Tổng công ty cao su Đồng Nai: Tiên phong xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc tuân thủ EUDR

CSVN – Để đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế, TCT Cao su Đồng Nai đã và đang đẩy mạnh cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất. TCT hiện là đơn vị đầu tiên của VRG cũng như của Việt Nam xây dựng thành công hệ thống truy xuất nguồn gốc tuân thủ EUDR của Liên minh Châu Âu. Đây là một minh chứng đặc biệt quan trọng của TCT trong việc cam kết trên hành trình phát triển bền vững.

Hệ thống bản đồ số DNRC.GIS của TCT Cao su Đồng Nai
Xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp phát triển bền vững

Tính đến năm 2024, TCT Cao su Đồng Nai đã trải qua 49 năm dựng xây, ổn định và phát triển. Trên hành trình gần nửa thế kỷ qua, tập thể CB.CNV LĐ TCT luôn phát huy truyền thống anh hùng, vững vàng vượt khó, xây dựng TCT phát triển xứng đáng là một trong những doanh nghiệp hàng đầu của ngành cao su Việt Nam, là đơn vị có quy mô diện tích lớn nhất của VRG, có nhiều đóng góp trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Đồng Nai và đất nước. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, TCT đã gặt hái được nhiều thành quả to lớn, được Đảng và Nhà nước ghi nhận bằng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý.

TCT sở hữu những vườn cao su chất lượng cao, nhờ chọn lọc giống, chăm sóc kỹ bởi kỹ sư nông nghiệp và công nhân lành nghề, kết hợp khoa học kỹ thuật tiên tiến. Sản phẩm được sản xuất theo quy trình khép kín và kiểm tra nghiêm ngặt từ vườn cây đến nhà máy.

Bên cạnh việc tập trung phát triển sản xuất kinh doanh, TCT Cao su Đồng Nai luôn chú trọng đến phát triển bền vững, xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp. TCT đã chủ động thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường, đầu tư phát triển nguồn nhân lực, nâng cao đời sống cho CB.CNV LĐ, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Thu nhập bình quân NLĐ trên 10 triệu đồng/ người/tháng. TCT luôn thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ, chính sách cho NLĐ. Từ đầu năm đến nay, TCT đã chi hơn 47 tỷ đồng đóng các khoản BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động, chi 12,4 tỷ đồng tiền ăn giữa ca, chi bồi dưỡng sức khỏe bằng hiện vật với kinh phí 8,7 tỷ đồng, chi các chế độ nữ 0,54 tỷ đồng. Đối với lao động ngoại tỉnh đến làm việc, TCT sắp xếp nơi ở miễn phí cho bà con và dành những chế độ ưu đãi để bà con yên tâm công tác.

Tiên phong với hệ thống truy xuất nguồn gốc tuân thủ EUDR

Ngành công nghiệp cao su thế giới đối mặt với nhiều thách thức mới, trong đó tiêu biểu là vấn đề bảo vệ môi trường và yêu cầu minh bạch trong chuỗi cung ứng theo các yêu cầu của EUDR. Để đáp ứng được yêu cầu của thị trường quốc tế, đặc biệt với khát vọng đưa thương hiệu DONARUCO trở thành một thương hiệu mạnh trên thị trường, TCT kiên trì trên hành trình phát triển bền vững. TCT đã thành công xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc nguyên liệu (DNRC- Traceability) dựa trên nền tảng công nghệ webapp và mobile app, kết hợp với hệ thống bản đồ số DNRC. GIS. Hệ thống này cho phép theo dõi từng lô hàng nguyên liệu từ lúc khai thác đến khi xuất khẩu, đảm bảo tính minh bạch thông tin tới các bên liên quan trong chuỗi cung ứng.

Hiện nay, hệ thống bản đồ số DNRC.GIS của TCT (được xây dựng trên nền tảng ArcGIS online) đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý vườn cây và theo dõi nguồn gốc nguyên liệu. Hệ thống này cung cấp cái nhìn chi tiết và toàn diện về các vùng khai thác, giúp quản lý chính xác vùng đất, tài nguyên và tối ưu hóa sử dụng tài nguyên. Đây là nền tảng vững chắc đảm bảo việc quản lý đạt hiệu quả cao.

