Chú Đức Trung kính mến!
Chúng cháu cùng làm ở ngành cao su, yêu nhau được 3 năm, chỉ vừa tổ chức cưới được hơn 7 tháng nay. Nhà chồng cháu có 3 người con, anh trai chồng đã có vợ con, chồng cháu và cô em đã lấy chồng. Nhà ba má chồng cháu ở ven thị xã, có điều kiện kinh tế. Ba má muốn anh em chúng cháu ở chung, bao giờ sanh đông con mới chia đất cất nhà ra riêng.
Trong nhà, có bà chị dâu làm bên ngành thương nghiệp của tỉnh. Mặc dù cháu và chồng quen nhau cũng lâu, thường qua lại nhà, nhưng rất ít khi gặp tâm sự và tìm hiểu sâu về chị. Hôm đám cưới, nghe loáng thoáng mấy bạn đồng nghiệp của cháu nói: “Lấy chồng về làm chị em bạn dâu với chị V., thoải mái rồi nha!”, cháu cười. Mấy hôm đầu sống chung một nhà, nhiều việc mới mẻ, cháu cũng chỉ hỏi chị vài câu. Nhưng càng sống, càng nhiều va chạm, cháu nhận ra đó là một người đàn bà kinh khủng. Chị 32 tuổi, là người có nhan sắc, mỗi lần đi làm là quần áo son phấn rực rỡ. Nghe nói, ở cơ quan, chị là người giỏi giao tiếp, khéo ăn nói, lúc nào cũng được lòng mọi người.
Cũng bởi vậy, chị lên chức rồi còn có khả năng lên nữa. Sếp ưu ái chị, những lúc như sinh nhật sếp hay những sự kiện liên quan đến các sếp, chị luôn tặng quà chúc mừng. Với đồng nghiệp, chị lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ, chỉ dạy, hỏi thăm gia đình…
Cũng con người đó, nhưng lúc về nhà, là một trời một vực. Chị về tới nhà là mặt mày nặng nề, không chào hỏi ai, cái xe đá chống ngoài sân, chồng phải dắt vào, chị vô phòng nằm nghỉ, tới giờ ăn cơm em phải mời chị mới ra ăn.
Bữa ăn nào cũng chì chiết món này món kia, mệt quá không nuốt nổi. Ăn xong, không hề động tay rửa cái chén, chị vô ngồi coi ti vi, mặc kệ chồng chị bưng chén dỗ con ăn cả tiếng chưa xong. Mẹ chồng cháu nói nhà này nó không coi ai ra gì. Mà cháu cũng thấy vậy thật. Có lẽ nào đây mới là con người thật của chị ấy? Và, cháu phải làm sao đây, thưa chú Đức Trung.
CHÁU GÁI
Cháu gái thân mến!
Con người nào cũng là con người thật cả. Con người vui vẻ ngoại giao khéo léo ở công ty, và con người mệt mỏi cộc cằn ở nhà đều là thật. Cháu được thấy hai bản ngã của chị dâu, cũng là may mắn vì nó cho mình cái nhìn tổng thể hơn, không bị phiến diện một chiều. Giờ cháu với chị ấy là chị em một nhà, không nên mang chuyện ở nhà lên tám ở chỗ làm, vừa không làm cho việc tốt lên, vừa tổn thương chị.
Không biết má chồng cháu có biết ở chỗ làm chị ấy giỏi giang và được mọi người khen thế nào? Cháu nên thỉnh thoảng nói với chị ấy rằng bạn em khen chị lắm, và kể cho má chồng biết chị giỏi giang thế nào… Có thể, cái hiệu ứng tốt ở chỗ làm của chị ấy sẽ loang về nhà, chị ấy sẽ vui vẻ hơn, không còn thần thái “vui từ cửa ngõ vui ra, buồn từ ngã bảy ngã ba buồn về” nữa. Về lâu dài, cháu sẽ hiểu nguyên nhân sâu hơn. Có thể do áp lực ham kiếm tiền, ham quyền lực; có thể do chồng chị ấy cũng không được như chị ấy mong đợi; hay do một căng thẳng nào trong nội bộ gia đình khiến chị ấy không vui khi về nhà; và cũng rất có thể chị chỉ đang tập trung cho một việc nào đó thôi, khi đạt rồi, chị sẽ cân bằng hơn. Cũng có thể vì đã dồn hết sức cho những hoạt động “đối ngoại” ở cơ quan, nên với hoạt động “đối nội” ở nhà, chị ấy đành phó mặc, theo kiểu ở cơ quan thì sợ đánh giá, còn ở nhà thì kệ hết…Lúc nào đó cháu nói chuyện với chị thử xem. Hãy bắt đầu bằng sự đồng cảm, đừng chỉ trích.
Cháu sẽ là nhân tố quan trọng kết nối các thành viên gia đình với nhau. Cháu mới mẻ, trẻ trung và yêu quý mọi người, cháu có thể là nhịp cầu nối. Đứa bé con của anh chị cũng là một trợ thủ đắc lực của cháu đó. Đừng để đến một ngày nào đó, mình cũng sẽ trở thành một bản copy của chị ấy. Muốn vậy, cháu hãy giúp vợ chồng chị ấy gỡ dần những thành kiến trong nhà, vì nếu không gỡ ra, để tạo thành nếp, thì rồi chính mình cũng sẽ đi vào nếp ấy mà thôi. Chúc cháu thành công.
CHÚ ĐỨC TRUNG
Related posts:
- Đừng chuyển nỗi đau này thành nỗi đau khác!
- Tất bật mùa nghỉ cạo
- Thủ tướng ký ban hành Nghị quyết về mua vaccine COVID-19
- Sống khỏe giữa "bão giá" nhờ chăn nuôi vịt
- Tết thời Covid - 19
- Nữ sinh tham gia chống dịch và những bài học quý giá
- Buồn chán vì chồng ít chuyện trò tâm sự
- Cơ sở Mầm non 2-9 (Cao su Bình Thuận): Nơi phụ huynh gửi gắm niềm tin
- Nghỉ việc lo cho gia đình
- Chật vật mưu sinh giữa đại dịch Covid - 19