CSVN – Qua phiên dịch của một “cộng tác viên”, tôi được quen với bốn thí sinh trong đoàn thợ giỏi Tân Biên-Kampong Thom (là đoàn Campuchia đầu tiên và duy nhất) về dự Hội thi thợ cạo mủ giỏi Ngành cao su 2014. Họ gồm ba nam là Mao Man, Kuch Sokleng, Phun Samoeun, và một nữ là Ly Ri Na. Cả bốn đều còn rất trẻ, chỉ khoảng 20 đến 23 tuổi, đều là công nhân thuộc NT Santuk 1, là nông trường có vườn cây cao su đầu tiên được đưa vào khai thác mủ của Công ty TNHH Phát Triển cao su Tân Biên-Kampong Thom.
Ly Ri Na có dáng người gầy, cao dong dỏng, thật khác với những cô gái Campuchia thường đậm người. Cô cho biết rất vui thích khi lần đầu tiên được đại diện đơn vị đi thi. Khi tôi hỏi “vui gì, thích gì?” thì Ly Ri Na đáp: “ Vui nhất là được đối xử giống nhau, mặc đồ giống nhau, vui chơi sinh hoạt giống nhau, bình đẳng lắm. Còn thích nhất là khi được đi tham quan địa đạo Củ Chi, em được chui và lướt đi khắp các đường hầm. Ở sâu dưới đất mà cũng có đường đi, lạ thiệt!”.
Ba nam thí sinh còn lại cũng tỏ rõ sự vui thích như Ly Ri Na khi được tiếp đón trọng thị và cư xử rất bình đẳng như hàng trăm thí sinh khác. Nhưng họ cũng bày tỏ có một cái “khó”, và Mao Man đại diện nói: “Cái cây để cạo thi ở đây nó “mập” hơn cây ở nông trường chúng em nên ai cũng bị lúng túng!”.
Chúng tôi cùng bật cười sau câu ta thán của Mao Man. Ông Đỗ Quốc Tuấn, Giám đốc NT Santuk 1 giải thích: “Nông trường chúng tôi vừa đưa vào khai thác 109 ha trồng vào các năm 2007, 2008 với 32 công nhân được tuyển chọn sau các lớp học cạo. Rồi chúng tôi đã chọn ra 4 bạn giỏi nhất này để đi thi lần đầu tiên. Ở bển vì vườn cây mới mở nên đường kính thân còn nhỏ, vào trường thi cây to hơn nhiều nên các bạn bị lọng cọng tí chút, nhưng cũng hoàn thành được phần thi của mình”.
Tất nhiên là đoàn thợ giỏi còn non trẻ này chẳng ai được giải cả. Ông Đỗ Quốc Tuấn cười: “Đoàn chúng tôi đi chủ yếu là giao lưu kết bạn, học hỏi trao đổi kinh nghiệm để nâng tầm hiểu biết, có thêm cơ sở luyện rèn cho những lần thi sau đạt kết quả khả quan hơn”.
Nghe ông Tuấn, tôi chợt liên tưởng tới ông Trần Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc VRG đã phát biểu trong lễ khai mạc Hội thi với một câu rất có chiều sâu: “Hội thi tất phải có giải nhất, giải nhì, giải ba và các giải khuyến khích với số lượng không nhiều. Nhưng tất cả thí sinh chúng ta đều có giải – đó là tình cảm với ngành cao su là mãi mãi!”.
Ông Nguyễn Kim Quy, Tổng Giám đốc Công ty Tân Biên-Kampong Thom khái quát vài nét về công ty của mình. Bắt đầu trồng mới từ năm 2007, đến nay công ty đã có 7.240 ha cao su với 3 nông trường, 1 Xí nghiệp Cơ khí- Vận tải, 1 Nhà máy chế biến với tổng công suất 15.000 tấn/năm (hiện mới đưa vào sử dụng bước đầu 3.000 tấn).
Ông cho biết: “Do vườn cây khai thác còn ít lại mới chỉ tập trung ở một nông trường nên chúng tôi chưa mở được Hội thi cấp công ty. Nhưng những năm sau khi các nông trường đều có vườn cây mở cạo, chúng tôi sẽ tổ chức Hội thi cấp công ty để tuyển chọn thợ giỏi dự Hội thi cấp ngành. Khi ấy, không khí thi đua sẽ sôi nổi lắm, và chúng tôi sẽ có thêm nhiều thợ giỏi đều khắp trong đơn vị, đúng như mong muốn của ngành”.
Khi được hỏi về chuyện “ăn Tết” trên đất bạn, ông Quy vui vẻ cho biết : “Ở bển, mỗi năm chúng tôi ăn tới hai cái Tết lận, là Tết ta và Tết bạn. Tết ta thì cũng đủ cả bánh mứt, rượu thịt, trái cây, và tất nhiên là không thiếu một vài chậu mai vàng. Có cây thì do công nhân vào rừng đào mang về, có cây thì “nhập” từ VN qua. Còn Tết bạn là Tết Chon chơ nam thơ mây thì vào tháng tư tây, anh em cán bộ, công nhân VN vào các bản làng chúc Tết bà con, cùng uống rượu ăn mồi rồi nhảy múa, vui lắm.
Lớp công nhân cao su ở các nông trường thì được tổ chức cho vui chơi liên hoan, múa hát, mà kỳ này thì mấy cô cậu thợ giỏi vừa đi thi về sẽ nổi bật, và tha hồ mà kể những chuyện vui khi qua VN dự thi thợ giỏi.
Chúng tôi tin từ lớp thợ giỏi đầu tiên này, rồi sẽ có thêm nhiều thợ giỏi nữa trưởng thành từ khắp các đơn vị, cùng chung tay phát triển công ty bền vững”.
Nghe nhắc tới Tết Chon chơ nam thơ may thì thật là dễ thương, giữa vườn cây cao su chiều tàn êm ả, những người thợ Campuchia đã nhún nhẩy theo điệu lăm thôn, miệng khe khẽ hát. Bài “Mơ ước thanh bình” với những câu ca tha thiết: “Đây Campuchia ước mơ thanh bình đồng xanh trĩu lúa…” là một bài dân ca nổi tiếng của Campuchia, từng được nhiều người VN cùng hát.
Và thật là quá vui, khi không hiểu do ai “đạo diễn” mà cô thợ Ly Ri Na lại rất vô tư hát vang thành: “Em Campuchia nước da đen sì hàm răng trắng xát…”.
Hồ Sử
Related posts:
- Tổng doanh thu Cao su Quảng Trị tăng 72% so với cùng kỳ năm 2023
- Công nhân Cao su Đồng Nai: Nêu cao Chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu và trong lao động sả...
- Nông trường 7 giải nhất Hội thi Bàn tay vàng Cao su Lộc Ninh
- Nghỉ hưu tuổi 47: Vui mừng, phấn khởi
- Ông Nguyễn Hữu Lợi giữ chức Tổng Giám đốc Cao su Kon Tum
- Nông trường Gò Dầu (Cao su Tây Ninh) về trước kế hoạch sản lượng 46 ngày
- Cao su Chư Păh tham gia hiến máu tình nguyện
- Sức sống mới trên vùng đất biên cương
- Kinh tế gia đình và trồng xen: Cần thêm sự tiếp sức
- Các công ty cao su khu vực Campuchia: Góp phần gia tăng hiệu quả của VRG trong giai đoạn tiếp theo