Ông Đỗ Minh Tuấn – TGĐ TCT Cao su Đồng Nai chia sẻ: “Hệ thống bản đồ số DNRC.GIS và hệ thống DNRC-Traceability là bộ công cụ mạnh mẽ giúp TCT quản lý diện tích vườn cây rộng lớn một cách hiệu quả. Hệ thống này không chỉ giúp TCT theo dõi hiện trạng vườn cây mà còn xác định chính xác nguồn gốc nguyên liệu của từng lô sản phẩm mủ, ngày chế biến, ngày thu hoạch, chất lượng sản phẩm và cả vị trí địa lý vườn cây. Điều này giúp TCT đảm bảo tuân thủ các quy định của EUDR và nâng cao uy tín của TCT trên thị trường quốc tế. TCT đã thực hiện các hợp đồng tuân thủ EUDR với Châu Âu và điều này đã thu hút sự quan tâm không chỉ từ thị trường Châu Âu mà còn từ các thị trường khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ. Đây còn là một bước quan trọng để tiến tới tái cấp chứng chỉ FSC cho các sản phẩm của TCT Cao su Đồng Nai”.

Để đảm bảo cung ứng đủ nguyên liệu cho 3 nhà máy sản xuất, bên cạnh sản lượng tự khai thác, TCT Cao su Đồng Nai còn thu mua mủ cao su từ các hộ tiểu điền. Tuy nhiên, việc thu mua này mang đến nhiều thách thức trong việc kiểm soát chất lượng nguyên liệu và đánh giá rủi ro liên quan đến cam kết không phá rừng của các hộ tiểu điền.

Như một phần trong cam kết hỗ trợ cộng đồng và phát triển bền vững, TCT đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giúp các hộ tiểu điền thu thập thông tin cần thiết, lập bản đồ và quản lý nguồn gốc nguyên liệu. TCT hợp tác chặt chẽ về kỹ thuật và chia sẻ lợi ích khi các hộ tiểu điền tuân thủ quy định của EUDR. Bên cạnh đó, TCT thường xuyên tổ chức các hội thảo và hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc vườn cây, bảo quản mủ nguyên liệu, đồng thời cung cấp tài chính ưu đãi và hỗ trợ an sinh xã hội cho các hộ tiểu điền.

Sản phẩm đảm bảo tuân thủ các quy định của EUDR. Ảnh: Vũ Phong
Xây dựng thương hiệu cao su Việt Nam trên thị trường quốc tế

Trong giai đoạn 2025 – 2030, diện tích vườn cây của TCT bị thu hẹp do quá trình quy hoạch chuyển đổi đất sang phát triển các ngành công nghiệp – dịch vụ của tỉnh. Mặc dù diện tích đất giảm nhưng định hướng về sản lượng, thị phần của TCT tiếp tục tăng trưởng, do đó, TCT tăng cường thu mua mủ nguyên liệu nhằm cung ứng 60.000 tấn cao su/năm cho các nhà máy; tập trung chế biến sâu; sản xuất các sản phẩm mới, sản phẩm xanh – sạch đáp ứng nhu cầu cho thị trường trong và ngoài nước. Song song đó, TCT sẽ chuyển đổi một phần diện tích đất cao su sang đầu tư, phát triển khu công nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với xu thế phát triển của tỉnh.

Với mục tiêu xây dựng TCT trở thành doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, xây dựng thương hiệu DONARUCO trở thành thương hiệu mạnh của Tập đoàn và tỉnh Đồng Nai, TCT tiếp tục đẩy mạnh áp dụng tự động hóa trong sản xuất, tích cực chuyển đổi số trong quản lý điều hành. TCT tiếp tục kiên định phát triển bền vững trên ba trụ cột chính: Kinh tế – Xã hội – Môi trường. Nâng cao năng suất vườn cây, sản lượng mủ cao su, tối ưu hóa hiệu quả sản xuất kinh doanh; phát triển sản phẩm mới, có giá trị gia tăng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường quốc tế…

Hệ thống truy xuất nguồn gốc của TCT Cao su Đồng Nai là minh chứng cho cam kết phát triển bền vững của doanh nghiệp, đồng thời là nỗ lực hướng tới xây dựng thương hiệu cao su Việt Nam uy tín trên thị trường quốc tế. TCT đã thực hiện các đơn hàng đi châu Âu đáp ứng tiêu chuẩn EUDR với các tuyên bố thẩm định DDS mang thông tin về nguồn gốc nguyên liệu, số lượng, chất lượng, ngày thu hoạch, ngày sản xuất, tọa độ địa lý chuẩn Geojson theo đúng yêu cầu của Hội đồng Liên minh châu Âu.

Đến với TCT Cao su Đồng Nai, khách hàng hoàn toàn yên tâm về nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu, chất lượng sản phẩm, tính hợp pháp, cam kết hỗ trợ cộng đồng, tôn trọng quyền con người, thực hiện tốt các chính sách lao động, sản xuất thân thiện với môi trường và cam kết không gây ảnh hưởng đến rừng.

MINH TRÍ