Truyền dạy nghề dệt thổ cẩm của người Jrai

CSVN – Đây là tên một lớp học đang được anh Siu Hrill – chủ nhiệm dự án “Bảo tồn di sản nghệ thuật văn hóa phi vật thể của dân tộc Jrai” triển khai tại nhà ông Ksor Hnhang ở làng Kép, phường Đống Đa, TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai với 11 học viên.
Các học viên tham gia lớp dự án dạy nghề dệt thổ cẩm
Các học viên tham gia lớp dự án dạy nghề dệt thổ cẩm
Xin được học bổng du học từ ý tưởng bảo tồn văn hóa

Anh Siu Hrill, sinh năm 1980, là một người con của làng Plei Brel, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai. Từ khi lớn lên và ý thức được giá trị văn hóa của những nét đẹp truyền thống từ bàn tay dệt thổ cẩm của mẹ, bàn tay khéo léo tạc tượng nhà mồ của cha hay tiếng đàn T’rưng, Tưng Nưng, Klông Pút… ngân vang trong mùa lễ hội, anh ấp ủ mong muốn được góp chút công sức để khơi lại, truyền dạy bài bản các nghề truyền thống của dân tộc trước nguy cơ mai một.

Anh bắt đầu viết dự án “Bảo tồn di sản nghệ thuật văn hóa phi vật thể của dân tộc Jrai” bằng tiếng Việt và tiếng Anh từ khi còn là sinh viên ngành Quản trị lữ hành (Trường Đại học Đà Lạt) và khi đang công tác cho một công ty lữ hành quốc tế tại TP. HCM. Chính những ý tưởng về dự án bảo tồn văn hóa và phát triển cộng đồng dựa vào du lịch sinh thái, văn hóa này đã giúp anh viết bài luận văn để xin học bổng đi du học thạc sỹ tại Trường Đại học Tổng hợp Hawaii, Hoa Kỳ.

Sau khi hoàn thành khóa học, anh về nước làm rất nhiều công việc, từ hướng dẫn viên, dịch tài liệu học thuật từ Tiếng Jrai – Anh, làm trợ lý nghiên cứu đề tài tiến sỹ về văn hóa, nhạc cụ truyền thống, và lễ hội của người Jrai ở Tây Nguyên cho một sinh viên đang học tiến sỹ tại Trường Đại học Rome, Ý…

Các học viên tham gia lớp dự án dạy nghề dệt thổ cẩm
Các học viên tham gia lớp dự án dạy nghề dệt thổ cẩm (Siu Hrill thứ 2 từ trái sang)

Dù say mê với tất cả các công việc đang làm nhưng anh luôn dành thời gian để tìm kiếm nguồn tài trợ nhằm thực hiện dự án của mình. Khi Quỹ hỗ trợ Bảo tồn Nghệ thuật Văn hóa Dân gian của Trung tâm Trao đổi Giáo dục với Việt Nam.

“Máu” dệt thổ cẩm trong người phụ nữ Jrai

Lớp dạy nghề dệt thổ cẩm truyền thống được anh chọn triển khai đầu tiên với mong muốn góp phần vào việc bảo tồn và lưu truyền nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Jrai. Lớp học này được anh mời Nghệ nhân dệt thổ cẩm Rơ Lan Pel về truyền dạy một cách bài bản với mục tiêu học viên sẽ dệt thành thạo 8 sản phẩm thổ cẩm, gồm: váy nữ, áo nữ, túi, khăn quàng cổ, khăn trải bàn, khăn địu em bé, áo nam và khố. Ngoài ra các học viên sẽ hiểu được ý nghĩa sâu sắc của 13-15 hoa văn đặc trưng văn hóa dân tộc Jrai sau 6 tháng theo học. Việc tìm đầu ra cho sản phẩm sẽ do anh Siu Hrill và những người cùng thực hiện dự án chịu trách nhiệm.

Theo Nghệ nhân Rơ Lan Pel, trong mỗi người phụ nữ Jrai đều đã có sẵn “máu” biết dệt thổ cẩm, chỉ cần biết cách khơi mạch máu ấy thì chuyện dệt thổ cẩm trở nên rất đơn giản. Để chứng minh điều mình nói, nghệ nhân Pel khoe thêm: “Mới chỉ sau một tháng theo học nhưng 11 học viên đều đã hoàn thành được một sản phẩm. Những người đã biết dệt thì hoàn thành một bộ váy áo, những em mới bắt đầu học thì đã biết dệt ví, dây đeo, túi thổ cẩm,…Trong thời gian tới, tôi sẽ chú trọng vào việc dạy các học viên những hoa văn tinh tế, đặc trưng văn hóa Jrai”.

Đến nay, 11 học viên đang theo học đều đã tìm thấy niềm đam mê đối với nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình. Mỗi tuần 3 buổi, các học viên đều đặn lên lớp để được nghệ nhân Rơ Lan Pel chỉ dẫn thêm cách phối màu và dệt nhiều kiểu hoa văn đẹp mắt. Em Ksor H’Nglim, 17 tuổi, đang khéo léo chạy những đường chỉ cuối cùng để hoàn thành chiếc túi xách vui vẻ nói: “Trước khi tham gia lớp học dệt này em chưa hề biết dệt. Bây giờ em mới biết học dệt không khó nhưng cần phải kiên nhẫn và khi đã bắt đầu biết dệt thì rất thích, ngày nào cũng muốn được đến lớp để nghệ nhân Pel dạy thêm nhiều hoa văn đẹp mắt”.

Gia Linh