CSVN – Sau 17 năm xây dựng và phát triển trên quê hương Điện Biên anh hùng, đến nay Công ty CP Cao su Điện Biên đang quản lý hơn 3.724 ha cao su trải rộng trên địa bàn 16 xã, 89 bản của 5 huyện và thành phố trong tỉnh Điện Biên. Mùa cạo mới năm nay với khí thế thi đua sôi nổi, không khí lao động hăng say của NLĐ, công ty quyết tâm hoàn thành vượt mức kế hoạch sản lượng được giao từ 5% trở lên.
Đảm bảo tay nghề của công nhân
Ông Nguyễn Công Tám – TGĐ Cao su Điện Biên, cho biết: “Địa bàn sản xuất của công ty chủ yếu là đồi núi dốc và phân tán, trải dài, gây khó khăn cho công tác sản xuất. Công ty đã thực hiện nhiều giải pháp đảm bảo nguồn lao động ổn định, tổ chức sản xuất hiệu quả. Công ty hiện có 855 lao động, trong đó có 782 lao động là đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm 91,5%). Năm 2024, công ty phấn đấu sản lượng khai thác đạt 4.300 tấn, doanh thu trên 150 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước 3 tỷ đồng; thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng”.
Để đạt được mục tiêu đó, ngay từ đầu năm công ty đã phát động phong trào thi đua, trọng tâm là phong trào thi đua lập nhiều thành tích chào mừng 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ; phong trào Điều hành đơn vị tốt, lao động sản xuất giỏi; phong trào Luyện tay nghề, thi thợ giỏi; phong trào Sáng kiến cải tiến kỹ thuật… được NLĐ tích cực hưởng ứng. Nhằm đảm bảo tay nghề phục vụ khai thác, công ty đã phối hợp với Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su, Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam, Trường Cao đẳng nghề tỉnh Điện Biên và Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên tổ chức đào tạo và đào tạo lại tay nghề cho NLĐ. 100% lao động của công ty được đào tạo tay nghề khai thác thu hoạch mủ, đảm bảo thực hiện theo QTKT của Tập đoàn.
Phấn đấu vượt sản lượng từ 5% trở lên
Để đảm bảo sản lượng mủ thu hoạch hàng tháng đều vượt từ 3 – 5%, công ty luôn chú trọng thực hiện ổn định sản xuất, tăng năng suất lao động, tăng định mức phần cạo, cây cạo (mỗi lao động được chia 3 phần cạo, mỗi phần cạo từ 500 – 700 cây) và thực hiện thanh toán, chi trả tiền lương, tiền công đúng thời gian quy định. Bên cạnh đó, lao động khai thác còn tham gia chăm sóc, bảo vệ vườn cây như thực hiện phát dọn thực bì, bón phân thúc… để tăng thu nhập.
Năm 2024, công ty xây dựng nhà máy chế biến mủ công suất 5.000 tấn/năm phù hợp với sản lượng khai thác hiện tại và nhu cầu chế biến của công ty trong các năm tới. Đây là động lực thúc đẩy SXKD, tăng khả năng cạnh tranh, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty. Để NLĐ yên tâm công tác, gắn với đơn vị, công ty liên tục cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao thu nhập và đời sống tinh thần cho NLĐ, xây dựng các thiết chế văn hóa, các sân bóng đá, bóng chuyền, cầu lông… tại các đội sản xuất. Thường xuyên tổ chức các phong trào VHVN – TDTT tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho NLĐ, thi đua hoàn thành nhiệm vụ.
VÂN SƠN
Related posts:
- Tây Nguyên mùa mưa
- Quả ngọt trên vùng đất biên giới Chư Prông
- Cao su Phước Hòa hoàn thành kế hoạch sản lượng trước 13 ngày
- Hồ hởi tin vào một mùa bội thu
- Màu xanh cao su tô thắm tình hữu nghị keo sơn
- Ngày mới hăng say thi đua lao động sản xuất ở Cao su Bình Long
- Ngày mới trên nông trường cao su Bachiang
- Rộn ràng mùa "nước rút" ở Nông trường Ia H'Lốp, Cao su Chư Sê
- Tăng gia mùa rụng lá
- Nghề thợ rèn dao cạo: Làm dâu trăm họ