Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn Lịch sử – Sinh thái (1897 – 1975)

(Tiếp theo kỳ trước)

MỨC TĂNG NHỎ GIỌT

Việc áp dụng thời giá của miền Nam và mức lương trung bình tại Sài Gòn là 12 đồng Đông Dương và 14 đồng Đông Dương với lao động phổ thông và lao động lành nghề đã phản ánh sự khác biệt quan trọng trong cách tính toán. Việc sử dụng mức lương thấp hơn tại miền Nam, nơi nông dân từ miền Bắc và miền Trung tới làm việc, cho mức chi phí sinh hoạt và mức lương cao hơn tại miền Bắc, nơi nông dân sẽ sinh sống về sau và tiêu khoản tiền dành dụm của họ, tiếng Pháp gọi là pécule, sẽ khiến người lao động phải chịu thiệt. Các chủ đồn điền và quan chức cuối cùng cũng thống nhất với mức lương 8 đồng và 10 đồng Đông Dương. Thoạt nhìn, việc tăng lên 8 đồng là một sự cải thiện đáng kể so với mức lương 40 xu (hay centime) của năm 1939 nhưng trên thực tế, mức tăng này là rất nhỏ. Như Việt Nam Kinh tế Tập san (Bulletin économique du Viet-Nam) đã nêu, chi phí sinh hoạt cuối thập niên 1940 tăng 2.000% so với năm 1939.

Công nhân cao su thời Pháp đang làm việc

Một tính toán đơn giản cho thấy tỷ lệ phần trăm lạm phát này phù hợp với mức tăng lương từ 40 xu lên 8 đồng Đông Dương, trên thực tế, việc tăng lương cho công nhân cao su chỉ là biện pháp đối phó với giá cả lạm phát. Mức lương cuối thập niên 1930 thường được cho là ở mức cực thấp do những tác động kép của chế độ thực dân và thời kỳ suy thoái. Các đồn điền đã tăng tỷ lệ những giống cây ghép cho năng suất cao, một thành tựu thường được các chủ đồn điền khoe khoang, và trên thực tế công nhân chỉ đang khai thác những cây tốt nhất, điều đó đã cho thấy sự gia tăng đáng kể về năng suất, và những điều này đều không mang lại lợi ích cho công nhân.

Trong bối cảnh các cuộc đình công vẫn tiếp diễn, chính quyền của Nguyễn Văn Tâm (1895 – 1990) đã ban hành các quy định mới về lao động, trong đó cho phép công nhân được lập hội. Trong một động thái phản ứng, Trần Quốc Bửu và đồng minh người Pháp của mình là Gilbert Jouan đã thành lập Tổng Liên đoàn Lao Công Việt Nam tập trung vào công nhân ở vùng nông thôn, cố gắng tránh cả sự chi phối của những người cộng sản ở phía tả và sự kiểm soát của chính phủ ở phía hữu. Nhưng thủ tướng Nam Việt đã không bỏ mặc ngành công nghiệp cao su và vào tháng 3/1953, chính phủ đã thông qua một đạo luật trong đó tăng cường quyền kiểm soát của Bộ Lao động trong việc ứng phó với các cuộc đấu tranh của công nhân.

Các chủ đồn điền người Pháp đã phản ứng với lý do cho rằng chi phí sản xuất cao hơn giá cao su trên thị trường Sài Gòn. Họ cũng cho rằng việc trả tiền bảo vệ chiếm 10% đến 15% chi phí sản xuất. Theo Economic Bulletin, trong năm 1953, giá trung bình để sản xuất một ký cao su là 17,06 đồng Đông Dương, bao gồm 3,29 đồng chi trả cho công nhân nông nghiệp, 1,75 đồng Đông Dương cho chế biến tại nhà máy, 0,85 đồng Đông Dương cho vận chuyển và 1,50 đồng Đông Dương cho an ninh và các chi phí khác. Nhà sử học Marianne Boucheret, trái lại, đã trích dẫn các số liệu cho thấy rằng chi phí “tự vệ chỉ chiếm 1% đến 2% chi phí sản xuất cao su”. Trong khi đó, giá bán ở mức 13,96 đồng Đông Dương mỗi ký dẫn đến lỗ ròng 3,10 đồng Đông Dương.

