Văn hóa bình luận bóng đá

 Cứ mỗi khi đến giải bóng đá lớn như World Cup thì dư luận lại “dậy sóng” về bình luận viên (BLV). Tại World Cup 2014 đang diễn ra ở Brazil, một lần nữa BLV của VTV lại trở thành tâm điểm của các bàn tán xôn xao.

Ở VN hiện nay, người ta thấy khá “loạn” về BLV. Có cảm tưởng ai cũng có thể lên sóng đóng vai chuyên gia bóng đá để “chém gió”. Từ các nghệ sĩ, cựu cầu thủ, cựu HLV, cầu thủ đang thi đấu, phóng viên thể thao… cứ ngồi trong trường quay nhà đài là được “gắn mác” BLV. Và thế là hiện có hẳn một trào lưu bắt lỗi BLV, thay vì tập trung theo dõi bóng đá, các “fan” tập trung vào việc BLV nói thế nào, để đưa lên mạng xã hội phê bình.

Những ngày qua, cư dân mạng “phát cuồng” với những câu nói “để đời” của BLV T.B.C ở VTV. Chỉ cần lên Google và gõ vào từ khóa “T.B.C”, bất kì ai cũng dễ dàng thấy được mức độ “nổi tiếng” của BLV này. Cộng đồng mạng còn kỳ công tổng hợp và “chế” ra những câu nói “bất hủ” của BLV này khiến người xem không thể nhịn được cười.

Không chỉ BLV T.B.C rơi vào “tâm bão” mà một số BLV trẻ khác của VTV cũng hứng phải sự chỉ trích của dư luận. Các ý kiến này cho rằng, BLV bóng đá VTV lứa sau này cảm giác giống như người học làm ca sĩ. Họ cố sao chép gần như nguyên mẫu một vài người khá nổi tiếng thuộc lứa đàn anh của mình. Có BLV thì học theo cách bình luận của những BLV nổi tiếng người nước ngoài. Dư luận cho rằng, BLV đang bình luận cho người hâm mộ VN xem bóng đá thì phải sử dụng ngôn ngữ, văn hóa VN chứ không nên “nhập khẩu” văn hóa nước ngoài một cách rập khuôn, máy móc.

Bình luận viên nổi tiếng Vũ Quang Huy. Ảnh minh họa
Bình luận viên nổi tiếng Vũ Quang Huy. Ảnh minh họa

“Bệnh” hay gặp khác của các BLV trẻ hiện nay là nói ngoài trận quá nhiều, gây khó chịu cho người xem. Có thể “chẩn bệnh” của các BLV là văn hoa, sáo rỗng, dài dòng. Những bệnh này đã ăn sâu trở thành tính cách không dễ mà sửa được.

Một trong những “lỗi” phổ biến khác của các BLV trẻ hiện là “cường điệu sự việc”, lộng ngôn so sánh hay “khoe kiến thức” bằng cách đưa ra quá nhiều thông số bên lề để rồi không theo kịp tình huống. Bên cạnh “bệnh” khoe chữ thì có BLV lại sử dụng ngôn từ bình luận vô cùng tối nghĩa, thông tin đưa ra theo kiểu lan man không đâu vào đâu, thậm chí thông tin sai. Ví như trong trận Anh – Italia, BLV cứ nhầm cầu thủ ghi bàn là Sturridge thành Welbeck, để rồi “phán”, khiến người hâm mộ lại có dịp chế nhạo.

Nghề BLV là nghề “làm dâu trăm họ”, khó thể nào làm hài lòng tất cả người hâm mộ. Muốn tạo được ấn tượng với khán giả, BLV không chỉ phải có một kiến thức toàn diện, giọng chuẩn, đánh giá hay, bình luận sắc sảo mà còn phải có phong cách riêng để tạo được dấu ấn sâu sắc trong lòng người hâm mộ.

T.P