CSVN – Ngày 28/10/2021, đúng vào dịp kỷ niệm 92 năm ngày truyền thống ngành cao su Việt Nam, một niềm vui và vinh dự lớn đến với anh Nguyễn Ngọc Tuấn – Tổ trưởng tổ KCS thuộc phòng quản lý chất lượng sản phẩm Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê khi anh được nhận giải thưởng “Cao su Việt Nam”.
Gặp chúng tôi, anh nói: “Nhận được giải thưởng Cao su Việt Nam tôi rất vui và vinh dự vì đợt khen thưởng nhân dịp kỷ niệm 92 năm ngày truyền thống ngành chỉ có 8 cá nhân được nhận giải thưởng này, trong đó có tôi”.
Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su, anh vào công tác tại Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê. Trải qua nhiều công việc khác nhau nhưng ở vị trí nào anh luôn luôn có tinh thần hăng say lao động, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng công việc tại đơn vị. Đặc biệt với mong muốn đồng hành cùng sự phát triển của doanh nghiệp, anh có nhiều sáng kiến hay, không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn giúp anh thỏa sức khởi nguồn cho những sáng tạo trong lao động.
Trong quá trình công tác anh đã tham gia các đề tài sáng kiến cải tiến như: Nâng cao chất lượng mủ thành phẩm SVR 3L của Nông trường IaLâu; Nâng cao chỉ số PRI của mủ SVR10; Nghiên cứu áp dụng việc hạ hàm lượng Nitơ trong sản xuất mủ RSS; Góp ý cải tiến trong công tác thực hiện hệ thống ISO…
Trong các sáng kiến của mình anh tâm đắc nhất với sáng kiến “Nâng cao chất lượng mủ thành phẩm được chế biến từ mủ nước latex của Nông trường Ia Lâu”. Với đặc thù vườn cây cách xa công ty trên 70km, giống cây chủ yếu là giống PB 260 chiếm 40%, vườn cây cũng có giống cây PB 107 có mủ nước thường hóa đen khi bị oxy hóa.
Trong những ngày đầu nhập mủ nước xảy ra nhiều tình huống ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng, thậm chí có lúc phải lấy mủ nước sản xuất SVR 10. Vì vậy mà mủ nước từ vườn cây về nhà máy đánh đông cần một lượng acid lớn, 14kg/tấn (gấp 3 lần định mức). Bề mặt mủ khối đông nhuộm lấm tấm màu đen. Thành phẩm có nhiều “ổ đen” tràn ra hết bề mặt bành mủ, chỉ số Po, PRI quá thấp…
Sau nhiều ngày trăn trở, tìm hiểu, anh đã có sáng kiến cải tiến quy trình chế biến từ mủ latex đưa đến hồ quậy để phối trộn với Bisulf Natri rồi đánh đông sau đó chế biến như mủ SVR 3L. Sáng kiến này được áp dụng thực tiễn trong 2 tháng với lợi nhuận mang lại trên 7 triệu đồng/ tấn. NLĐ cũng được tăng thu nhập gần 164.000đ/tấn. Năm 2021, với 90 tấn sản phẩm đã mang lại lợi nhuận hơn 700 triệu đồng.
Ông Vương Đức Thông – Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết: “Giải thưởng Cao su Việt Nam đã khuyến khích và là động lực thúc đẩy phong trào thi đua lao động sáng tạo của tập thể NLĐ công ty. Anh Tuấn là một trong những đại diện của thế hệ đã và đang tiếp bước truyền thống anh hùng của Cao su Chư Sê. Chúng tôi tin tưởng rằng, với nhiệt huyết, trách nhiệm với công việc, trong thời gian tới, anh Tuấn sẽ tiếp tục có nhiều sáng kiến, giải pháp kỹ thuật được ứng dụng vào thực tiễn, mang lại hiệu quả lớn cho đơn vị”.
Theo anh Tuấn, để có được những sáng kiến hữu ích, tất cả đều nhờ vào vai trò tập thể, sự tạo điều kiện của ban lãnh đạo công ty và sự ủng hộ của Công đoàn công ty thông qua việc phát động các phong trào thi đua lao động, tạo điều kiện để NLĐ có cơ hội thử sức, tiếp cận với những cách làm mới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn trong thời đại công nghệ ngày càng phát triển trên từng lĩnh vực. “Tôi sẽ tiếp tục nỗ lực và không ngừng tìm tòi, sáng tạo để có những sáng kiến mới đem lại hiệu quả trong lao động sản xuất”, anh nói.
HÀ ĐỨC THÀNH
Related posts:
- Cần có chiến lược phát triển sản phẩm trong 5 năm tới
- Hiệu quả từ cây cao su trên quê hương Bác
- Nâng cao vai trò của cao su tiểu điền trong chuỗi cung ứng
- VRG Khải Hoàn có kết quả sản xuất kinh doanh vượt trội
- Học và làm theo Bác là việc làm thường xuyên, tự giác
- Quyết liệt nhiều giải pháp hoàn thành 245.000 tấn mủ
- Lan tỏa tinh thần thi đua
- Thi đua yêu nước góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất
- Sáng kiến trong chế tạo lò sấy cao su: Hạ giá thành sản phẩm, thân thiện với môi trường
- Cao su Hoàng Anh Mang Yang K thực hiện nghiêm 8 hạng mục để phấn đấu vượt sản lượng