“Phấn đấu nông nghiệp công nghệ cao trở thành lĩnh vực có đóng góp quan trọng trong doanh thu của VRG”

CSVN – Ngày 31/5, VRG đã tổ chức Hội nghị Tổng kết tình hình thực hiện sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNUDCNC) đến năm 2024, định hướng phát triển giai đoạn 2025 – 2030, tầm nhìn đến năm 2035, gắn với chiến lược tăng trưởng xanh – phát triển bền vững. Ông Phạm Hải Dương – Phó TGĐ VRG đã trao đổi với Cao su Việt Nam về vấn đề này. Trước những thách thức, cơ hội và nhu cầu cấp thiết của ngành cao su trong bối cảnh mới, VRG đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là một bước đi chiến lược mang tính tất yếu.

Ông Phạm Hải Dương – Phó TGĐ VRG phát biểu tại Hội nghị Tổng kết tình hình thực hiện sản xuất NNUDCNC đến năm 2024, định hướng phát triển giai đoạn 2025 – 2030, tầm nhìn đến năm 2035, ngày 31/5. Ảnh: Hoàng Khải

Xin ông chia sẻ về kết quả thực hiện NNUDCNC của VRG trong thời gian qua?

Ông Phạm Hải Dương: Tập đoàn hiện đang quản lý và sử dụng 331.909 ha đất nông nghiệp trong nước, tập trung tại các khu vực có quy mô lớn tại vùng Đông Nam bộ và Tây Nguyên với tổng diện tích 234.505 ha (71%). Đa số có địa hình bằng phẳng hoặc đồi thoải, trải dài từ cao nguyên đến đồng bằng. Đặc điểm địa hình này thuận lợi cho việc áp dụng nhiều phương pháp sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, giá trị cao.

Các vùng đất nông nghiệp có điều kiện khí hậu đa dạng, thuận lợi cho việc trồng trọt và chăn nuôi. Đặc biệt, khí hậu nhiệt đới và cận xích đạo mang lại lượng bức xạ cao và ổn định, nhiệt độ trung bình cao và số giờ nắng nhiều trong năm. Đây là những lợi thế quan trọng để phát triển nông nghiệp thâm canh và tăng vụ. Tuy nhiên, việc canh tác cao su trải qua 2 – 3 chu kỳ, cùng với khí hậu diễn biến cực đoan (khô hạn, nền nhiệt có tháng quá cao) làm đất đai có dấu hiệu thoái hóa.

Giai đoạn 2017 – 2024 có sự chuyển dịch tích cực trong cơ cấu nội bộ lĩnh vực nông nghiệp, sự đóng góp của hoạt động NNUDCNC đã mang lại những kết quả bước đầu khả quan với tổng diện tích canh tác đạt 1.807,3 ha, lợi nhuận mang lại trong khoảng từ 14 – 45 triệu đồng/ha/năm.

VRG bắt đầu thực hiện và triển khai các dự án NNUDCNC từ năm 2017, dự án thử nghiệm trồng chuối cấy mô tại Cao su Dầu Tiếng và Cao su Phước Hòa. Các dự án này nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế, hiệu quả sử dụng đất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả quản lý thông qua việc áp dụng các công nghệ tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay, VRG đã phê duyệt 16 dự án NNUDCNC cho các công ty thành viên tại khu vực Đông Nam bộ và Tây Nguyên. Tuy nhiên, hiện chỉ có 13 dự án đang được thực hiện với tổng diện tích là 4.357,7 ha. Trong đó, diện tích đã thực hiện là 1.807,3 ha, chiếm 41% tổng diện tích được phê duyệt. Trong các dự án gồm các cây: mít Changai, chuối cấy mô, bưởi, sầu riêng… thì chuối cấy mô Cavendish đứng đầu về diện tích triển khai với 1.511,7 ha, tương đương 83% tổng diện tích, cho thấy đây là loại cây trồng có nhu cầu tiêu dùng lớn. Bên cạnh đó, các loại cây trồng còn lại với diện tích nhất định, thể hiện sự đa dạng trong cơ cấu cây trồng của các dự án NNUDCNC.

Các dự án hợp tác liên kết chiếm đa số với 94% về số lượng và 92% về diện tích, do trình độ và khả năng tiếp cận thị trường còn hạn chế trong giai đoạn đầu triển khai. Ở hình thức hợp tác kinh doanh, đa số các dự án đều có góp vốn từ 5 – 26% tổng mức đầu tư (tập trung phần lớn trong khoảng 5 -10%), thời gian hợp tác từ 10 – 20 năm (14 dự án có thời gian hợp tác 10 năm, 2 dự án có thời gian hợp tác 20 năm). Dự án tự thực hiện tại Cao su Chư Sê cho thấy cách tiếp cận linh hoạt và khả năng đánh giá hiệu quả trực tiếp. Tuy nhiên, thị trường là một trở ngại lớn, làm giảm hiệu quả và tăng rủi ro cho các dự án tự thực hiện.

