Dư âm “Tiếng hát công nhân cao su” khu vực II

CSVN – Đến hẹn lại lên, 2 năm một lần, các giọng ca cao su lại có dịp trổ tài sau những ngày  lao động vất vả, được đắm mình trong không khí âm nhạc, giữa những người đồng nghiệp, được vui, được hát, kể cả có dịp khám phá những vùng đất của Tổ quốc, đã tạo nên ngày hội thực sự của công nhân cao su.
Một tiết mục tại Hội diễn.
Một tiết mục tại Hội diễn.

Khu vực II được Ban tổ chức (BTC) bố trí thi tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An. Ngay từ những ngày đầu tập trung tập luyện tại đơn vị, các giọng ca cao su  đã háo hức đợi ngày lên đường, bởi lẽ không chỉ thực hiện nhiệm vụ tại hội thi, mà còn là dịp để về quê Bác, vì có những anh chị chưa một lần được đặt chân đến, chỉ nghe qua những câu thơ, bài hát…

Các đoàn liên tục hỏi thăm nhau, nào là năm nay mấy tiết mục, chủ đề  là gì, có tự biên nào không, đầu tư mạnh không, khi nào “chạy” báo cáo lãnh đạo, dự kiến ngày nào đi thi: làm cho không khí tập luyện của các đoàn khẩn trương hơn, các diễn viên không chuyên suốt ngày cầm dao cạo mủ, cầm viết, kể cả “bác tài” cũng chuyển sang tập hát múa nên thêm phần hăng say hơn.

Có được không khí vui tươi như thế, chúng tôi thầm cảm ơn chủ trương hợp lòng người lao động của lãnh đạo VRG và CĐCS VN. Chúng tôi vẫn nhớ như in lời phát biểu của Bí thư Đảng ủy, TGĐ VRG – Trần Ngọc Thuận chỉ đạo tại Hội nghị Người lao động toàn ngành: “Không thể suốt ngày lo làm, chúng ta làm ra tiền, thì phải có thời gian chơi, chứ không thể suốt ngày cắm cúi cạo mủ. Từ nay trở đi cứ 1 năm văn nghệ thì năm sau thể thao, vui chơi để làm việc hiệu quả hơn”. Từ đó mà người lao động ngành cao su năm nào cũng được vui chơi như ngày hội của mình.

***

“Tiếng hát công nhân cao su KV II” năm 2017 mang đến nhiều điều   lý thú, đọng lại nhiều điểm đặc biệt. Đoàn Cao su Quảng Ngãi mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn, cũng đã mang đến hội thi 3 tiết mục, trong đó có 1 tiết mục đạt huy chương đồng và thí sinh Nguyễn Hồng Thanh lớn tuổi nhất tham gia hội thi. Gặp anh lần đầu tiên từ hội diễn của ngành tổ chức tại Sơn La, lần này gặp lại chúng tôi vẫn không thể đoán đúng tuổi của anh, bởi gương mặt anh vẫn còn “phong độ”, có lẽ tâm hồn tươi trẻ, yêu ca hát đã đẩy lùi tuổi tác.

Anh cho biết, khi còn trong quân ngũ, cũng từ năng khiếu âm nhạc mà anh được chọn học lớp quân nhạc, đó là vinh dự cũng là hành trang lớn cho anh theo đuổi con đường văn nghệ tới hôm nay. Chương trình dự thi của Đội Cao su Quảng Ngãi do anh dàn dựng để lại nhiều ấn tượng. Anh tâm sự: “Mình làm VHVN – TDTT thì phải có tình yêu, nhiệt huyết và đặc biệt là cố gắng xây dựng phong trào ngay tại đơn vị, như thế mới có những hạt nhân xuất sắc”.

