Tại sao nông dân chưa thể làm giàu từ cây cao su?

CSVN – Số hộ nông dân “theo” cây cao su rất nhiều, nhưng số người khá lên nhờ cây trồng được mệnh danh là “vàng trắng” rất ít. Vì đâu nên nỗi?
Nông dân ở Gia Lai chặt bỏ vườn cao su chuẩn bị khai thác. Ảnh: Văn Vĩnh
Nông dân ở Gia Lai chặt bỏ vườn cao su chuẩn bị khai thác. Ảnh: Văn Vĩnh
 Hơn 6.000 ha cao su bị chặt bỏ trong năm 2015

Theo Bộ NN & PTNT, chỉ trong vòng 1 năm qua, cả nước có hơn 6.000 ha cao su bị chặt bỏ hoặc chuyển đổi sang cây trồng khác do giá mủ cao su xuống quá thấp. Bình Phước và Tây Ninh là hai địa phương có diện tích cao su chặt bỏ nhiều nhất, mỗi tỉnh khoảng 1.800 ha.

Anh Lê Minh Tùng (Lộc Ninh, Bình Phước) cho biết dù cao su đã đến tuổi cạo mủ nhưng gia đình anh không thu hoạch cũng không đầu tư chăm sóc nữa, bởi với giá mủ hiện nay sau khi trừ công thợ, tiền phân bón… gia đình anh không có lời, thậm chí lỗ. Hiện nay, trung bình 1 ha cao su được chăm sóc tốt cho khoảng 60kg mủ nước. Giá bán 6.500 – 6.700 đồng/ kg mủ nước, mỗi hecta sau khi trừ tiền công cạo (160.000 – 170.000 đồng), chủ vườn còn lại khoảng 200.000 đồng/ lần cạo.

Do cầm chắc lỗ nên những hộ nào không có công nhà đều không khai thác hay chăm bón vườn cây. Không chỉ vườn cây già cỗi, năng suất kém bị đốn bỏ mà cả những vườn cây cao su đang sung sức cho mủ cũng bị chặt bỏ. An ủi cho nông dân là khi thanh lý vườn cây, họ cũng thu được một khoản tiền kha khá nhờ bán gỗ cao su, trung bình từ 140 – 160 triệu đồng/ha.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước, thời gian qua trên địa bàn có tới hơn 1.800 ha cao su bị chặt bỏ để chuyển sang trồng các loại cây trồng khác, trong đó chủ yếu là hồ tiêu (1.000ha), điều, cây ăn trái… và mục đích khác. Còn tại Bình Dương, các doanh nghiệp và hộ dân cũng đã chặt bỏ gần 2.400 ha cao su do giá mủ xuống thấp. Trong khi đó, nhiều hộ dân tại Đắk Nông tỉa cành, chắn rễ cao su để làm trụ sống trồng tiêu.

Không thể khá, nếu cứ luẩn quẩn

Chúng ta đều biết rằng, nguyên nhân người dân chặt bỏ cây cao su là do giá cao su xuống thấp trong khi chi phí đầu vào (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động…) luôn cao nên ít có lãi, chưa kể nhiều diện tích cao su được trồng trên những vùng đất không thích hợp nên hiệu quả kinh tế kém. Bởi vậy nên dù hiện cao su tiểu điền ở nước ta chiếm trên 50% diện tích cao su cả nước, nhưng có rất ít hộ nông dân giàu lên từ cây cao su và dám “ăn đời ở kiếp” với loài cây được mệnh danh “vàng trắng” này.

Điệp khúc “trồng chặt, chặt trồng” của nông dân lại tiếp tục.
Điệp khúc “trồng chặt, chặt trồng” của nông dân lại tiếp tục.

Lấy ví dụ ở Bình Phước – tỉnh có diện tích cao su lớn nhất nước ta với khoảng 230.000 ha cao su sẽ thấy. Khi giá cao su lên cao trong năm 2011- 2012, chỉ có một lượng nhỏ hộ nông dân trồng cao su có quy mô khá và đang khai thác khi đó phất lên. Nhiều hộ khác khi đó thấy cao su “ngon ăn” đã chặt bỏ cây tiêu, điều, hoa màu… để đổ xô sang trồng cây cao su.

Sau bao năm đổ công sức tiền của chăm sóc, đến nay khi vườn cây đưa vào mở cạo thì giá mủ lại rẻ bèo, thế là họ rơi vào cảnh lao đao, “bỏ thì thương, vương thì tội”. Điệp khúc “trồng chặt, chặt trồng” của nông dân trồng cao su ở Bình Phước nói riêng, các địa phương khác nói chung, đã khiến họ không thể phát đạt, thậm chí là nghèo đi. Thực tế, giá xuất khẩu giảm không phải là cội rễ vấn đề.

Cái đáng nói ở đây là bà con nông dân luôn bị tâm lý về mặt giá cả đồng thời có xu hướng chạy theo đám đông. Khi nghe một vài thông tin giá cao su giảm và một vài hộ bắt đầu chặt cao su thì hàng loạt các hộ trồng cao su khác lập tức đốn bỏ.

Chính một lãnh đạo Sở NN&PTNT Bình Phước từng thừa nhận: “Bình Phước là nơi có lợi thế nhất cả nước về cây cao su. Phải nói rằng, nếu cao su của Bình Phước mà không còn hiệu quả nữa thì tôi tin là nơi khác cũng không có hiệu quả tốt hơn”.

Chứng kiến cảnh nông dân mạnh tay đốn bỏ cao su, các cơ quan chức năng cũng chỉ biết khuyến cáo nông dân không nên chặt bỏ vườn cây mà nên tập trung tái canh vườn cây hết tuổi khai thác hoặc rút ngắn vườn cây gần hết tuổi khai thác bằng giống mới năng suất chất lượng cao. Ngay bản thân những người vận động nông dân đừng chặt bỏ cao su, cũng “cứng lưỡi” khi người nông dân chất vấn: Bảo họ giữ vườn cây, nếu giá mủ cứ xuống thấp và bị lỗ thì ai sẽ bù? Câu hỏi tưởng đơn giản, nhưng không dễ tìm ra đáp án xác đáng.

Trung Kiên