vườn hộ ở nhiều xã thuộc các huyện: Thạch Thành, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Lang Chánh. Hiện tổng diện tích trồng nghệ vàng N8 đạt hơn 60 ha, dự kiến cuối năm 2015 sẽ cho thu hoạch 30 ha, còn 30 ha sẽ chuyển sang năm 2016 mới thu hoạch; sản lượng dự kiến thu năm 2015 là 800 tấn nghệ, trong đó có 400 tấn nghệ được sấy khô tại cơ sở sơ chế của Công ty CP Nghệ Việt. Qua phân tích, củ nghệ trồng trên đất Thạch Quảng cho hàm lượng cucumin từ 7,1% đến 7,5%, cao hơn vùng trồng nghệ dược liệu tập trung ở các tỉnh phía Bắc.
Ông Phạm Văn Vinh ở Đội 3, NT Thạch Quảng cho biết: Năm 2014 gia đình triển khai trồng xen nghệ trên 1,4 ha keo và giữa những hàng cây thanh long ruột đỏ, cây nghệ cho lợi nhuận 130 triệu đồng. Năm nay, gia đình ông đã trồng xen nghệ với các cây lâm nghiệp, cây ăn quả được 2,5 ha. Trồng nghệ theo đường đồng mức trên đất đồi, cây nghệ sinh trưởng, phát triển tốt bên các loài cây ăn quả, dưới cây lâm nghiệp chưa khép tán, tăng độ che phủ trên đất dốc, giảm xói mòn, hạn chế được cỏ dại và còn có chức năng cải tạo, tăng độ phì nhiêu cho đất.
Theo đó, 28 hội viên hội làm vườn trong và ngoài xã Thạch Quảng cùng tiến hành cải tạo vườn tạp, du nhập, trồng được 22 ha nghệ trong vườn tạp. Không chỉ giúp nhau về kỹ thuật, kinh nghiệm làm ăn, nhất là cùng nắm vững kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản nghệ, Chủ tịch Hội làm vườn xã Thạch Quảng Phạm Văn Vinh ký hợp đồng trách nhiệm với Công ty CP Nghệ Việt bảo đảm thu mua, bao tiêu sản phẩm ổn định cho nông hộ.
[stextbox id=”stb_style_259398″]Công ty TNHH MTV Cao su Thanh Hóa xúc tiến thành lập, đăng ký kinh doanh, huy động CBCNV, người lao động đóng góp cổ phần, ra mắt Công ty CP Nghệ Việt. Với tổng vốn điều lệ 2 tỷ đồng, công ty đầu tư dây chuyền sấy nghệ thủ công, thỏa thuận với các cổ đông chia cổ tức mức thấp, tạo thêm nguồn vốn cho đầu tư phát triển, tiếp tục đầu tư dây chuyền công nghệ chế biến các sản phẩm sau thu hoạch.[/stextbox]Đến với NT Thạch Quảng mùa này, bên hàng cây cao su, trên đất mía, trong vườn hộ gia đình, dưới tán cây lâm nghiệp mới trồng, cây nghệ vàng N8 sinh trưởng, phát triển tốt. Theo chân cán bộ, công dân đi thăm đồng, chúng tôi phải rẽ lá nghệ mới có khoảnh đất trống để len chân. Chị Nguyễn Thị Huyền, Đội trưởng Đội 3, NT Thạch Quảng cho biết: Cây nghệ vàng N8 trồng chu kỳ một năm cho năng suất hơn 20 tấn/ha nhưng trồng nghệ theo chu kỳ 1,5 năm, cho năng suất tới 40-45 tấn/ha. Với giá thu mua tối thiểu 5.000 đồng/kg, mỗi ha nghệ trồng một năm cho doanh thu tới hơn 100 triệu đồng; nghệ trồng 1,5 năm cho doanh thu từ 200 triệu đến 225 triệu đồng/ha.
Người trồng nghệ cho biết, tổng chi phí đầu tư từ khâu làm đất, mua giống, phân bón, tổ chức trồng, chăm sóc, phòng chống sâu, bệnh đến thu hoạch cho mỗi ha nghệ khoảng 63 triệu đồng. Trồng nghệ 1,5 năm giảm chi phí đầu tư được 50% nhưng năng suất, sản lượng, thu nhập củ nghệ tăng hơn 2 lần. Theo đó, công nhân, nông dân hào hứng tham gia trồng, thâm canh nghệ. Trồng nghệ xen giữa các các hàng cây cao su, trên các lô cao su chưa khép tán, trồng nghệ sau chu kỳ chuyên canh cây mía nguyên liệu được công nhân, nông dân thực hiện khá triệt để. Đây là mô hình thiết thực, hiệu quả trong thực hiện “lấy ngắn, nuôi dài”, bảo đảm công nhân, nông dân gắn bó với cây cao su có thu nhập thường xuyên.
