Ngành cao su Việt Nam đáp ứng EUDR

CSVN – Trong nền kinh tế thị trường hiện đại, vai trò phát triển bền vững của doanh nghiệp ngày càng được đề cao, không chỉ dừng ở các khuyến nghị mà đã trở thành các yêu cầu bắt buộc trong thương mại quốc tế.

Hội thảo “Thực trạng chuỗi cung ngành cao su Việt Nam: Chuẩn bị để đáp ứng quy định chống phá rừng châu Âu” được Hiệp hội Cao su Việt Nam tổ chức vào ngày 17/5

Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) sẽ chính thức có hiệu lực ngày 31/12/2024, đồng nghĩa chỉ những sản phẩm không gây phá rừng và hợp pháp mới được nhập khẩu vào thị trường này. Mục tiêu của EUDR là ngăn chặn mất rừng và suy thoái rừng, đóng góp vào bảo vệ môi trường và giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Theo đó, các hàng hóa nông nghiệp thương mại tại thị trường EU sẽ phải đáp ứng và chứng minh các yêu cầu về mất rừng và suy thoái rừng trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

Thực hiện mục tiêu phát triển bền vững ngành cao su và chủ động đáp ứng các yêu cầu của thị trường, ngày 4/5, VRG đã phối hợp với Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam và Văn phòng Chứng chỉ quản lý rừng bền vững (VFCO) tổ chức hội thảo “Xây dựng kế hoạch hành động thích ứng quy định EUDR”. Hội thảo đã thống nhất chuẩn bị sẵn sàng thực hiện EUDR thông qua thiết lập EUDR DDS, xây dựng năng lực và triển khai chứng nhận PEFC EUDR trong Hệ thống chứng chỉ rừng Quốc gia (VFCS/PEFC). VRG đã phối hợp chặt chẽ với PEFC (Hệ thống chứng chỉ quản lý rừng bền vững lớn nhất thế giới) và VFCO thúc đẩy phát triển ngành cao su bền vững thông qua thực hiện chứng nhận Quản lý rừng bền vững, chuỗi hành trình sản phẩm (CoC) gắn với Hệ thống trách nhiệm giải trình EUDR (PEFC EUDR DDS).

Ngay sau đó, ngày 15/5, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam tham dự Hội nghị Đại hội đồng PEFC tại Paris, Pháp. PEFC đã điều chỉnh bộ tiêu chuẩn PEFC FM cho phù hợp với yêu cầu của EUDR và đã được thông qua trong hội nghị này. Theo đó, các sản phẩm có chứng nhận PEFC/VFCS FM và CoC sẽ được EUDR công nhận.

Ngày 17/5, Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) và Tổ chức Forest Trends tổ chức Hội thảo “Chuỗi cung ứng ngành cao su Việt Nam – Chuẩn bị để đáp ứng quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu”. Để xuất khẩu cao su sang EU vượt qua được “hàng rào” EUDR, khó khăn lớn nhất của ngành cao su Việt Nam nằm ở phần cung nguyên liệu của cao su tiểu điền trong nước và phần nguyên liệu cao su nhập khẩu…

Đứng trước những yêu cầu nghiêm ngặt về truy xuất nguồn gốc và tính hợp pháp của sản phẩm, ngành cao su Việt Nam đang quyết liệt triển khai các giải pháp phù hợp với EUDR. Đáp ứng EUDR không chỉ giúp ngành cao su Việt Nam duy trì thị trường xuất khẩu quan trọng, mà còn là dịp để nâng cao năng lực quản trị, chuyển đổi theo hướng bền vững hơn.

TUỆ LINH