Bi kịch của một người già

Anh Đức Trung thân mến!

Là người làm việc trong ngành cao su, nên tôi biết đến anh Đức Trung đã từ lâu, nhưng giờ mới có dịp tâm sự cùng anh.

Tôi năm nay đã 68 tuổi, cán bộ hưu trí, chồng đã mất, có 2 trai, 2 gái, 2 dâu, 2 rể; cháu có: 4 nội, 4 ngoại; nhà đủ rộng ở thị trấn, đang cho thuê.

Tôi cùng mấy người cùng cảnh ngộ đi sống ở trại dưỡng lão. Ở đây, không phải quét lá đa vì không phải chùa, không phải nghe các thầy dạy triết dạy lẽ vì đây không phải thiền viện, không kinh kệ chuông mõ như ở am, cũng không phải chay trường gì hết. Thực dưỡng, thực tâm, thực hành, thực tĩnh. Nghĩ ngợi và làm lụng tùy theo sức tùy theo khả năng. Ở đây, người ta vẫn có wifi để những người như tôi có thể đọc, liên lạc với người thân và bạn bè, thậm chí viết lách. May là trong cái sự xô bồ, còn có những chỗ như chỗ này để ít nhất tôi cũng muốn đến đây và thấy mình còn may mắn.

Ban đầu sự buông bỏ ở tôi rất nan giải. Các con trai con gái không nhường nhau từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn như chăm mẹ, giỗ cha, giỗ ông bà, mồ mả, hương khói, tôn tạo, đi về…Chúng cứ thấy trùng trùng nghĩa vụ, chúng bảo phát chán phát ớn.

Tôi, tuổi già dù chưa già mới là cái chúng thấy nặng, thấy chướng mắt. Tôi có lương hưu, tôi có cái đầu chưa lú lẫn, tôi còn có thể lo cho mình, cớ gì chúng nó thấy nặng?

Thì ra cái nhà tôi đang sống đã đến lúc phải biến thành một món để chia. Tôi đã làm di chúc, chúng không muốn di chúc, chúng muốn chia đều, mẹ cũng được một phần và sống với ai thì sổ tiết kiệm và lương hưu của mẹ, đủ cho mẹ rồi. Bốn đứa con, vì sao phải ép mẹ như thế? Ngẫm nghĩ mãi, tôi lặng lẽ thu xếp rồi cho thuê nhà và đi. Di chúc có sẵn đây, tôi sẽ là một bà mẹ kiêu hãnh trong cách thu xếp của mình.Và tôi thấy nhẹ nhàng anh Đức Trung ạ. Bi kịch người già là phải thận trọng với con, cách thận trọng của tôi là xa ra, giữ được tài sản để chia theo ý mình và chết trong thanh thản. Tôi hành xử không sai, phải không thưa anh Đức Trung?

BẠN GIÀ CỦA ANH

Bi kịch của một người già

Chị thân mến!

Vâng, tôi có đọc câu “kinh điển” dành cho chúng ta “Bi kịch của người già là phải thận trọng với con”. Nghe u ám nhưng thật ra, theo tôi, nó có quy luật,

có tính khoa học. Là vì: Thứ nhất, chúng ta đã tụt hậu so với thời đại. Thứ hai, con cái chúng ta cũng đang già, sắp là ông là bà, chúng chín cái tuổi chín, giỏi giang, sáng suốt, mạnh mẽ, tráng niên. Chúng mà kết bè lại thì chúng ta lép vế. Vua già còn mất ngai huống chi một bà già.

Chị không nói nhà hiện nay như thế nào, 4 con và chị, chia ra thì có nhiều tiền không mà đám con cứ muốn bán để chia? Chắc chị biết luật định, nếu nhà có tên của anh nữa, sau khi anh mất, chị phải làm thừa kế để đứng mỗi tên chị, khi ấy chị có toàn quyền quyết định. Còn không, nhà chia, chị được 50%, nửa còn lại mới chia 4 cho các con. Làm gì có chuyện nhà chị đang ở mà chia 4+1, các con của chị chúng ép và nói thực chúng phũ phàng, chúng tham.

Có một nơi như chị mô tả để đi cũng đã là một lối ra vui. Cứ đi chị ạ. Một cách sống mới, hợp với người già, có những bạn trang lứa chọn thay đổi như mình. Tôi tin, rồi sẽ thanh lọc tâm tư, chậm rãi cốt cách, khoan hòa với vạn vật.

Và rồi, chị sẽ suy nghĩ khác. Cái khác ấy, biết đâu chị sẽ khoan hòa với các con mình dù chúng tệ. Đến lúc nào đó, chị bước vào tuổi 80 rồi 90, biết đâu chị sẽ tặc lưỡi, nhà bán để chia đều, phần chị cho tiết kiệm, nhắm mắt ra đi ở một nơi xa, như mình muốn.

Tuổi già ai cũng bi kịch, có điều, thu xếp giỏi thì sống an nhàn, tập luyện tốt sẽ tránh được bệnh tật và mọi thứ đều trở thành vô nghĩa khi chúng ta hòa vào cát bụi. Chúc chị sớm buông bỏ, thong dong và thực sự thanh thản.

ANH ĐỨC TRUNG