Gặp lại thí sinh Lê Thị Thu Thủy – Đội văn nghệ Cao su Chư Prông, người được Trưởng đoàn Trịnh Văn Mạnh gắn thương hiệu là giọng ca nữ chính không thể thay thế được của đơn vị từ hội thi 2011 đến nay. Chị cho biết năm nào cũng tham gia hội diễn, mỗi lần có cái hay riêng, như năm 2011 thì kết hợp giữa nhiều thể loại, hát, múa, kịch…, lần này thì tập trung chính là ca và múa phụ họa, nhưng thích nhất cứ 2 năm lại được gặp các “giọng ca cao su”, được trau dồi kinh nghiệm, bên cạnh đó là cơ hội khám phá những cái hay, cái đẹp của đất nước Việt Nam, lần này lại được về thăm quê Bác. Trưởng đoàn của chị Thủy cho biết, ngoài đam mê ca hát, là một công nhân sản xuất giỏi, Thủy còn rất chịu khó học tập và vừa tốt nghiệp loại giỏi lớp Trung cấp trồng trọt do Trường Cao đẳng CN Cao su tổ chức.

Hội thi năm nay có nhiều  hình ảnh đẹp mà chúng tôi ghi nhận được, nhưng đặc biệt nhất có lẽ đến từ diễn viên Vũ Thị Loan của Đội văn nghệ Cao su Sa Thầy. Khi Đội Sa Thầy “chạy” chương trình, một tay chị Loan cầm micro hát và tay kia …bồng con. Quá ngộ nghĩnh và đáng yêu khi 2 mẹ con cùng lên sân khấu. Trao đổi bên ngoài hội thi, chị cho biết, vì niềm đam mê ca hát, chị “ủy quyền” cho ông xã ở nhà chăm bé lớn, chị đưa bé nhỏ đi cùng. Lúc còn tập luyện tại đơn vị, có hôm đội tập khuya mà trời lại mưa, phải nhờ một đồng đội bế cháu thì hai mẹ con mới về nhà được, khi cháu thức thì các thành viên trong đội thay phiên nhau trông giúp để chị tập trung luyện hát.

Diễn viên Vũ Thị Loan – Đội Cao su Sa Thầy cùng con gái
Diễn viên Vũ Thị Loan – Đội Cao su Sa Thầy cùng con gái

Còn hôm đội thi, chị lại nhờ anh tài xế của công ty giữ hộ và phải bế cháu đứng ngay cánh gà xem mẹ diễn thì bé mới không khóc và còn tiếp sức cho chị diễn tốt hơn. Chỉ vào bé, chị Loan nói đùa, đây sẽ là giọng ca nữ của Cao su Sa Thầy 20 năm sau. Vâng, cách đây 10 năm Cao su Sa Thầy đã mở lối ươm mầm cao su nơi vùng biên nắng gắt, mưa nhiều, giờ đã định hình vườn cây và xây dựng được đội văn nghệ đang ngày càng mạnh lên theo từng hội thi. Nay lại tiếp tục ươm mầm cho những tài năng văn nghệ. Chia tay hai mẹ con, chúng tôi hy vọng tương lai không xa, “diễn viên” nhí nhất của Hội thi năm nay sẽ là giọng ca chính của cao su Sa Thầy, một đặc sản “cây nhà – lá vườn”.

***

Có một “giọng ca cao su” mà mỗi khi anh bước lên sân khấu ở các hội thi là gần như có giải thưởng, phong cách biểu diễn của anh mang một đặc trưng rất “cao su”, gần gũi với đời sống hàng ngày, từng bước chân, từng cách vung tay của anh luôn hòa quyện với mỗi câu hát mà ở đó chất giọng của anh mang đậm bản sắc của núi rừng Tây Nguyên, làm say đắm người nghe. Mỗi khi anh trình bày phần dự thi hội trường như “không ngồi yên”, rất nhiều người hát theo cùng anh. Đó là Ksor Uy – giọng ca vàng của Đội văn nghệ Cao su Chư Păh. Hội diễn 2011 anh đoạt huy chương bạc đơn ca, hội diễn 2013, 2015 và năm 2017 huy chương vàng đơn ca không bao giờ thiếu tên anh trên bục nhận thưởng.