Dự án hợp tác liên kết đem lại thu nhập từ 14 – 45 triệu đồng/ha/năm không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh, cao nhất tại Cao su Bình Long (45 triệu/ha/ năm), thấp nhất tại Cao su Chư Prông (14 triệu/ha/ năm). Điều này đã góp phần giải quyết các khó khăn trong việc đa dạng hóa cây trồng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, giúp giải quyết khó khăn trong giai đoạn giá mủ xuống thấp, tái đầu tư cho vườn cây cao su hạn chế, đa dạng hóa cây trồng và nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Hiện trạng trên cho thấy, triển khai các dự án NNUDCNC đã mang lại những kết quả tích cực nhưng cũng phát sinh nhiều thách thức. Sự chênh lệch về tỷ lệ hoàn thành giữa các dự án cho thấy cần có những giải pháp đồng bộ và hiệu quả hơn trong quản lý và triển khai. Sự đa dạng hóa cây trồng và hình thức thực hiện cũng giúp tạo nên sự linh hoạt và bền vững cho lĩnh vực nông nghiệp của VRG. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao nhất, việc phát triển và đảm bảo đầu ra cho thị trường vẫn là yếu tố quyết định, đặc biệt đối với các dự án tự thực hiện. Hiệu quả kinh tế từ các dự án tự thực hiện thường chưa cao, đòi hỏi Tập đoàn phải tìm ra các giải pháp thích hợp để nâng cao hiệu quả và giảm thiểu rủi ro.

Tập đoàn sẽ nghiên cứu thử nghiệm xây dựng mô hình canh tác trồng bắp lấy hạt và sinh khối.

– VRG định hướng phát triển NNUDCNC giai đoạn 2025 -2030, tầm nhìn đến năm 2035, gắn với chiến lược tăng trưởng xanh – phát triển bền vững cụ thể như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Hải Dương: Mục tiêu chung của Tập đoàn là nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp; tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ; gia tăng hiệu quả sử dụng đất. Đóng góp quan trọng vào cơ cấu doanh thu và lợi nhuận của Tập đoàn, góp phần phát triển bền vững ngành nông nghiệp. Đưa VRG trở thành doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam và khu vực trong lĩnh vực NNUDCNC.

Năm 2024, Tập đoàn sẽ nghiên cứu thử nghiệm xây dựng mô hình canh tác trồng bắp lấy hạt và sinh khối. Với lợi thế là cây hàng năm, kỹ thuật canh tác dễ nắm bắt, thị trường tiêu thụ rộng và khả năng canh tác quy mô lớn trong thời gian ngắn, không kén chọn đất, giải quyết được một số trường hợp trồng trên các loại đất hạn chế với cây cao su… trồng bắp lấy hạt và sinh khối là lựa chọn và hướng đi phù hợp nhất cho khu vực tại giai đoạn này. Mục tiêu là hiện thực hóa nhiệm vụ phát triển 10.000 ha đến năm 2025. Quy mô thử nghiệm dưới 100 ha/công ty, dự kiến sẽ triển khai tại các công ty: Dầu Tiếng, Bà Rịa, Tây Ninh, Tân Biên, Chư Sê, Chư Păh và Viện NCCSVN… trên hầu hết các loại đất liên quan đến yếu tố thổ nhưỡng và điều kiện tự nhiên: từ đồng bằng tới cao nguyên, từ đất đỏ, xám, đến rừng khộp (Ia Mơ). Phấn đấu đạt tổng diện tích 500 ha để làm tiền đề cho việc mở rộng diện tích canh tác bắp lấy hạt và sinh khối trong tương lai khi các phương án thử nghiệm cho thấy có tiềm năng, hiệu quả trong việc phát triển loại cây này. Dự kiến tổng diện tích nông nghiệp quy mô lớn, giá trị cao đến hết năm 2025 khoảng 11.077 ha, trong đó: giữ nguyên hiện trạng diện tích NNUDCNC đối với phương thức hợp tác kinh doanh hiện tại là 1.807 ha, trường hợp nếu các tồn tại tại các dự án hợp tác liên kết được giải quyết thì tiếp tục triển khai theo quy mô đã được phê duyệt tại các công ty chưa thực hiện xong dự án NNUDCNC như: Phú Riềng, Bình Long, Dầu Tiếng, Lộc Ninh, Phước Hòa. Phát triển thêm khoảng 9.270 ha tập trung tại khu vực Đông Nam bộ và Tây Nguyên với quy mô và quỹ đất.

Phát triển diện tích trồng chuối thêm 1.000 ha tại các khu vực thuận lợi về tưới tiêu và thổ nhưỡng như Phú Riềng, Đồng Phú, Phước Hòa và Mang Yang… với hình thức ưu tiên tự thực hiện. Hình thành ít nhất 3 chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm, cụ thể: chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ chuối giữa VRG với Công ty Hanla Việt Nam (Hàn Quốc); chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ bắp lấy hạt giữa VRG với Công ty C.P Việt Nam; chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm thức ăn chăn nuôi (bắp sinh khối, ủ chua) giữa VRG với các trang trại chăn nuôi lớn tại Việt Nam và phục vụ xuất khẩu.

