Tín hiệu vui cho công nhân cao su Sơn La

CSVN – Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Nhà máy chế biến Cao su Sơn La 28/10 tại xã Tông Lạnh, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La ra quân sản xuất đầu xuân mới. Với tinh thần “Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và đời sống người lao động”, toàn bộ công nhân vừa bảo đảm sản xuất, vừa thực hiện tốt các biện pháp chống dịch Covid-19.

Đời sống công nhân được cải thiện, giúp người lao động yên tâm sản xuất
Thu nhập của NLĐ ổn định

Hai bên con đường bê tông từ quốc lộ 6B vào nhà máy, từng hàng cây cao su thẳng tắp, trải dài vừa qua mùa thay lá bắt đầu đâm chồi. Ngày đầu tiên sản xuất của năm mới, không khí lao động hết sức khẩn trương, nhộn nhịp, tiếng máy chạy rộn rã. Ông Hoàng Viết Thành, Giám đốc nhà máy thông tin nhanh: Trước Tết Nguyên đán, lãnh đạo huyện Thuận Châu và Công ty CP Cao su Sơn La đã tổ chức đến thăm hỏi, tặng quà cho nhà máy và những công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Công ty cũng thanh toán kịp thời tiền lương 2 tháng đầu năm và tiền thưởng Tết cho công nhân. Để bảo đảm tiến độ, nhà máy đang sản xuất thông tầm, từ 7 giờ 30 đến 16 giờ, công nhân thay nhau nghỉ để ăn cơm trưa.

Tại khu vực dây chuyền cán ủ, lượng mủ đông tập kết về khá lớn, hơn chục công nhân liên tục chuyển mủ vào hệ thống máy rửa để làm sạch, loại bỏ tạp chất và chuyển sang máy làm tơi xốp, sấy khô. Anh Lò Văn Bình, bản Thẳm, xã Tông Lạnh cho biết: Năm 2008, gia đình góp 3,5 ha đất trồng cao su và được nhận vào làm công nhân. Những năm trước, khi cây cao su chưa được khai thác, đời sống công nhân gặp nhiều khó khăn, nhưng hơn 2 năm trở lại đây bắt đầu có sản phẩm, thu nhập đã ổn định hơn rất nhiều. Làm việc ở bộ phận cán ủ, tuy có vất vả, nhưng lương hiện tại đạt gần 5 triệu đồng/tháng.

Còn tại khu vực cán ép, sản phẩm mủ cao su sau khi được sấy khô đưa vào máy ép với khối lượng 10 kg/bánh. Vừa đóng gói sản phẩm, chị Lù Thị Bước chia sẻ: “Công việc hằng ngày là dán nhãn, bọc nylon, tuy không vất vả bằng công nhân ở những bộ phận khác, nhưng đòi hỏi các thao tác phải tỉ mỉ, chính xác”.

Được biết, năm 2009, để nhường đất phục vụ xây dựng công trình thủy điện Sơn La, gia đình chị Bước chuyển từ xã Chiềng Bằng (Quỳnh Nhai) ra tái định cư tại bản Lạn Bóng, xã Tông Lạnh. Những năm qua, sản xuất của gia đình chủ yếu là trồng cây lương thực ngắn ngày trên nương, nên thu nhập không ổn định, năm 2019 chị được nhận vào làm công nhân của nhà máy, với mức lương bình quân gần 5 triệu đồng/tháng và được bảo đảm mọi chế độ theo quy định của Bộ luật lao động.

Tiêu thụ sản phẩm có nhiều thuận lợi

Nhà máy chế biến Cao su Sơn La 28/10 có công suất 6.000 tấn mủ khô/năm, bảo đảm chế biến hết sản lượng mủ của toàn bộ diện tích hơn 6.000 ha cây cao su trên địa bàn tỉnh. Đến hết năm 2020, công ty đã đưa vào khai thác được gần 4.000 ha, sản lượng chế biến đạt 3.168 tấn mủ SVR10.

Sản phẩm mủ cao su Sơn La được đánh giá có chất lượng tốt, được kiểm soát theo một quy trình nhất định, các chỉ tiêu phân tích đều đạt TCVN 3769:2016, đáp ứng thị trường trong nước và được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước châu Âu. Đặc biệt, hệ thống xử lý nước thải của nhà máy đã được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, áp dụng công nghệ vi sinh và vận hành với công suất 330 m3/ngày đêm sẽ đáp ứng chế biến hết sản lượng mủ khai thác của 6.000 ha cây cao su đã trồng trên địa bàn toàn tỉnh.

Dự kiến đến đầu năm 2022, công ty sẽ đưa vào khai thác mủ toàn bộ diện tích hơn 6.000 ha. Ngay những ngày đầu năm mới này, một tín hiệu vui là việc tiêu thụ sản phẩm đang có nhiều thuận lợi. Theo Giám đốc nhà máy Hoàng Viết Thành, khi thực hiện sản xuất hết công suất thì thu nhập của công nhân sẽ tăng lên hơn 6 triệu đồng/tháng, đời sống công nhân từng bước được cải thiện, điều đó giúp cho người lao động thực sự yên tâm sản xuất.

NGỌC THUẤN