CSVN – Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng luôn hoàn thành kế hoạch sản lượng Tập đoàn giao, 18 năm liền nằm trong Câu lạc bộ 2 tấn của VRG. Đặc biệt, năng suất vườn cây 5 năm gần nhất duy trì ổn định 2,26 tấn/ha, năng suất lao động bình quân trên 8,8 tấn/người.
Đồng bộ các giải pháp tăng năng suất vườn cây
Cao su Phú Riềng đang quản lý 19.600,15 ha đất nông nghiệp. Trong đó, diện tích đất trồng cao su 18.965,49 ha, diện tích đất nông nghiệp khác 479,17 ha và 155,49 ha đất lâm nghiệp. Thời gian qua, công ty đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng năng suất vườn cây, duy trì ổn định năng suất trên 2 tấn/ha, nâng cao năng suất lao động.
Ông Nguyễn Duy Chinh – Phó TGĐ Cao su Phú Riềng, chia sẻ, việc xây dựng lộ trình thanh lý tái canh vườn cây được công ty đặc biệt quan tâm thực hiện nhằm đảm bảo cơ cấu vườn cây (kinh doanh – KTCB) luôn đạt mức tối ưu nhất (70 – 30%), cân đối tỷ lệ diện tích tái canh và đưa vào mở cạo hàng năm, ổn định cơ cấu vườn cây trong cả chu kỳ dài hạn. Lộ trình thanh lý tái canh khi xây dựng đảm bảo tỷ lệ diện tích thanh lý để tái canh hàng năm từ 8 – 10% tổng diện tích vườn cây cao su kinh doanh.
Công ty luôn chấp hành nghiêm QTKT khai thác của Tập đoàn. Tổ chức chặt chẽ và duy trì hiệu quả hoạt động của mạng lưới kiểm tra kỹ thuật khai thác. Đặc biệt, công ty tuyệt đối không dùng ánh sáng đèn để cạo sớm, từ đó góp phần giữ vững QTKT và đảm bảo sức khỏe cho công nhân. Đồng thời, sắp xếp lao động hợp lý, bố trí phần cây, số cây cạo thích hợp tùy theo từng nhóm vườn cây và theo trình độ tay nghề lao động nhằm đảm bảo thời gian cạo xong phần cây sớm, kéo dài thời gian chảy mủ, góp phần tăng năng suất vườn cây, năng suất lao động.
Quản lý suất đầu tư hiệu quả
Xác định cây giống là yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng vườn cây tái canh, KTCB và năng suất, sản lượng của vườn cây kinh doanh. Do đó, công ty rất quan tâm, chú trọng trong công tác sản xuất cây giống. Vườn giống được quản lý chặt chẽ, đúng quy trình, thanh lọc loại bỏ các giống đã bộc lộ yếu điểm về sinh trưởng, khả năng chống chịu sâu bệnh và năng suất kém để thay thế bằng các giống mới tiến bộ, có nhiều ưu điểm vượt trội, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của công ty. Song song đó, công tác trồng tái canh và định hình vườn cây ngay từ năm đầu được công ty thực hiện hiệu quả, bình quân trong 5 năm (từ năm 2019 – 2023) tỷ lệ sống và cây đạt 3 tầng lá đạt 100%; cây 4 tầng lá đạt 45,2%; cây 5 tầng lá đạt 41,7%.
Đặc biệt, công ty tăng cường áp dụng cơ giới hoá trong công tác chuẩn bị đất, chăm sóc, bón phân, phòng trị bệnh trên vườn cây để đem lại hiệu quả kinh tế, rút ngắn thời gian làm việc cho công nhân, nâng cao năng suất lao động, từ đó giảm chi phí suất đầu tư. Đẩy mạnh công tác trồng xen canh cây ngắn ngày trên vườn cây cao su tái canh và KTCB năm thứ 2 và 3, nhằm tiết giảm một phần chi phí chăm sóc hàng 4m. Chi phí công chăm sóc tiết kiệm được công ty ưu tiên điều tiết cho các diện tích vườn cây có chất lượng đất xấu và các đơn vị gặp khó khăn trong quá trình thực hiện.
Bên cạnh đó, công ty tổ chức phân công lao động hợp lý, lao động khai thác mủ được huy động để thực hiện thêm các công việc trồng tái canh, chăm sóc vườn cây KTCB, phòng trị bệnh… vừa để tăng thu nhập cho công nhân và gia đình, đồng thời tiết giảm các khoản chi phí khác có liên quan cho công ty.
THẢO MY
Related posts:
- Cao su Bà Rịa Kampong Thom: Điển hình câu lạc bộ 2 tấn khu vực Campuchia
- Công nhân cao su kiếm trên 20 triệu đồng từ quả đười ươi
- Cao su Chư Sê tổ chức diễn tập chiến đấu trong khu vực phòng thủ
- Nông trường Hà Tây có 5 năm liên tục là thành viên Câu lạc bộ 2 tấn của VRG
- Thi đua vượt khó ở Cao su Bình Thuận
- Cao su Chư Sê Kampong Thom sôi nổi giải bóng chuyền và các trò chơi dân gian chào mừng Lễ Phchum Ben
- Cao su Quasa - Geruco phấn đấu khai thác 8.600 tấn mủ năm 2024
- Mùa xuân trên nông trường cà phê
- Tại sao nông dân chưa thể làm giàu từ cây cao su?
- Cao su Phú Thịnh dự kiến vượt 20% kế hoạch sản lượng