Tăng năng suất cây trồng lên ít nhất 30% so với phương pháp canh tác truyền thống. Đảm bảo chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn, đảm bảo chất lượng xuất khẩu và các tiêu chuẩn quốc tế khác. Định hướng giai đoạn 2026 – 2030, tổng diện tích nông nghiệp quy mô lớn, giá trị cao đến hết năm 2030 dự kiến 36.227 ha. Trong đó, cây chuối nâng tổng quy mô lên mức 5.000 ha, địa điểm thực hiện tại các khu vực thuận lợi (điều kiện tưới tiêu, thổ nhưỡng) trọng điểm tại các công ty Phú Riềng, Bình Long, Lộc Ninh, Chư Sê, Mang Yang, Chư Prông, Đồng Phú… Cây bắp thực hiện đa dạng sản phẩm lấy hạt, lấy sinh khối, ủ chua với quy mô khoảng 30.000 ha, định hướng sản phẩm chuyển dịch sang chế biến thức ăn gia súc để tăng giá trị; quỹ đất dành cho phát triển cây bắp bao gồm: đất luân canh khoảng 9.400 ha (trích từ 30% kế hoạch tái canh hàng năm), đất chuyển đổi 5.000 ha (chuyển đổi từ đất không thích hợp trồng cao su sang do các công ty đã đăng ký), đất xen canh 5.500 ha (xen canh dài hạn theo khoảng).

Bên cạnh đó, Tập đoàn tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm các loại cây trồng khác phù hợp nhằm đa dạng hóa các loại cây trồng, hạn chế phụ thuộc vào thị trường và tăng cường sự ổn định, giúp giảm thiểu rủi ro từ biến động giá cả, tăng khả năng khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên đất đai, nước và nhân lực. Tăng năng suất cây trồng lên ít nhất 40% so với phương pháp canh tác truyền thống. Đảm bảo chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn, đảm bảo chất lượng xuất khẩu và các tiêu chuẩn quốc tế khác, thực hiện truy xuất nguồn gốc.

Tập đoàn sẽ hình thành 1-2 khu hoặc vùng NNUDCNC hoạt động theo cơ chế kinh doanh hạ tầng tại Đông Nam bộ. Vị trí có thể xem xét thực hiện tại Cao su Dầu Tiếng và Phước Hòa với quy mô mỗi khu từ 500 – 1.000 ha, mục tiêu xây dựng kinh doanh hạ tầng khu nông nghiệp trên đất đã được địa phương quy hoạch khu NNUDCNC. Phấn đấu hình thức nông nghiệp quy mô lớn, giá trị cao trở thành lĩnh vực có đóng góp quan trọng doanh thu của Tập đoàn.

Tầm nhìn đến năm 2035 thực hiện hướng tăng về chất lượng, giá trị. Dựa vào các loại cây trồng chính đang canh tác, cây nào có giá trị cao, lợi nhuận tốt, có thị trường tiêu thụ, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thì ưu tiên phát triển và thay thế cho loại cây trồng còn lại.

Về giải pháp công nghệ cao, Tập đoàn sẽ áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT) để giám sát môi trường và tự động hóa quy trình. Sử dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc. Cơ giới và drone hỗ trợ gieo hạt, thu hoạch và phun thuốc. Công nghệ sinh học với giống cây trồng biến đổi gen và phân bón sinh học nâng cao năng suất. Hệ thống tưới nhỏ giọt, hệ thống tưới phun mua, Pivot tiết kiệm nước được ứng dụng tùy vào điều kiện cụ thể. Phân tích dữ liệu thị trường và dự báo giá cả giúp điều chỉnh kế hoạch sản xuất. Tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo như điện năng lượng mặt trời và điện gió.

Về thị trường và xây dựng thương hiệu, Tập đoàn có kinh nghiệm xây dựng chiến lược tiếp thị và quảng bá sản phẩm ra thị trường trong và ngoài nước. Bên cạnh sản phẩm về cao su thiên nhiên, các sản phẩm nông nghiệp khác có thể tìm kiếm kênh tiêu thụ thuận lợi nhờ vị thế về thương hiệu, quy mô doanh nghiệp. Trong đó, các đơn vị thành viên của VRG cũng chủ động tiếp xúc đối tác có tiềm năng để tạo ra thị trường cho sản phẩm cụ thể của đơn vị. Song song với việc phát triển thị trường, VRG sẽ tập trung xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm NNUDCN, nhằm nâng cao giá trị thương hiệu và tạo dựng niềm tin vững chắc từ phía đối tác, người tiêu dùng.

Tập đoàn đóng vai trò chỉ đạo, quản lý thống nhất các dự án phát triển nông nghiệp quy mô lớn, giá trị cao. Tổ chức thẩm định, phê duyệt, thỏa thuận từng dự án cụ thể. Thông qua người đại diện vốn để quản lý và giám sát quá trình thực hiện, đảm bảo đúng tiến độ và đạt hiệu quả theo kế hoạch. Các công ty thành viên trên định hướng chung để xây dựng dự án cụ thể, giữ vai trò là chủ đầu tư và chịu trách nhiệm với Tập đoàn về hiệu quả của dự án.

– Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!

THIÊN HƯƠNG (thực hiện)