Giá cao su giảm, tiểu điền chới với! (kỳ 3)

Kỳ 3: Các cơ quan chức năng địa phương: Người dân không nên vội vàng bỏ cây cao su

>> Kỳ 2

Trước tình trạng một bộ phận cao su tiểu điền chặt cao su, chuyển đổi cây trồng do giá thấp, các cơ quan chức năng địa phương đã có khuyến cáo người dân không nên nóng vội, bởi cao su là cây trồng chiến lược, dài ngày.
Sát cánh cùng nông dân

Xã Tân Long, huyện Phú Giáo, Bình Dương có trên 1.800 ha cao su tiểu điền, đa phần các diện tích này đang trong thời gian khai thác. Nếu tính cả diện tích cao su của quốc doanh là trên 4.000 ha. Người dân Tân Long sống chủ yếu bằng nghề làm cao su. Tại thời điểm này, nhiều người trồng cao su tại Tân Long cũng đang rất lo lắng. Đặc biệt, Tân Long là xã điểm xây dựng nông thôn mới, tiêu chí thu nhập là một trong những tiêu chí quan trọng, nếu giá mủ cao su cứ ở mức thấp như hiện nay việc thực hiện tiêu chí này sẽ rất khó khăn.

Ông Khổng Văn Cường – Chủ tịch UBND xã Tân Long, cho biết xã xác định cây cao su là cây trồng chủ lực vì vậy sẽ tiếp tục duy trì và vận động người dân không vội vàng chuyển đổi cây trồng. Trong đó, chúng tôi sẽ tiếp tục tập huấn cho các hộ nông dân về cách thức quản lý vườn cây để bảo đảm thu nhập. Bên cạnh đó, xã sẽ vận động người dân xây dựng các mô hình kinh tế phụ như các mô hình dịch vụ kinh doanh, chăn nuôi đồng thời mở các lớp đào tạo nghề về trồng cây cảnh, nấu ăn để bảo đảm ổn định đời sống của người dân.

Còn tại xã Tân Hiệp, huyện Phú Giáo, Bình Dương toàn xã có trên 2.100 ha cao su tiểu điền, diện tích cao su chiếm đa số diện tích đất sản xuất nông nghiệp của địa phương. Ông Vũ Hải Lý – Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp cho biết, việc giá mủ cao su xuống thấp đã gây ra nhiều ảnh hưởng đến đời sống người dân. Nhiều người trồng cao su đang rất lo lắng trước tình hình giá mủ hiện nay. Tuy nhiên, UBND xã cũng đã tuyên truyền cho người trồng cao su không nên quá hoang mang mà vội vàng chuyển đổi qua các loại cây trồng khác.

Người nông dân “rong cành, ép tán”, trồng xen khoai mì để tăng thu nhập. Ảnh: NNVN
Người nông dân “rong cành, ép tán”, trồng xen khoai mì để tăng thu nhập. Ảnh: NNVN

Cũng theo ông Lý, để người dân có thể ổn định sản xuất, UBND xã cũng đã phối hợp với các đơn vị tập huấn cho các hộ nông dân về cách trồng, chăm sóc và khai thác vườn cây cho hợp lý. Đồng thời UBND xã cũng tạo điều kiện cho người dân xây dựng các mô hình chăn nuôi như mô hình nuôi bò sinh sản, bò thịt vì diện tích đồng cỏ tự nhiên tại Tân Hiệp còn khá lớn.

Còn ông Nguyễn Trường Hải – Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Phú Giáo cho biết, trong tình hình khó khăn hiện nay, chúng tôi cũng đã sát cánh cùng người trồng cao su để người dân có thể giảm bớt những khó khăn, thiệt hại. Chúng tôi đã mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về cách thức quản lý vườn cây cho phù hợp cũng như cách phòng trừ các loại sâu bệnh gây hại trên cây cao su nhằm tăng năng suất cho cây cao su qua đó bù lại việc giá mua mủ xuống thấp.

Trong đó, chúng tôi khuyến cáo người dân nên chuyển từ chế độ cạo D/2 ( 2 ngày cạo một lần) sang chế độ cạo D/3 (3 ngày cạo một lần), bón phân hợp lý để tránh tình trạng vườn cây bị giảm năng suất và suy kiệt trong quá trình khai thác cũng như cần phát hiện sớm sâu bệnh để phòng trừ có hiệu quả hơn.

Diện tích cao su tiểu điền vẫn tăng trưởng

Theo các số liệu thống kê của cơ quan quản lý về Nhà nước đối với đất đai – tài nguyên tại tỉnh Gia Lai và Kon Tum thì diện tích cao su vẫn có sự tăng tưởng, trong đó có một phần không nhỏ của các hộ cá thể.

Theo số liệu của Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum tình hình biến động về diện tích cao su của các hộ cá thể cũng chưa phải là đáng ngại. Bởi tính đến 30/6/2013 thì tổng diện tích cao su cá thể trên toàn tỉnh là 29.684,3 ha và kết thúc năm 2013 số diện tích này giảm còn 28.273 ha, tức giảm 1.411 ha. Trong khi đó, hết tháng 6/2013 tổng diện tích trồng mới của hộ tiểu điền là 1.062,3 ha nhưng đến hết ngày 31/12/2013 tổng diện tích trồng mới đạt 1.997,2 ha, tăng 934,4 ha. Như vậy, số diện tích cao su tiểu điền giảm không đáng kể, phần lớn do tái canh và một phần do chuyển đổi sang cây trồng khác.