Gầy dựng, khẳng định thương hiệu nghệ Việt
Cùng với việc du nhập, xây dựng, nhân rộng vùng trồng nghệ vàng N8, Công ty CP Nghệ Việt ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư ứng trước giống, vật tư nông nghiệp, hỗ trợ máy làm đất đối với các hộ có nhu cầu, nhất là đẩy mạnh chuyển giao các tiến độ khoa học, quy trình kỹ thuật thâm canh, hướng dẫn sâu rộng các biện pháp phòng bệnh cho nghệ đến người lao động; cam kết bao tiêu sản phẩm với mức giá ổn định, bảo đảm lợi ích trông thấy cho người trồng nghệ, cũng như cùng chia sẻ rủi ro theo thỏa thuận, hợp đồng kinh tế song phương. Đồng thời, doanh nghiệp hoàn tất các thủ tục đăng ký mẫu mã, chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Cục sở hữu trí tuệ đã cấp chứng nhận thương hiệu, sản phẩm độc quyền cung ứng ra thị trường.
Bên cạnh các sản phẩm dược liệu: Bột nghệ nguyên chất 95%, tinh bột nghệ, bột nghệ gia vị, đặc biệt vừa qua Cục vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế đã kiểm định, cho phép công ty sản xuất viên nang mềm được phối hợp với chất piperin tỷ lệ 5%, tăng khả năng hấp thụ của cơ địa con người lên hai lần, phát huy hiệu quả, tính năng phòng ngừa ung thư, giải độc gan, bổ máu, làm lành vết thương dạ dày, tá tràng, chống ô-xy hóa…, các sản phẩm rượu chế biến từ nghệ đưa ra thị trường được nhiều khách hàng lựa chọn, sử dụng.
Hà Văn Tiệp, Giám đốc Công ty CP Nghệ Việt, kiêm Trưởng Phòng kế hoạch-kỹ thuật NT Thạch Quảng cho biết: Năm vừa qua doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh nghệ đạt gần 9 tỷ đồng. Thực tế NT và Công ty CP Nghệ Việt ưu tiên bố trí nguồn vốn cho đầu tư phát triển, giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích, bảo đảm nâng cao thu nhập cho gần 200 cán bộ, công nhân viên và hơn 500 hộ nhận khoán. Đầu ra của sản phẩm chế biến từ nghệ rất lớn nhưng công ty mới sơ chế, còn phải đưa thành phẩm ra Hà Nội nhờ chế biến sâu. Hơn nữa cây nghệ mới được du nhập, trồng ở vùng thượng du Thanh Hóa, chưa được xác định là cây kinh tế chủ đạo và được tỉnh quy hoạch vùng nguyên liệu ổn định.
Mới đây, tỉnh Thanh Hóa có quyết định đầu tư 1,8 tỷ đồng lắp đặt dây chuyền công nghệ lò quay để sơ chế, sấy nghệ, nâng công suất sấy nghệ hiện có lên gấp hai lần. Dự toán, cần có 20 tỷ đồng để xây dựng, lắp đặt công nghệ chế biến nghệ sâu tại Thạch Quảng. Giám đốc NT Thạch Quảng Lê Văn Quân thông tin thêm: Đi đôi với thực hiện tốt chiến lược sản xuất, kinh doanh cây cao su, thâm canh, tăng năng suất cây mía đường, tập thể CBCN, nông dân NT Thạch Quảng cùng Công ty CP Nghệ Việt kiên trì theo đuổi phương hướng chế biến sâu củ nghệ, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ nghệ và các sản phẩm sau nghệ. Nâng cao thu nhập trên cùng một ha canh tác, tạo giá trị gia tăng các sản phẩm chế biến từ nghệ được tập thể xác định là hướng đi bền vững, giải pháp cụ thể hóa đề án tái cơ cấu nông nghiệp ở tỉnh Thanh Hóa.
Bài, ảnh: Mai Luận
Related posts:
- Nghiên cứu khoa học gắn với thực tiễn sản xuất
- Ngành nông nghiệp sẽ chuyển mình mạnh mẽ năm 2017
- Phấn đấu vượt sản lượng 2017 từ 4-5%
- "Phát huy truyền thống, sáng tạo vượt khó, phát triển bền vững"
- Tân Lập giành giải nhất Hội thi Bàn tay vàng Cao su Đồng Phú
- Công ty 75: Hỗ trợ gần 14 tấn gạo cho bà con nghèo
- VRG trao tặng 300 triệu đồng xây dựng nhà tình nghĩa cho tỉnh Lào Cai
- Cao su Điện Biên ký hợp đồng góp đất với người dân xã Thanh Nưa
- Nhiều giải pháp ổn định lao động khai thác cao su
- Trường Cao đẳng Cao su khai mạc giải bóng đá truyền thống