Tây Nguyên mùa mưa

CSVN – Trên địa bàn Tây Nguyên, bắt đầu từ tháng 8 là cao điểm mùa mưa, mưa tối trời tối đất, có khi mấy ngày liền không thấy ánh mặt trời khiến nhiều người nói vui rằng mưa là “đặc sản” của Tây Nguyên vào thời điểm này. Với các công ty cao su và công nhân tại Tây Nguyên, mưa bão mùa này có thể gọi là “khắc tinh”.

Công nhân Nông trường Ea Wy (Cao su Ea H’Leo) chia sẻ về nỗi vất vả khi thu hoạch mủ giữa mùa mưa.
Ăn cơm ca chờ dứt mưa để trút mủ tại Cao su Ea H’leo.
Tranh thủ hỏi thăm nhau về việc thu được bao nhiêu mủ
Chở mủ về trong cơn mưa lớn bất chợt với chiếc mủ che mưa “độc nhất vô nhị”.
Trút vội khi cơn mưa bất chợt ập đến
Hụt sản lượng

Theo ghi nhận, từ giữa tháng 7 đến nay, do ảnh hưởng của bão trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đã có mưa to, cường độ mạnh và liên tục nhiều ngày, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác thu hoạch mủ của các công ty.

Là “tư lệnh” phụ trách mảng nông nghiệp của Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum, ông Ngô Văn Mân – Phó TGĐ cũng phải xót xa khi thấy sản lượng mủ nhập về nhà máy hàng ngày không như kỳ vọng. “Tuy không bị mất trắng số ngày cạo, song về cục bộ cũng bị ở một số tổ sản xuất. Những ngày nắng, công ty có thể thu hoạch trên 40 tấn/ngày, nhìn mưa nhiều ngày và nặng hạt tôi thấy rất xót khi không thể thu mủ như kỳ vọng”, ông Mân bày tỏ.

Mưa to nhiều ngày cũng làm cho các đơn vị trên địa bàn Gia Lai khó thu hoạch được sản lượng như ý muốn. Ông Nguyễn Bá Duy – Trưởng Phòng Kỹ thuật nông nghiệp Cao su Chư Păh cho hay, hiện nay ngày nào tốt thì lấy được khoảng 50% sản lượng so với ngày bình thường. Nguyên nhân bởi hiện vườn cây của công ty khai thác trên cao nhiều, việc lấy mủ phải dùng dây dẫn nên không thể che chắn như miệng cạo thông thường.

Dù có lợi thế về việc thu mủ đông tạp so với các công ty thu mủ nước, nhưng 2 đơn vị là Cao su Chư Mom Ray và Sa Thầy cũng đều bị ảnh hưởng nhất định do mưa bão. Theo ông Phạm Duy Vương – Phó TGĐ Cao su Chư Mom Ray, dù công ty chưa thể thống kê được thất thoát lượng mủ do mưa bão, nhưng chắc chắn công ty sẽ bị hụt so với kế hoạch trong tháng đề ra.

Tương tự các công ty trên địa bàn, các đơn vị như Cao su Chư Prông, Mang Yang hay Ea H’leo là những đơn vị có diện tích khai thác nhiều đều bị mất hàng chục tấn mỗi ngày, các đơn vị khác cũng bị thiệt hại sản lượng nhất định. Tuy vậy, mưa gió nhiều ngày nhưng không có thiệt hại nhiều cây gãy, đổ.

Sử dụng mọi giải pháp để thu hoạch tối đa sản lượng

Trước tình hình ảnh hưởng lớn do mưa bão, ông Phạm Duy Vương cho hay công ty cũng đang nỗ lực hết sức, tận dụng các máng, mái che mưa của năm cũ và vận động công nhân tích cực gia cố để giữ mặt cạo khô thoáng, hạn chế nước mưa rơi vào chén. Đồng thời, chủ động bôi thuốc phòng trị bệnh loét sọc miệng cạo, bảo vệ mặt cạo tốt nhất có thể. Những giải pháp mới, kết hợp với truyền thống cũng được lãnh đạo Cao su Chư Prông áp dụng để có thể thu hoạch được lượng mủ tối đa. Chia sẻ với chúng tôi khi ra lô động viên NLĐ, ông Nguyễn Trung Kiên – Phó TGĐ công ty cho biết, trước diễn biến mưa bão nhiều ngày, lãnh đạo công ty đã chỉ đạo các đơn vị phải linh hoạt giờ cho công nhân ra lô cạo mủ, trực chờ sẵn sàng khai thác mủ khi trời ngừng mưa. Sử dụng mọi giải pháp có thể để thu hoạch tối đa sản lượng trong những ngày mưa bão.

Các giải pháp được nhiều đơn vị áp dụng hiện nay chủ yếu vẫn là những cách làm cũ, đó là linh động chế độ cạo, thời gian cạo và luôn túc trực, sẵn sàng khai thác khi trời ngừng mưa. Một trong những giải pháp, theo ông Mân hiệu quả nhất hiện nay là tăng cường quản lý lao động, chi trả lương, thưởng kịp thời và tăng cường hỗ trợ NLĐ từ nguồn quỹ phúc lợi để tạo động lực cho công nhân tích cực ra lô, hăng say lao động sản xuất ngoài các giải pháp truyền thống.

Qua tìm hiểu tại một số đơn vị trên địa bàn, đại diện các công ty cho biết trong những ngày qua diễn biến mưa vào đêm và sáng sớm là chủ yếu, trời thường nắng ráo vào buổi chiều nên vẫn có thể thu được lượng mủ nhất định, nhưng hầu như không đạt như kỳ vọng về sản lượng. Do vậy, giải pháp về việc linh hoạt giờ cạo là giải pháp tối ưu, đồng thời động viên NLĐ tích cực ra lô, khen thưởng là nguồn động viên hiệu quả nhất để công nhân hăng say lao động sản xuất.

GIA LINH