Nỗ lực vượt khó của công nhân vùng biên

CSVN – Với hơn 746 ha, nằm trên xã biên giới Ia Mơr của huyện Chư Prông, lao động 93 người, hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian qua, hoạt động sản xuất và đời sống NLĐ ở Nông trường Ia Lâu (Cao su Chư Sê) gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bằng sự kiên trì bám trụ, NLĐ nơi đây đã từng bước vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giao.

Công nhân Cao su Chư Sê tại hội thi thu hoạch mủ.
Bám trụ vườn cây xây dựng cuộc sống mới

Giữa cái nắng gay gắt của tháng 5, chị Lý Thị Bích một công nhân dân tộc H’Mông vẫn đang cố gắng hoàn tất phần việc cuối cùng của mình là đưa những miếng mủ đông tạp lên xe để vận chuyển về nhà máy chế biến. Chị Bích cho hay, năm nay nông trường bắt đầu khai thác từ ngày 10/5, đến ngày 30/5 thì thu đợt mủ đầu tiên. Do năm nay nắng hạn quá, cạo muộn hơn rất nhiều so với năm trước.

Với hơn 746 ha và chỉ có 93 lao động, nên Nông trường Ia Lâu được biên chế thành 3 tổ sản xuất. Đây là đơn vị ở vùng biên giới, nên mọi thứ đều hết sức khó. Theo anh Nguyễn Hồ Phi Dũng – Giám đốc nông trường, NLĐ ở đây gặp nhiều thiệt thòi so với các nông trường khác, nhất là vào mùa khô nguồn nước rất khan hiếm. Hơn nữa, đất đai rất cằn cỗi, năng suất vườn cây không cao nên thu nhập cũng thấp. Tuy nhiên, họ rất chịu khó bám trụ với vườn cây.

Để vượt qua khó khăn, chị Bích chia sẻ: “Lúc từ Bắc Kạn vào đây lập nghiệp, cuộc sống còn khó khăn gấp nhiều lần bây giờ, phải đi phụ hàng ngày. Sau khi được nhận vào làm công nhân, hàng tháng có lương, cho chế độ độc hại, ăn ca và tiền thưởng cuối năm nên đời sống gia đình đã cải thiện nhiều rồi. 5 năm đi cạo, vợ chồng mình đã tích cóp mua được 3 sào lúa nước, nay thì có gạo ăn quanh năm, không sợ đói nữa”. Qua trò chuyện với anh chị em công nhân của tổ 1, nơi chị Bích đang làm việc, mọi người cho biết, ban đầu còn nhiều khó khăn nên nông trường cho mượn khu văn phòng cũ làm nơi sinh hoạt, khi nào có tiền mua đất làm nhà sẽ ra ở riêng. Hầu hết lao động ở đây đều đến từ các tỉnh miền núi phía Bắc, ngoài làm công nhân cao su thì bà con còn làm thêm nhiều thứ để cải thiện đời sống như trồng lúa nước, trồng điều, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Vì thế, cuộc sống cũng từng bước được cải thiện, hình thành dần những khu dân cư và tạo lập cuộc sống mới cho bà con vùng biên.

Quyết tâm khai thác vượt trên 5% kế hoạch

Nói về nỗ lực vượt khó, hoàn thành kế hoạch sản lượng năm 2023, anh Dũng cho rằng, đối với nông trường để vượt kế hoạch sản lượng đã là khó, bởi đất đai nơi đây rất xấu, nên năng suất chưa đến 1 tấn/ha. Tuy vậy, từ ngày đưa vào khai thác cây cao su đầu tiên trên vùng đất này, nông trường chưa năm nào không hoàn thành, nhất là năm 2022 đơn vị đã vượt được 5% kế hoạch. Năm 2023 chúng tôi sẽ cố gắng để sản lượng vượt cao hơn năm trước.

Vào năm 2010, Nông trường Ia Lâu bắt đầu trồng cây cao su đầu tiên, sau 8 năm chăm sóc toàn bộ diện tích của nông trường đã được đưa vào khai thác. Từ đó, đời sống của một bộ phận người bản địa đã từng bước được cải thiện.

Ngày nay, đến với vùng cao su của nông trường đứng chân giao thông đi lại được thông thoáng, đường nhựa và điện lưới quốc gia kéo đến tận nhà, nhiều căn nhà khang trang được mọc lên và cửa hàng tạp hóa bày bán khắp nơi, điều đó cho thấy cuộc sống của người dân nơi đây ngày càng được khởi sắc.

VĂN VĨNH