Chúng tôi hỏi đùa, như thế là anh đã lập hattrick huy chương vàng rồi, 2019 có tham gia nữa  không?  Anh trả lời ngay, nếu chất giọng còn tốt sẽ vẫn còn tham gia, bởi vì sau mỗi hội diễn của ngành cao su học hỏi thêm nhiều điều, có dịp mang vinh quang về cho công ty và vinh dự cho bản thân. Chúng tôi được biết, không những có giọng hát hay, anh còn là một nhạc công đa tài khi có thể chơi được cả trống, organ, guitar… Bản thân anh có 1 dàn nhạc chuyên phục vụ đám tiệc, hội nghị, đó là nguồn thu nhập phụ khá lớn của gia đình anh.

***

Một điểm mới của hội diễn  lần này mà nhiều người rất thích, khi Tạp chí Cao su Việt Nam đã có sáng kiến phát trực tiếp hội thi qua mạng xã hội Facebook, một cách làm sáng tạo và rất hay, Tâm sự với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Lĩnh Đội văn nghệ Cao su Kon Tum phấn khởi cho biết, tuy là đơn vị dự thi cuối cùng, nhưng khi lên sân khấu rất háo hức và có thêm động lực để thể hiện phần dự thi, ngoài sự cổ vũ của khán giả tại Hội thi thì còn có người lao động công ty và đặc biệt là những tràng pháo tay động viên từ vợ, con ở nhà đang xem trực tiếp.

Đồng quan điểm với anh Lĩnh, chị Trịnh Thị Thủy – Đội Cao su Sa Thầy cho biết, tuy là diễn viên múa không chuyên nhưng lúc lên sân khấu, nghĩ là ông xã và con gái đang theo dõi trực tiếp trên Facebook của Tạp chí Cao su VN đã tiếp thêm lửa, làm cho các động tác múa phụ họa của chị “nét” hơn rất nhiều. Có đoạn đạo diễn bảo chị phải “giựt” thật mạnh khi đánh cồng chiêng để phần phụ họa có hồn hơn, chị như nhập vai vào mỗi động tác mà nhiều đồng nghiệp trêu đùa là lúc ấy Thủy “phiêu” thực.

***

Tạo nên những đột phá bằng nét đặc sắc riêng, từ những tiết mục dự  thi không thể chê vào đâu để giành giải nhất toàn đoàn khu vực II một cách rất thuyết phục, là Đội văn nghệ Cao su Mang Yang. Trong đó, A Yung – giọng ca chính của đội luôn để lại nhiều ấn tượng nhất từ hội thi năm 2011 đến nay với chất giọng Tây Nguyên, phong cách biểu diễn lãng tử làm cho người xem nhớ mãi hình ảnh anh công nhân cao su người Bana.

Hội diễn 2017 – A Yung đã thể hiện xuất sắc phần đơn ca với tiết mục Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên và đoạt huy chương vàng, ngoài ra tất cả các tiết mục của Cao su Mang Yang anh luôn là giọng ca chính. Đội Mang Yang còn để lại ấn tượng rất đẹp với người dân Nghệ An, trong dịp về thăm huyện Diễn Châu, đúng dịp chuẩn bị chương trình văn nghệ đón chào một sự kiện lớn, Đội đã tham gia nhiều tiết mục, góp vui với chương trình, để lại hình ảnh đẹp của công nhân cao su trong lòng người dân nơi đây.

Hội thi khu vực II đã kết thúc, nhưng dư âm vẫn còn đọng lại. Toàn bộ phần dự thi như một câu chuyện xuyên suốt chủ đề mà BTC  đặt  ra như Cao su Mang Yang – đơn vị đoạt giải nhất, Cao su Chư Păh, Kon Tum, Quảng Trị, Hà Tĩnh,… Nhiều giọng ca “đi cùng năm tháng” vẫn giữ được “phong độ” cực tốt, làm nức lòng người nghe như anh Hùng – Krông Buk, anh Byum – Chư Păh, chị Huyền – Quảng Trị…

Hẹn gặp lại năm 2019!

Bùi Minh Phú