“Mùa vàng” ấn tượng

CSVNO – Hội thi Bàn tay vàng lần thứ XIV đi qua nhưng dư âm sẽ còn vang mãi, đó không chỉ là dấu ấn về kết quả của hội thi mà còn là động lực của thợ giỏi, để lại dấu ấn không thể nào quên trong hành trình nghề nghiệp. Hội thi không chỉ là nơi cạnh tranh “so tài” giữa các thợ giỏi với nhau, giữa các đội với nhau mà còn là kết tinh nét đẹp văn hóa truyền thống của công nhân cao su.

Ông Trần Công Kha – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT VRG trao cờ truyền thống hội thi cho Cao su Bình Long – đơn vị đăng cai hội thi lần thứ XV năm 2026

Năm 2024, đánh dấu một bước tiến vượt bậc trong công tác tổ chức với việc ứng dụng toàn diện công nghệ trong đăng ký, theo dõi thông tin thí sinh và chấm thi, nâng chuẩn đánh giá lên 5 cây/phần thi, và tối ưu hóa quy mô số thí sinh chính thức thành 03 thi sinh chính thức/đội thi. Những đổi mới này không chỉ nâng cao tính chuyên nghiệp của hội thi mà còn khẳng định tầm nhìn hiện đại, chuyên nghiệp, sáng tạo, và luôn sẵn sàng thích ứng với những thách thức mới trong thời kỳ hiện đại hóa.

Hội thi năm nay đã ghi dấu một số thay đổi và những con số thống kê lịch sử với những thành tích chưa từng có. Lần đầu tiên trong 14 kỳ thi, chúng ta chứng kiến 9 công ty xuất sắc cùng vươn tới đỉnh cao của nghề với tổng điểm tuyệt đối. Với 87,2% thí sinh chính thức đạt giải thưởng, hội thi đã khẳng định sự phát triển vượt bậc về chất lượng nguồn nhân lực ngành cao su.

Niềm tự hào đặc biệt thuộc về thí sinh Lù Thị Vân – người con gái dân tộc Thái đến từ Công ty CP Cao su Mường Nhé – Điện Biên, đã xuất sắc đạt giải nhất hội thi. Thành tích này, cùng với sự tỏa sáng của các thí sinh đến từ nhiều vùng miền khác nhau như Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung, và cả các quốc gia bạn Lào, Campuchia, là minh chứng rõ nét cho sự lan tỏa và phát triển bền vững của ngành cao su Việt Nam và nước bạn. Đây chính là biểu tượng cho sức sống mãnh liệt của ngành cao su trên khắp các vùng miền trong và ngoài nước, đồng thời là nguồn cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào thi đua trong toàn ngành. Thành tích này không chỉ khẳng định ý chí vươn lên của cá nhân và tập thể mà còn tạo động lực để toàn bộ CB.CNV LĐ ngành cao su nói chung và Tập đoàn nói riêng, tiếp tục rèn luyện, nâng cao tay nghề, đổi mới sáng tạo, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của ngành. Những kết quả này còn khẳng định vị thế vững chắc của ngành cao su Việt Nam trên trường quốc tế, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước, đồng thời lan tỏa tinh thần thi đua lao động, trách nhiệm và tự hào nghề nghiệp, đưa ngành cao su ngày càng vươn xa, vươn cao trong tương lai.

Nhận xét về hội thi, ông Phạm Hải Dương – Phó TGĐ VRG, Trưởng Ban Tổ chức hội thi, cho biết: “Hội thi lần này có tỷ lệ thí sinh đạt điểm cao rất lớn (87,2% đạt từ 96 điểm trở lên). Kết quả đồng đều giữa các khu vực. Thí sinh các dân tộc thiểu số và quốc tế đạt kết quả tốt. Phần thi dụng cụ và tốc độ có kết quả xuất sắc. Kết quả kỳ thi cho thấy một sự thành công vượt trội với tỷ lệ thí sinh đạt điểm cao đặc biệt ấn tượng. Cụ thể có tới 42,2% thí sinh chính thức đạt điểm tuyệt đối (100 điểm) và 45% đạt từ 96 đến dưới 100 điểm. Tổng cộng có 87,2% thí sinh chính thức đạt giải thưởng, một con số phản ánh chất lượng đào tạo và chuẩn bị rất tốt”.

“Về chất lượng thí sinh, đặc biệt ấn tượng là sự đồng đều về chất lượng giữa các vùng miền và đối tượng tham dự: Thí sinh từ các khu vực khác nhau (ĐNB, TN, DHMT, MNPB) đều đạt kết quả cao. Thí sinh quốc tế (Lào, Campuchia) thể hiện năng lực ngang bằng với thí sinh trong nước. Thí sinh dân tộc thiểu số (Mông, Thái, Nùng, Ê Đê, Ja rai…) đạt kết quả rất tốt. Thí sinh nữ, dù chiếm tỷ lệ thấp hơn (18,3%), nhưng chất lượng không thua kém nam giới. Về các phần thi cho thấy: Phần tốc độ và dụng cụ: Hầu hết thí sinh đều đạt điểm tối đa, cho thấy kỹ năng thực hành cơ bản rất tốt. Phần lý thuyết: Đa số đạt điểm cao (28,5-30/30), phản ánh kiến thức nền tảng vững chắc. Phần kiểm tra thực hành: Số lượng lớn đạt điểm tối đa (60/60), thể hiện khả năng ứng dụng thực tế xuất sắc” – ông Phạm Hải Dương, nhận định. Một “mùa vàng” nữa đã trôi qua, thợ giỏi trở về với công việc và cuộc sống thường nhật. Họ sẽ là những hạt nhân tiêu biểu để đẩy mạnh hơn nữa phong trào Luyện tay nghề – Thi thợ giỏi tại đơn vị và trong toàn ngành. Mùa Xuân 2025, thợ giỏi cấp ngành chắc hẳn sẽ có thêm nhiều câu chuyện về Hội thi Bàn tay vàng lần thứ XIV để nhân đôi niềm vui. Và các thợ giỏi cũng sẽ có thêm nhiều thời gian luyện rèn để sẵn sàng cho mùa thi năm 2026 với tâm thế tốt nhất.

VĂN VĨNH – THIÊN HƯƠNG