Việc tăng lương đóng vai trò là công cụ quảng bá cho các đồn điền

Mặc dù giá bán cao su trung bình hàng tháng tại Sài Gòn dao động rất lớn trong Chiến tranh Đông Dương lần thứ I, nhưng nhìn chung nó vẫn tương đối cao trong những năm chiến tranh và vẫn tiếp tục được đẩy lên cao hơn do nhu cầu của Chiến tranh Triều Tiên. Giá bán tăng từ mức thấp khoảng 7,50 đồng Đông Dương mỗi ký vào cuối năm 1949 lên mức cao 28,40 đồng Đông Dương trong nửa đầu năm 1951, giảm từ từ xuống mức thấp 11,70 đồng Đông Dương mỗi ký vào tháng 8/1952 trước khi tiếp tục tăng trở lại. Sự biến động này của giá cao su tự nhiên đi theo giá cả thị trường thế giới tập trung tại Singapore, vốn đã chứng kiến mức giá cao nhất kể từ thập niên 1920 và đạt đỉnh vào giữa năm 1951 bằng 660% mức giá mùa hè năm 1949. Trong khi sự tăng giá khủng khiếp này mang lại sự giàu có ngoài sức tưởng tượng cho Singapore, Boucheret cho rằng những ảnh hưởng của nó ở Việt Nam lại ít hơn rất nhiều. Trong mọi trường hợp, sự mất giá của đồng Đông Dương trong nửa đầu năm 1953 đồng nghĩa với việc xuất khẩu cao su của Việt Nam và Campuchia trở nên cạnh tranh hơn trên thị trường thế giới, góp phần làm tăng khối lượng hàng bán.

Trong suốt chuỗi biến động này, tiền lương tăng đều đặn từ 8 đến 10 đồng Đông Dương vào giữa năm 1950 lên 22 đến 49 đồng Đông Dương vào cuối năm 1953. Sự gia tăng này một phần do giá cả sinh hoạt và giá cả nhân công tăng, cùng với sự mất giá của đồng Đông Dương so với đồng franc trong đầu năm 1953 nhằm bù đắp cho chi phí chiến tranh. Trong tháng 6 năm 1954, Economic Bulletin đã công bố những kết quả khảo sát đầu tiên về mức lương của công nhân cao su dựa trên dữ liệu thu thập được từ 18 đồn điền đã thuê tổng cộng 13.483 nhân công. Những báo cáo về việc tăng lương đóng vai trò là công cụ quảng bá cho các đồn điền. So với mức lương của người lao động ở Sài Gòn – Chợ Lớn tại thời điểm đó, mức lương tại các đồn điền vẫn không thay đổi và đã đạt sự chênh lệch lớn nhất so với công nhân lành nghề: cụ thể, mức lương của công nhân nam phổ thông là 31,75 đồng Đông Dương, của công nhân nữ phổ thông là 27,65 đồng Đông Dương và công nhân lành nghề được trả mức bình quân là 55,64 đồng Đông Dương.

Sự chênh lệch được rút ngắn giữa mức lương của lao động thể cho thấy nhu cầu về lao động rất lớn. Trong khi tình hình hỗn loạn cao độ của chiến tranh khiến sự chênh lệch tiền lương theo thời gian và không gian trở nên khó so sánh được, thì sự thiếu thiện chí của các chủ đồn điền thể hiện qua động thái bí mật gây sức ép buộc chính quyền do Pháp hậu thuẫn trả chi phí cho các dịch vụ giáo dục mà họ khoe khoang như một minh chứng về sự hào phóng của mình. Chính quyền từ chối yêu cầu này, cho rằng các trường địa phương là trường tư, vì chúng được các đồn điền lập ra và điều hành. Mặc dù thường xuyên từ chối những lời đề nghị kiểu như vậy, song chính phủ đã ngầm hỗ trợ các đồn điền bằng cách hạn chế kiểm soát những hoạt động của họ

Những năm cuối của Thế chiến thứ II và hai năm đầu của cuộc chiến giữa lực lượng Pháp và Việt Minh đã làm suy yếu hệ thống y tế và làm cho tình trạng bệnh tật trở nên tồi tệ hơn. Theo báo cáo hàng năm của chính phủ, tổn thất về nhân sự và việc phá hủy cơ sở vật chất đã cản trở các nỗ lực chăm sóc sức khỏe. Tác giả của báo cáo nhấn mạnh sự sụt giảm mạnh về nhân sự y tế người châu Âu, trong khi vẫn còn nhiều bác sĩ Việt Nam ở một số vùng, đặc biệt là Sài Gòn. Sốt rét tiếp tục là một thách thức lớn đối với vùng nông thôn vì thiếu thuốc men để điều trị căn bệnh này. Ví dụ, Đặng Văn Cương, Bộ trưởng Y tế người Việt đầu tiên, chỉ ra rằng việc thiếu bác sĩ kết hợp với tình trạng chiến sự ác liệt tại vùng nông thôn đã chấm dứt hoạt động thanh tra tại các đồn điền. Cả cộng đồng y học và khoa học đều phải đối mặt với thực tế của công cuộc phi thực dân hóa.

HÀ KHUÊ

(trích từ Sách “Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn Lịch sử – Sinh thái (1897 – 1975)” của tác giả Michitake Aso, NXB tổng hợp TPHCM, tháng 6/2023)

(Xem tiếp kỳ sau)