Vùng cao su sầm uất

CSVN Xuân – Theo xu thế công nghiệp hóa, một số vườn cây cao su xanh ngút mắt đã dần thay thế bằng các khu công nghiệp sầm uất. Sự chuyển dịch nông nghiệp – công nghiệp thể hiện rõ rệt hơn bao giờ hết.
Nhịp sống công nghiệp đang len lỏi vào những vùng cao su. Trong ảnh: Công nhân cao su có thể mua thức ăn ngay từ những “chợ di động” trên lô. Ảnh: Tùng Châu
Nhịp sống công nghiệp đang len lỏi vào những vùng cao su. Trong ảnh: Công nhân cao su có thể mua thức ăn ngay từ những “chợ di động” trên lô. Ảnh: Tùng Châu
Không còn cảnh “chỉ có cao su với cao su”

Đầu tư khu công nghiệp trên đất cao su là một trong những ngành nghề chính của VRG. Việc phát triển đồng bộ giữa ngành nông nghiệp và công nghiệp trên một địa bàn đã tạo nên những thay đổi về mọi mặt ở địa phương. Trước đây, có những nơi bạt ngàn một màu cao su xanh ngát, ở đó người ta thường đùa với nhau rằng “nơi đây chỉ có cao su với cao su thôi, ngoài ra không có gì khác”, thì nay những KCN mọc lên, kèm theo các dịch vụ cũng mở ra nhằm phục vụ nhu cầu của công nhân và người dân địa phương trên địa bàn. Dạo một vòng các “trung tâm” KCN ở Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước sẽ thấy được muôn màu muôn vẻ của các cửa hàng mua sắm, quán cà phê, ăn sáng, quán nhậu, các dịch vụ vui chơi như karaoke, bida… từng ngày, song hành cùng sự phát triển của các KCN.

Cùng với những dịch vụ đó, công nhân cao su ngày nay cũng thuận tiện hơn trong việc mua sắm, vui chơi. Ngày trước để mua đồ ăn công nhân phải tranh thủ đi chợ sau khi đi cạo về, thì nay có khá nhiều “cửa hàng di động” bán đủ các mặt hàng như áo quần, gia dụng, thức ăn, trái cây, gần KCN và lô cao su để phục vụ cho cả công nhân xí nghiệp và công nhân cao su.

Là công việc đặc thù nên việc vui chơi giải trí của công nhân cao su cũng khác so với những ngành nghề khác, anh L.A.T – công nhân cao su trên địa bàn Bình Dương cho hay: “Tốc độ công nghiệp hóa – hiện đại hóa những năm gần đây phát triển mạnh, nhờ đó địa phương thay đổi, sầm uất hơn trước, không khí nhộn nhịp hẳn lên, rồi cuộc sống người dân cũng được ổn định. Chúng tôi có điều kiện mua sắm những đồ xịn, đắt tiền mà không cần phải về Sài Gòn như trước nữa.

Công nhân cao su tuy không làm theo giờ hành chính nhưng loay hoay trên vườn cây cũng nhiều việc nên hầu hết chúng tôi đi làm về là lo việc nhà rồi nghỉ ngơi lấy sức hôm sau đi làm tiếp. Có đi chơi thì cũng cuối tuần ra phố mua sắm, ăn uống rồi về thôi. Mùa nghỉ thật sự của chúng tôi là mùa lá rụng, lúc đó sẽ đi du lịch hoặc về thăm quê. Nói mấy chỗ vui chơi mọc lên ảnh hưởng đến công nhân cao su thì không có, nông trường tôi chưa bao giờ có trường hợp công nhân vi phạm nội quy giờ giấc, tệ nạn xã hội”.

Dịch chuyển lao động đang giảm

Với tốc độ công nghiệp hóa – hiện đại hóa ngày càng nhanh, tại khu vực Đông Nam bộ, các khu công nghiệp được xây dựng ngày càng nhiều. Nhiều ngành sản xuất được mở rộng như bao bì, may mặc, giày da, thức ăn chăn nuôi… mở ra nhiều cơ hội lựa chọn nơi làm việc cho người dân địa phương. Tốc độ phát triển KCN nhanh và mạnh diễn ra tập trung vào các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước… Với hệ thống giao thông huyết mạch, thuận lợi, có nguồn lao động dồi dào, các tỉnh này có sức thu hút các nhà đầu tư.

Việc cạnh tranh lao động giữa các KCN và các công ty cao su đứng chân trên địa bàn cũng diễn ra rất gay gắt vào thời điểm giá mủ cao su giảm sâu, kéo theo thu nhập của NLĐ giảm. Theo tốc độ phát triển, việc dịch chuyển lao động từ các ngành nông nghiệp sang ngành công nghiệp, dịch vụ là xu thế tự nhiên. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, việc dịch chuyển lao động này đang xảy ra chậm so với trước đây, bởi có nhiều người đã xin trở lại làm công nhân cao su vì không quen với những áp lực, nội quy giờ giấc chặt chẽ như ở khu công nghiệp. Và đa số những công nhân cao su nghỉ ngang chuyển qua làm công nhân xí nghiệp là những người trẻ chỉ có vài năm làm công nhân cao su.

Chị Nguyễn Thị Thủy trước đây là công nhân Nông trường Bình Sơn, TCT CS Đồng Nai. Khi nghỉ hưu, chị mở quán nước ngay KCN gần nhà để bán cho công nhân KCN. Chị kể: “Cứ đúng giờ sáng vào làm và chiều tan tầm là ở đây đông như nêm, khác với ngày trước rất nhiều. Tôi nghỉ hưu theo chế độ, có sạp bán nước nhỏ để bớt buồn và có thêm thu nhập. Nhiều người hỏi sao không vào xí nghiệp làm, mà tôi thì trước làm cao su quen rồi, già cả rồi vô xí nghiệp làm gì cho mệt. Ở đây cũng có những người trẻ có đôi ba năm làm cao su rồi nghỉ ngang xin vô đây, chứ còn mấy người làm trên chục năm rồi thì hiếm lắm, họ vẫn gắn bó với cao su”.

Đối với những công ty có thu nhập bình quân ổn định thì việc chuyển dịch lao động còn hiếm hoi hơn. Chị Hoàng Thị Hoa – công nhân Tổ 6, Nông trường Đồng Nơ, Công ty TNHH MTV CS Bình Long chia sẻ: “Thu nhập của tôi ở CS Bình Long rất tốt, từ tháng 6 năm 2017 đến nay chưa có tháng nào thu nhập dưới 20 triệu đồng. Ngày xưa, tôi cũng đi cạo cho tư nhân, rồi làm những công việc khác nhưng thu nhập không cao bằng ở đây đâu. Với lại làm nhà nước có chế độ chính sách đảm bảo. Cũng nhờ có lương cao su mà vợ chồng tôi có tiền sắm sửa, làm nhà ở riêng, lo cho con cái nên làm ở KCN lương có cao cỡ nào tôi cũng không nghỉ cao su”.

Hà Khuê