Công nhân cao su kiếm trên 20 triệu đồng từ quả đười ươi

CSVN – Tại Công ty CPCS Sa Thầy, ngoài công việc chính là chăm sóc vườn cây cao su, người công nhân (CN) còn làm rất nhiều công việc khác để tăng thu nhập như trồng bí đỏ, khoai mì và một số cây ngắn ngày khác…. dọc theo các bờ lô cao su, hợp thủy. Tuy nhiên, CN ở đây còn có một công việc khác mang lại thu nhập rất cao, lên đến 20 – 30 triệu đồng chỉ trong thời gian một tháng, đó là đi hái lượm quả ươi.

Mời nghe đọc bài:

Chị Hà Thị Phia với những quả ươi còn lại trong nhà.
Chị Hà Thị Phia với những quả ươi còn lại trong nhà.

Quả ươi, hay còn có tên gọi khác là quả đười ươi, hạt lười ươi, hạt ươi bay…, theo dân gian, là một loại quả rất quý để chữa trị một số bệnh về nhiệt như nóng sốt, ho khan, đau họng, nhức răng, đau mắt đỏ… Cây sống chủ yếu ở một số rừng nguyên sinh, rừng già.

Chúng tôi tìm đến nhà vợ chồng CN Hà Văn Thoát và chị Hà Thị Phia, ở Tổ 4 – NT Suối Đá để hiểu thêm về công việc này. Trong ngôi nhà sàn khá kiên cố được làm từ những cây gỗ tự nhiên tận dụng từ việc khai hoang trồng cao su của công ty, chị Hà Thị Phia mang cho chúng tôi xem một ít quả ươi còn lại sau vụ thu hoạch rồi cho hay: Đây là năm được mùa, nên nhiều CN ở đây bán được 20 – 30 triệu đồng chỉ trong khoảng một tháng đi hái lượm.

Nhiều người cho biết, chu kỳ để quả ươi này cho mùa bội thu khoảng 5 – 6 năm mới được một lần. Thường thì rơi vào năm hạn sẽ là năm được mùa ươi, bởi nếu mưa đến sớm ươi sẽ bị thấm nước và nở sớm, quả bị hư hại nặng nên không nhiều. Ươi có giá trị nhất là loại ươi bay, tức là quả ươi đã chín và rụng khỏi cây bay khắp nơi trong không gian, lượm được những quả này thì giá trị càng cao.

Quả đười ươi.
Quả đười ươi.

CN Hà Văn Thoát kể về lần đầu biết đến loại quả này: “Năm 2010, khi chúng tôi vào đây lập nghiệp được một thời gian thì có người em ở huyện Ngọc Hồi đến chơi và phát hiện ra quả ươi, rồi cậu ấy chỉ cho chúng tôi đi lượm quả ươi bay và bán cho một số người thu mua. Năm ấy, là một năm được mùa lại được giá và ít người biết đến loại quả có giá trị này nên vợ chồng tôi cũng thu nhập được vài chục triệu từ quả ươi này chỉ trong khoảng một tháng”

Dẫu vậy, ươi chỉ ra hoa và kết trái vào những ngày đầu năm âm lịch, tức từ tháng 2 – 4 dương lịch là hết mùa. Công việc thu hái lượm quả ươi cũng tập trung, sôi động vào thời gian này. Anh Thoát cho biết thêm: “Năm 2016 là một năm được mùa ươi, may mà có nguồn thu nhập chứ làm CN chăm sóc cao su, lương của 2 vợ chồng không bao nhiêu, làm mì, trồng đậu, bắp thì cũng theo mùa… Mỗi thứ bổ sung cho nhau một chút nên cuộc sống gia đình tôi giờ có thể gọi là ổn định. Vừa rồi, các thương lái đến tận nơi mua với giá 120 ngàn đồng/kg, gia đình tôi cũng kiếm được 26 triệu đồng trong mùa ươi này, ở đây có một số gia đình còn được nhiều hơn, khoảng gần 40 triệu đồng”.

Sau giờ lao động mệt nhọc anh Hà Văn Thoát lại thưởng thức một ly nước ươi để giúp giải nhiệt, bớt mệt mỏi.
Sau giờ lao động mệt nhọc anh Hà Văn Thoát lại thưởng thức một ly nước ươi để giúp giải nhiệt, bớt mệt mỏi.

Ông Đỗ Thanh Nam – TGĐ Công ty CP Cao su Sa Thầy với sự phấn khích, bộc bạch: “Chúng tôi hết sức vui mừng khi biết được người CN mình có thêm khoản thu nhập kha khá từ công việc thu lượm quả ươi. Trong khi giá cao su thấp, cao su của công ty chủ yếu là kiến thiết cơ bản thì lương CN không nhiều. Chúng tôi đã khuyến khích CN, gia thuộc tích cực trồng thêm một số cây trồng ngắn ngày tại các bờ lô, khe suối để tăng thu nhập trong thời gian chờ cao su đưa vào khai thác. Vì thế, người CN có thu nhập khá cao trong công việc này là tín hiệu tốt để họ gắn bó với công ty, và là nguồn lực lao động dự phòng quan trọng trong thời gian tới, khi công ty đưa hàng ngàn ha cao su vào khai thác”.

Trong buổi trò chuyện cùng CN, trong số 10 người thì có đến 8 CN nói về công việc thu lượm ươi. Họ vui vẻ, thích thú và chờ đợi mùa ươi tới sẽ tiếp tục là nguồn thu nhập quan trọng trong đời sống, trong khi chờ đợi trở thành một người thợ khai thác mủ cao su.

 Bài, ảnh: Văn Vĩnh