Nghề thợ rèn dao cạo: Làm dâu trăm họ

CSVN – Làm nghề thợ rèn dao cạo mủ cao su, cũng là một công việc mưu sinh nhưng vất vả, nặng nhọc và độc hại. Nhưng không vì thế mà mỗi lần có khách mang dao cạo đến là rèn mới để lấy tiền, nếu thấy xác dao còn tận dụng cạo được, lò rèn sẽ mài lại loại bỏ hết phần khuyết hoặc mẻ trên lưỡi dao cho thật sắc bén như một con dao rèn mới và đưa lại cho khách đem về cạo ngay mà không lấy một đồng nào tiền công.
Anh Đoàn Quang Chuân, đang rèn dao cạo cho thợ cạo
Anh Đoàn Quang Chuân, đang rèn dao cạo cho thợ cạo

Đó là cái tâm của người thợ rèn gần 30 năm tuổi nghề, anh Đoàn Quang Chuân, 50 tuổi – ngụ thôn Đồng Tiến, xã Cù Bị, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (gần trung tâm NT Cù Bị, Công ty CPCS Bà Rịa).

Lò rèn chẳng có bảng hiệu gì, ngoài cái thương hiệu “ngầm” của thợ cạo mách nhau “Chuân (hay còn gọi là Châu– Làng 2, Cù Bị”. Vậy mà có cả mối thợ cạo từ nhiều nơi xa lắc như Đắk Lắk, Bình Phước… đến rèn dao theo từng đợt trong năm, nhưng thường là sau Tết Nguyên đán thì lượng dao dồn về rèn nhiều hơn. Tuy nhiên, mối chính của lò Chuân thường xuyên vẫn là thợ cạo quanh vùng như: Cao su Bà Rịa, NT Cao su Châu Thành (trực thuộc huyện Châu Đức) và hộ cao su tiểu điền…

Họ chủ yếu rèn các loại dao: dao kéo (miệng ngửa), dao đục (còn gọi dao muỗng – miệng úp), dao kéo đục (dùng cho cả 2 miệng ngửa, úp), dao mã lai (miệng úp – nhóm III, cạo phá). Đã bao năm nay lò rèn anh không chạy theo số lượng rèn thêm, rèn nhiều… mà chỉ giữ ổn định con số ra lò từ 10 – 12 cây dao/ngày để đảm bảo được chất lượng.

Anh chia sẻ, công việc rèn dao đòi hỏi có sự công phu, tỉ mỉ dao cạo mới chuẩn. Với lại, rèn dao phải tinh tường sự ưa chuộng của mỗi người như lòng máng nông (cạn), sâu rồi cổ dao dài, ngắn. Tuy vậy, rèn dao cạo phải theo từng đặc điểm giống cây và cấu tạo vỏ dày – mỏng, hoặc mềm – cứng thế nào, như: giống PB vỏ dày cứng thì rèn lưỡi dao dày hơn. Ngược lại, giống Riu vỏ mỏng, mềm thì lưỡi dao phải mỏng thì cạo mới ngọt được.

“Thế nhưng, lấy nước tôi thép vẫn là khâu quan trọng mà người thợ phải thuần thục phân biệt được từng loại thép thì tôi thép mới chuẩn. Nếu như, tôi thép già thì thép giòn lưỡi dao khi cạo đụng vật cứng sẽ bể hoặc rụng mép từng mảng. Còn tôi thép non (chưa tới) lưỡi dao sẽ bị cuốn mép. Vì vậy, phải lấy nước tôi thép sao cho đúng thì lưỡi dao độ sắc bén mới bền. Nói chung, làm nghề rèn dao cạo mủ này như là làm dâu trăm họ. Bởi vậy, rèn ra một cây dao cạo cho khách đem về mà cạo không vừa ý thì uy tín coi như xong…”, anh cho biết.

Hàng ngày người thợ rèn này vẫn âm thầm mài dao, sửa dao, rèn dao… với mong muốn cho người thợ cạo khai thác thật nhiều mủ góp phần hoàn thành,vượt mức chỉ tiêu sản lượng mủ cuối năm cho đơn vị. Và anh lại thấy vui, hạnh phúc khi được đóng góp một chút công sức của mình!

Đúng là như thế, người thợ cạo rất kén chọn. Cho dù lò rèn xa xôi ở đâu mà rèn dao uy tín, cạo ngọt mủ nhiều … là họ cũng tìm tới để rèn. Gặp lúc lò rèn anh nhận nhiều dao, thì họ sẵn sàng chờ đợi có khi đến hàng tháng trời. Anh Dương Văn Thịnh – công nhân Tổ 3, Đội I, NT Cù Bị có nhận xét: “Lò rèn, rèn dao phải đáp ứng được 3 điều kiện: dao chuẩn, tôi thép bén lâu, cạo mủ nhiều…”.

Còn chị Nguyễn Thị Minh Huệ – công nhân Tổ 1, Đội I, NT Xà Bang thì bộc trực có sao nói vậy: “Tôi thì không biết mài dao, thường ngày cạo xong phần cây, tôi lấy giẻ khô kỳ cọ cho sạch dao, bữa sau dao cạo vẫn bén ngót, mủ nhiều là tôi chịu…”. Anh Chuân cũng cho biết thêm, “Cả anh Thịnh, chị Huệ là thợ cạo khác nông trường nhưng thường xuyên rèn dao cạo ở đây. Ngoài việc rèn dao cạo, tôi vẫn đều đặn nhận mài từ 15 – 20 dao cạo/ngày cho thợ cạo mà không lấy tiền công. Thậm chí, dao cạo bị hư do vô ý cạo đụng mắt gỗ, va vướng vô máng, chén hứng mủ… nếu thấy dao cạo còn sửa được thì lò rèn tôi sửa luôn như một con dao cạo rèn mới đưa cho thợ cạo đem về cạo mà không lấy một chi phí sửa dao nào cả”.

Bài, ảnh: Nguyễn Củ Cải