Ngành nông nghiệp sẽ chuyển mình mạnh mẽ năm 2017

CSVN – Năm 2017, ngành nông nghiệp phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 2,5-2,8%, giá trị sản xuất tăng 3,0-3,2%, kim ngạch xuất khẩu (XK) nông lâm thủy sản đạt 32 – 32,5 tỷ USD.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (bìa trái) tham quan mô hình trồng dưa lê tại Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao Bình Phước
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (bìa trái) tham quan mô hình trồng dưa lê tại Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao Bình Phước
Mục tiêu đạt kim ngạch XK 32,5 tỷ USD

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, năm 2017 là năm bản lề thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia và kế hoạch phát triển ngành 5 năm 2016 – 2020 trong bối cảnh những khó khăn thách thức được dự báo vẫn chưa giảm so với năm 2016.

“Toàn ngành nông nghiệp tiếp tục thực hiện mục tiêu tổng quát trong giai đoạn 2016-2020 là xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh và tổ chức lại sản xuất. Ngành nông nghiệp sẽ hướng đến áp dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài, đáp ứng nhu cầu đa dạng trong nước và XK. Mặt khác, nâng cao thu nhập và đời sống của dân cư nông thôn; quản lý và sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, lĩnh vực trọng tâm ưu tiên hàng đầu trong năm 2017 được Bộ xác định vẫn là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Để thực hiện được mục tiêu nêu trên trong năm 2017, lãnh đạo ngành nông nghiệp cho biết sẽ tập trung tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng rà soát tập trung 3 nhóm sản phẩm gồm nhóm sản phẩm quốc gia, nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và nhóm sản phẩm vùng miền.

Đối với nhóm sản phẩm quốc gia là những sản phẩm có kim ngạch XK từ 1 tỷ USD trở lên, Bộ Nông nghiệp chịu trách nhiệm xác định nhóm sản phẩm này. Cụ thể là quy hoạch xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, tổ chức hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị và ứng dụng khoa học công nghệ.

Nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh/thành phố sẽ do các địa phương căn cứ lợi thế và điều kiện cụ thể, lựa chọn nhóm sản phẩm này để quy hoạch và đầu tư theo hướng như đối với nhóm sản phẩm quốc gia nhưng quy mô cấp địa phương.

Nhóm sản phẩm vùng/miền là những đặc sản nhưng có quy mô nhỏ. Nhóm sản phẩm này sẽ được xây dựng và phát triển gắn với xây dựng nông thôn mới ở xã theo mô hình “Mỗi làng, xã một sản phẩm”.

Gói tín dụng 160.000 tỷ đồng phát triển nông nghiệp

Cuối tháng 11/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định dành gói tín dụng khoảng 50.000 – 60.000 tỷ đồng cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao với cơ chế vay thuận lợi, thông thoáng nhất. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đồng ý dành gói tín dụng 100.000 tỷ đồng để cho vay đối với các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao.

Hiện Chính phủ đã có Nghị định 55/2015 về cho vay ưu đãi với nông nghiệp nông thôn. Để hỗ trợ thêm, Ngân hàng Nhà nước sẽ kêu gọi các ngân hàng thương mại dành vốn cho vay. Tuy nhiên, điều nhiều doanh nghiệp (DN) băn khoăn là dù đã có nhiều chính sách ưu đãi tín dụng hay lãi suất dành cho DN và nông dân được ban hành nhưng thực tế người cần thì không thể tiếp cận được. Ngân hàng nào cũng đòi hỏi tài sản thế chấp, điều kiện cho vay nông nghiệp hết sức khó khăn nên chính sách cuối cùng vẫn ở trên giấy tờ. Điều mong muốn nhất của các DN hiện nay là Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sớm có lộ trình và quy định cụ thể điều kiện và hình thức vay từ nguồn vốn này.

Trung Kiên