Tại địa bàn Gia Lai, theo số liệu của Sở NN&PTNT thì diện tích cao su tiểu điền là không thay đổi so với năm 2012. Lý giải điều này, một cán bộ phòng nông nghiệp giải thích do năm 2014 diện tích và sự biến động của cao su tiểu điền chưa thống kê được, nên chưa thể cập nhật. Theo số liệu đến ngày 24/10/2013 thì tổng diện tích cao su cá thể trên địa bàn tỉnh Gia Lai là 21.173,2 ha, trong đó trồng mới trên 898 ha, khai thác 11.422,2 ha.

Số còn lại đang trong thời kỳ chăm sóc. Năng suất của cao su cá thể cũng ở mức tương đối tốt khi đạt 1,46 tấn/ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Ia Grai khoảng 5.950 ha, Đức Cơ trên 5.303 ha, Chư Prông hơn 3.787 ha… và các huyện có diện tích dưới 1.000 ha như Kbang, Chư Sê, Chư Pưh và Tp. Pleiku.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay các hộ cao su tiểu điền mỗi khi thanh lý, thay đổi cây trồng hoàn toàn tự phát mà không theo một quy hoạch nào, dẫn đến việc các cơ quan quản lý Nhà nước không thể theo dõi, thống kê nhanh chóng, thường xuyên. Theo tìm hiểu của chúng tôi, các hộ cao su tiểu điền của các huyện Chư Sê, Đức Cơ, Chư Bưh và Đăk Đoa, Tp. Pleiku là những địa phương có số hộ cao su chặt bỏ để chuyển đổi sang trồng cây tiêu nhiều nhất.

Cần người lo cho cao su tiểu điền

Trong câu chuyện với những người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu&Chuyển giao Kỹ thuật Tây Nguyên (Viện Nghiên cứu Cao su VN) chúng tôi được biết tại các nước như Thái Lan, Malaysia hay Ấn Độ…đều có những tổ chức chuyên giúp đỡ nông dân trồng cao su. Cụ thể là cử chuyên gia giúp đỡ về kỹ thuật hay có tổ chức chuyên tư vấn về tình hình cao su trong nước và thế giới để định hướng người dân, hoặc trợ giá khi cao su mất giá để người nông dân tiếp tục bám trụ vườn cây, duy trì công việc khai thác…Còn ở ta thì hoàn toàn không có.

Hiện nay ngoài Viện Nghiên cứu Cao su VN là đơn vị thường xuyên triển khai các dự án hỗ trợ cao su tiểu điền thì không có tổ chức nào tham gia thực hiện. Người dân phát triển một cách tự phát, dẫn đến không phù hợp và phá vỡ quy hoạch.

Hiện nay ngoài Viện Nghiên cứu Cao su VN là đơn vị thường xuyên triển khai các dự án hỗ trợ cao su tiểu điền thì không có tổ chức nào tham gia thực hiện. Trong ảnh: Cán bộ Trung tâm Chuyển giao Kỹ thuật Tây nguyên (Viện NCCS VN) hướng dẫn cách chăm sóc vườn ươm. Ảnh: Văn Vĩnh
Hiện nay ngoài Viện Nghiên cứu Cao su VN là đơn vị thường xuyên triển khai các dự án hỗ trợ cao su tiểu điền thì không có tổ chức nào tham gia thực hiện. Trong ảnh: Cán bộ Trung tâm Chuyển giao Kỹ thuật Tây nguyên (Viện NCCS VN) hướng dẫn cách chăm sóc vườn ươm. Ảnh: Văn Vĩnh

Người dân thấy lợi trước mắt thì làm, đó là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, cần chú ý đến lĩnh vực nông nghiệp, nhất là các loại cây dài ngày như cao su. Thực tế cho thấy, các nhà máy chế biến phải rất vất vả vì chất lượng cao su tiều điền. Họ khai thác không theo quy trình kỹ thuật, còn pha thêm hóa chất để tăng nồng độ dẫn đến giảm chất lượng sản phẩm đầu ra, ảnh hưởng đến thương hiệu Cao su Việt Nam, gây khó trong tiêu thụ.

Theo ông Phạm Hải Dương – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cao su VN, kiêm Giám đốc Trung tâm Tây Nguyên thì: “Cao su tiểu điền đang cần “một người lo” cho họ. Chúng ta thấy người dân khi trồng cao su đã phải mua giống không được định hướng, thường theo sự hướng dẫn của nhà vườn mà không biết rằng đó có đúng giống không, chưa kể việc lẫn giống. Tiếp đến là công đoạn chăm sóc và khai thác họ cũng làm tự phát phần nhiều.Hiện cao su tiểu điền chưa có ai đảm bảo đầu vào và đầu ra cho họ, họ trồng và bán sản phẩm theo sự chủ quan, lợi đâu làm đó”.

Nếu người nông dân trồng cao su có được hẳn một hệ thống tư vấn, giúp đỡ lo đầu vào, đầu ra thì chắc chắn dù trong điều kiện nào giá cao hay thấp thì cũng không phải loay hoay với cái vòng luẩn quẩn trồng rồi lại chặt phá khi giá xuống và ngược lại.

Văn Vĩnh – Bình Nguyên – Cao Sơn