CSVN – Đó là chia sẻ của ông Lê Văn Lâm – Tổng Giám đốc Công ty CPCS Đồng Nai – Kratie về ý nghĩa của việc tổ chức đối thoại với NLĐ.
Những năm gần đây, Công ty CPCS Đồng Nai – Kratie liên tục nằm trong top đầu các đơn vị về trước kế hoạch sản lượng tại khu vực Campuchia, đặc biệt năm 2022 công ty là đơn vị đầu tiên về trước kế hoạch. Đạt được kết quả này, ngoài việc triển khai quyết liệt quy trình kỹ thuật trong chăm sóc, khai thác vườn cây, công ty còn thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống NLĐ, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở. Công ty thường xuyên tổ chức đối thoại định kỳ với NLĐ để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và kịp thời giải đáp những thắc mắc, kiến nghị để NLĐ yên tâm công tác, gắn bó với đơn vị.
Hiện nay, công ty quản lý 6.523 ha cao su, trong đó 4.944 ha cao su vườn cây kinh doanh, tổng số lao động của đơn vị 918 người. Năm 2022, thu nhập bình quân đạt hơn 8,5 triệu đồng/người/tháng, vượt gần 46% so với kế hoạch đề ra. Ngoài việc đảm bảo tiền lương, thưởng, công ty cũng đảm bảo các chế độ, chính sách khác cho NLĐ. Bên cạnh đó, ngay trong vùng dự án, siêu thị và cây xăng được công ty xây dựng để phục vụ nhu cầu cho bà con công nhân. Giờ đây, bà con không cần đi xa để mua thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt nữa. Mỗi ngày sau giờ trên lô, bà con đến mua sắm với phiếu mua hàng và đến cuối tháng lãnh lương sẽ thanh toán cho siêu thị.
Ông Lê Văn Lâm – TGĐ công ty cho biết: “Để thực hiện tốt nhiệm vụ các cấp giao, điều quan trọng đó là phải có sự quyết tâm, thống nhất, đoàn kết trong toàn đơn vị, nhất là công sức rất lớn của NLĐ.
Do đó, ban lãnh đạo công ty luôn chú trọng cải thiện môi trường làm việc để NLĐ cảm thấy thoải mái, vui vẻ khi làm việc. Đặc biệt, việc thực hiện quy chế dân chủ trong đơn vị được chú trọng thực hiện vì đây là chìa khóa giúp đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ SXKD, các buổi đối thoại định kỳ được tổ chức thiết thực, hiệu quả và mang lại kết quả rất tích cực. Nhờ đó, bà con rất tin tưởng vào sự phát triển của dự án, hai năm gần đây số lượng bà con xin vào làm việc tại đơn vị ngày càng nhiều”.
Ở cấp nông trường, lãnh đạo đơn vị sẽ tổ chức gặp gỡ NLĐ 1 lần/ tháng để ghi nhận ý kiến của NLĐ. Đối với các kiến nghị trong quyền hạn thì lãnh đạo nông trường sẽ giải quyết ngay cho NLĐ. Đối với các kiến nghị đến cấp trên, nông trường sẽ trình xin ý kiến của ban giám đốc công ty và có phản hồi trong thời gian sớm nhất cho NLĐ. Ngoài ra, công ty sẽ tổ chức đối thoại với đông đảo NLĐ một quý/ lần để NLĐ trực tiếp được trình bày ý kiến lên Tổng giám đốc và những bộ phận liên quan. Không chỉ tổ chức đối thoại định kỳ theo quy định của cấp trên, lãnh đạo công ty, nông trường và tổ trưởng thường xuyên bám sát vườn cây, kiểm tra tay nghề kỹ thuật của NLĐ, đây cũng là dịp thăm hỏi, động viên và lắng nghe chia sẻ của NLĐ để nhanh chóng cải thiện môi trường làm việc và hỗ trợ NLĐ khó khăn trong cuộc sống.
Anh Sak Sey – Công nhân Nông trường 1 chia sẻ: “Lãnh đạo các cấp rất quan tâm đến công việc và cuộc sống của bà con công nhân. Các chế độ, chính sách luôn được thực hiện đầy đủ. Các thắc mắc, kiến nghị của chúng tôi luôn được lãnh đạo trả lời thoả đáng tại các buổi đối thoại định kỳ. NLĐ xuất sắc được biểu dương và khen thưởng tại các buổi đối thoại này, đây là hoạt động rất có ý nghĩa với chúng tôi. Lương, thưởng được tính theo năng suất lao động và các chế độ phúc lợi tốt nên chúng tôi đã vận động anh chị em bà con vào làm công nhân cao su để có cuộc sống tốt hơn”.
MINH NHIÊN
Related posts:
- Tháng công nhân: Tháng của người lao động ngành cao su
- Người lao động chất vấn 4.351 ý kiến tại các buổi đối thoại
- Chuyển giao Chi bộ Công ty CPCS Chư Sê – Kampong Thom về Đảng ủy VRG
- Công đoàn Cao su Việt Nam họp mặt cán bộ hưu trí mừng xuân Giáp Thìn 2024
- VRG tham gia giải chạy chào mừng 5 năm thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp
- Nguyễn Ngọc Tuấn - Tác giả của nhiều sáng kiến hữu ích
- Đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
- Công đoàn các công ty khu vực Tây Nguyên góp phần cùng đơn vị hoàn thành nhiệm vụ
- Công đoàn Cao su Bình Long tổng kết Tháng Công nhân năm 2024
- Doanh nghiệp phải xem người lao động là thành viên "hữu cơ"