CSVN – “Mình rất muốn được nhận vào làm công nhân cao su để có tiền lương hàng tháng, lo cái ăn, cái mặc cho 2 đứa con, chứ làm nương rẫy không đủ ăn” – đó là nguyện vọng của một người dân tại xã Ea Tir, nơi NT Cao su Ea Tir (Công ty TNHH MTV Cao su Ea H’leo) đứng chân.
Chúng tôi vừa có chuyến công tác về Nông trường Ea Tir – đơn vị cách xa trụ sở công ty nhất trong 7 đơn vị trực thuộc. Tranh thủ lúc CNVC–LĐ nông trường tổ chức đại hội Công đoàn, chúng tôi được một bảo vệ chở đi gặp vài người dân, cũng như công nhân (CN) của nông trường đang sinh sống trên địa bàn cao su đứng chân.
Bắt chuyện với CN Y Si Yan – 25 tuổi, nhưng có thời gian làm CN cao su 10 năm. Lý giải về điều này, anh cho hay: “Lúc trước, khi nông trường khai hoang trồng mới cao su mình theo cha mẹ xin làm CN chăm sóc, đến khi vườn cây đưa vào khai thác, nông trường nhận mình làm CN chính thức và giao khoán cho 3 phần cây, vì thế nên mới có thâm niên 10 năm làm cao su”.
Trò chuyện với anh, được biết cuộc sống của gia đình trước khi làm CN rất khổ cực. “Lúc trước chưa làm cao su thì theo cha mẹ lên nương, lên rẫy kiếm cái ăn hàng ngày. Mỗi năm chỉ làm được một mùa rẫy nên cuộc sống khó khăn lắm, nhiều khi cái ăn không đủ, quần áo thì thiếu thốn, nhà ở tạm bợ… Nhưng từ khi được nhận làm CN cao su, cuộc sống có khá hơn nhiều. Tuy không khá giả, nhưng cũng ổn định, 2 đứa con được đến trường học hành đầy đủ”, anh cho biết.
Nông trường Ea Tir có tổng diện tích 657 ha, trong đó đã đưa vào khai thác 593 ha từ năm 2012 đến nay. Lao động nơi đây 100% là người dân tộc thiểu số, trong đó khoảng 90% là người Ê Đê, còn lại là người Tày, Nùng, Thái… điều kiện tự nhiên nơi đây cũng không thật sự phù hợp với cây cao su bởi đồi núi nhiều. Cao trình trung bình trên 500m so với mực nước biển, có nhiều lô độ dốc lên trên 30 độ. Hơn nữa phần lớn diện tích lại giáp với nương rẫy của người dân nên gặp khó khăn trong công tác quản lý, thu hoạch mủ cũng như bảo vệ vật tư, sản phẩm.
Do là xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nơi người dân chỉ trông chờ vào nương rẫy. Chính vì vậy, trở thành CN cao su là mối quan tâm của người nhiều dân nơi đây. Chị H’Trinh – người dân tộc Bana, bày tỏ:
“Mình rất muốn được nông trường nhận vào làm CN cao su để có tiền lương hàng tháng, lo cái ăn, cái mặc cho 2 đứa con, chứ làm nương rẫy không đủ ăn”.
Với mức tiền lương bình quân trong năm 2016 của nông trường là trên 4,9 triệu đồng/người/tháng. Đây là mức thu nhập mơ ước mà nhiều người dân của xã Ea Tir. Tuy nhiên, do diện tích cao su không lớn, trong khi người xin làm CN nhiều cũng là một áp lực đối với đơn vị cũng như chính quyền địa phương trong việc giải quyết công ăn việc làm cho người dân nơi đây.
Giám đốc nông trường Nguyễn Anh Tuấn cho biết, hiện nay năng suất bình quân của nông trường trên 1,3 tấn/ha, trong 1 – 2 năm tới sẽ đưa diện tích còn lại vào khai thác. Đến năm 2020, hầu hết vườn cây đi vào khai thác ổn định, chắc chắc năng suất sẽ tăng cao hơn, khi đó thu nhập của người CN sẽ tăng lên. “Với tình hình thực tế như hiện nay, nhằm chia sẻ những khó khăn của bà con nơi đây, chúng tôi sẽ cố gắng thu tuyển thêm CN và sắp xếp vườn cây phù hợp để người dân có việc làm, có thu nhập, góp phần vào việc giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn, cùng với địa phương từng bước đưa đời sống người dân ngày một cải thiện”, ông Tuấn cho hay.
Bài, ảnh: Văn Vĩnh
Related posts:
- Cao su Quảng Trị: Đoàn kết, vượt khó, chia sẻ, trách nhiệm, hiệu quả
- Cao su Dầu Tiếng: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao bền vững
- Cao su Chư Prông rộn ràng thi đua mùa nước rút
- Hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn trong trạng thái bình thường mới
- Cao su Phước Hòa: Nhiều năm liền đạt top 50 doanh nghiệp lợi nhuận xuất sắc Việt Nam
- Ông Trịnh Xuân Tiến giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Gỗ Thuận An
- Đội 5 (Cao su Hòa Bình) vượt khó về đích trước 48 ngày
- Cao su Sa Thầy nhận Huân chương Lao động hạng 3
- Cao su Hòa Bình nỗ lực chăm lo người lao động
- Những người thầy đam mê sáng tạo