Điều lệ công ty cổ phần: Cơ sở pháp lý quan trọng sau cổ phần hóa

CSVN – Trong quá trình thực hiện cổ phần hóa (CPH) Công ty mẹ – Tập đoàn, song song việc xây dựng Phương án CPH trình cấp trên phê duyệt, VRG cũng đã xây dựng Dự thảo Điều lệ tổ chức và  hoạt động của công ty cổ phần. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng của Tập đoàn sau CPH.
Kế hoạch kinh doanh cao su của riêng Công ty mẹ - Tập đoàn trong 3 năm tới phải đạt hơn 1.000 tỷ đồng. Ảnh: Võ Văn Bằng
Kế hoạch kinh doanh cao su của riêng Công ty mẹ – Tập đoàn trong 3 năm tới phải đạt hơn 1.000 tỷ đồng. Ảnh: Võ Văn Bằng
Điều lệ hoạt động: 12  chương, 90 điều

Theo ông Trần Đức Thuận – Thành viên HĐTV VRG, Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn là một trong những văn bản quan trọng nhất trong việc điều hành và quản lý. “Điều lệ quy định những vấn đề cốt lõi và nền tảng cho sự vận hành của Tập đoàn về cơ cấu tổ chức quản lý; thẩm quyền và thể thức thông qua các quyết định của bộ máy điều hành; nguyên tắc phân chia lợi nhuận…. do tầm quan trọng của điều lệ, Tập đoàn đã rất quan tâm trong việc xây dựng dự thảo điều lệ Công ty mẹ – Tập đoàn”, ông Thuận cho biết.

Dự thảo Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Cao su Việt Nam – Công ty cổ phần có 12 chương, các chương được cụ thể hóa thành 90 điều. Trong đó, Chương 1: Quy định chung; Chương 2: Vốn điều lệ, cổ phần, cổ đông; Chương 3: Cơ cấu tổ chức, quản lý và kiểm soát; Chương 4: Quyền điều tra sổ sách và hồ sơ; Chương 5: Công nhân viên và Công đoàn; Chương 6: Quan hệ của Tập đoàn với các đơn vị thành viên; Chương 7: Phân phối lợi nhuận; Chương 8: Cơ chế tài chính, hệ thống kế toán và năm tài chính; Chương 9: Báo cáo thường niên, trách nhiệm công bố thông tin, thông báo ra công chúng; Chương 10: Kiểm toán, con dấu và bảo mật; Chương 11: Chấm dứt hoạt động, thanh lý và giải quyết tranh chấp và Chương 12: Điều khoản chung.

Theo đánh giá, dự thảo Điều lệ công ty CP được biên soạn có tính kế thừa điều lệ trước CPH, phù hợp Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, và đặc biệt đã áp dụng mô hình quản trị với công ty đại chúng quy mô lớn, phù hợp với những DN niêm yết trên thị trường chứng khoán. Nhiều quy định được sửa đổi, bổ sung, hạn chế tối đa các xung đột lợi ích giữa người điều hành, Hội đồng Quản trị, Ban Kiểm soát với hoạt động của DN, nhằm hướng tới sự minh bạch, bảo vệ lợi ích của những cổ đông nhỏ; hỗ trợ và tạo điều kiện để DN phát triển sau CPH.

Chia cổ tức dự kiến 10% vào năm 2020

Theo phương án CPH, kế hoạch sản xuất kinh doanh riêng của Công ty mẹ – Tập đoàn, trong 3 năm (2018 – 2020) với tổng doanh thu 15.900 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 14.332 tỷ đồng; tỷ lệ chia cổ tức dự kiến tăng dần qua các năm. Cụ thể, năm 2018 chia 6%, sang năm 2019 tăng lên 8% và đến năm 2020 tương đương 10%.

Về kế hoạch kinh doanh đến 2020 toàn VRG, mục tiêu tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận trung bình 15%/năm với tổng doanh thu đạt trên 40.000 tỷ. Riêng lợi nhuận trước thuế sẽ tăng dần từ 7.815 tỷ đồng năm 2018 lên 9.278 tỷ đồng năm 2019 và tăng lên 11.587 tỷ đồng vào năm 2020.

Theo lộ trình thực hiện, sau khi phương án CPH Công ty mẹ – Tập đoàn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Tập đoàn tổ chức bán đấu giá cổ phần công khai trong thời gian 45 ngày. Tổ chức bán cổ phần ưu đãi cho NLĐ, tổ chức công đoàn và bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược trong 60 ngày.

VRG sẽ tổ chức ra mắt công ty cổ phần, trong vòng 30 ngày, kể từ ngày chính thức có Giấy chứng nhận đăng ký DN. Trong vòng 90 ngày kể từ ngày chính thức có Giấy chứng nhận đăng ký DN, sẽ tổ chức quyết toán, bàn giao giữa Công ty mẹ – Tập đoàn và công ty cổ phần.

Bình Nguyên