Ban Thường vụ Công đoàn Cao su Việt Nam và Đoàn Thanh niên VRG thăm gia đình đồng chí Trần Tử Bình

CSVNO – Ngày 24/7,  ông Nguyễn Ngọc Mùi – Phó Chủ tịch Công đoàn Cao su Việt Nam và ông Nguyễn Minh Thông – Phó Bí thư Đoàn Thanh niên VRG đã đến thăm gia đình đồng chí Trần Tử Bình nhân dịp kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 – 28/7/2024) và kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2024).

Đoàn thăm gia đình và trò chuyện với ông Trần Kháng Chiến – con Thiếu tướng Trần Tử Bình

Là một trong 6 đảng viên đầu tiên của Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng, là người trực tiếp lãnh đạo làm nên Phú Riềng Đỏ lịch sử của công nhân cao su. Và dù thời gian đã trôi xa nhưng các thế hệ CB.CNV LĐ ngành cao su luôn tự hào, tri ân những đóng góp to lớn của đồng chí Trần Tử Bình – người đặt nền móng cho phong trào đấu tranh của công nhân cao su.

Thiếu tướng Trần Tử Bình tên thật là Phạm Văn Phu, sinh năm 1907 trong một gia đình nông dân nghèo theo đạo Thiên chúa tại xã Tiêu Đồng, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Vì tham gia phong trào yêu nước vận động giáo sinh cùng để tang nhà yêu nước Phan Châu Trinh nên cuối năm 1926 ông bị buộc thôi học.

Để vào được Nam Kỳ, ông quyết định tham gia mộ phu do tư bản thực dân Pháp thực hiện. Trong hồi ký của ông có viết: “Khắp các ngả đường quán chợ dán la liệt những tờ mộ phu đi “tân thế giới”, đi Nam Kỳ làm phu đồn điền. Thực dân Pháp đang khan hiếm nhân công cho kế hoạch khai thác bóc lột. Vì vậy những tờ thông báo đầy những lời đường mật như: đi thời hạn 3 năm, hết hạn sẽ được về quê, mọi phí tổn tàu xe được trả hết; nào là cơm ăn hằng ngày ba bữa no nê, có thịt bò, có cá…”. Những lời dụ ngọt ấy đã đánh lừa được hàng trăm nông dân đến từ các tỉnh Hà Nam Ninh lúc bấy giờ đồng ý ký hợp đồng với tư bản thực dân Pháp.

Để làm tại “tân thế giới”, tất cả số phu tham gia này được tập trung đi bằng đường thủy xuất phát từ Hải Phòng. Sau khi tàu đến Sài Gòn – Gia Định, thực dân Pháp chia tách từng nhóm người để đến với nhiều đồn điền khác nhau tại Nam bộ. Ông cùng 150 người từ Hà Nam được đưa đến đồn điền Phú Riềng.

Vào đêm 28/10/1929, được sự chỉ đạo của đồng chí Ngô Gia Tự – Đại diện Ban chấp hành Đông dương Cộng sản Đảng, tại khu vực Làng ba Chi bộ Cao su Phú Riềng được thành lập với 6 đảng viên gồm: Nguyễn Xuân Cừ, Trần Tử Bình, cùng các đồng chí Tạ, Hồng, Hoa, Doanh. Trong đó, đồng chí Nguyễn Xuân Cừ được bầu làm bí thư, đồng chí Trần Tử Bình được phân công phụ trách tổ chức thanh niên sự thay đổi. Đây là chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở vùng Đồng Xoài – Bà Rá nói riêng và của miền Đông Nam bộ nói chung, đồng thời cũng là chi bộ đầu tiên của ngành cao su Việt Nam.

Tham quan các di vật của Thiếu tướng Trần Tử Bình

Theo phân tích của PGS, TS Nguyễn Mạnh Hà – Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, từ nòng cốt 6 thành viên đã gây dựng cơ sở, vận động quần chúng tốt cử đi các đồn điền khác để nhân rộng các hoạt động, tạo dựng phong trào đấu tranh rộng rãi. Sau khi được thành lập, chi bộ đã vận động quần chúng đấu tranh có tổ chức như: trước khi bãi công phải chuẩn bị trước lương thực, thực phẩm, hội họp, phân công cụ thể… Đó là sự đấu tranh có chuẩn bị về đường hướng và tổ chức”.

Tình thế dần được xoay chuyển, và những điều có lợi đã nghiêng về phía chi bộ Đảng Phú Riềng. Tuy nhiên diễn biến vẫn phức tạp và khó lường. Cuối năm 1929, đồng chí Nguyễn Xuân Cừ bị trục xuất ra Bắc. Trước tình hình đó, đồng chí Trần Tử Bình được đề cử thay làm bí thư chi bộ tiếp tục lãnh đạo phong trào đấu tranh với nhiều hình thức đa dạng phong phú, có hiệu quả và rất thiết thực. Vào thời điểm đó, các phong trào đấu tranh cách mạng của công nhân và nhân dân cả nước diễn ra vô cùng sục sôi. Đây là cơ hội vàng của những người cộng sản ở Phú Riềng. Không khí đấu tranh tại các làng công nhân ở Phú Riềng, Đồng Xoài rất sôi nổi, nhiều làng còn chuẩn bị những vũ khí tự tạo sẵn sàng cho cuộc khởi nghĩa.

Cuộc đấu tranh mang tên Phú Riềng Đỏ diễn ra đúng sáng mùng một Tết Canh Ngọ – ngày 30/1/1930 bằng cuộc biểu tình thị uy dưới hình thức chúc Tết chủ đồn điền (hay còn gọi là chủ đất) của hàng ngàn công nhân tham gia đòi yêu sách và tuyên bố bãi công sau 3 ngày nghỉ Tết nếu yêu sách không được giải quyết. Và đúng như kế hoạch đã định, ngày mùng 5 Tết (3/2/1930) là ngày làm việc trở lại, hơn 5.000 công nhân cao su Phú Riềng đã thực hiện cuộc tổng bãi công. Trước tình hình đó, bọn chủ đồn điền ra lệnh bọn cai thẳng tay đàn áp rất dã man. Sáng mùng 6 Tết (4/2/1930) Nghiệp đoàn tổ chức cuộc biểu tình lớn, mặc dù bị đàn áp nhưng công nhân cao su đã đấu tranh quyết liệt khiến chủ đồn điền và bọn cai khiếp sợ bỏ chạy. Lúc này, lực lượng công nhân bắt sống 5 tên, thu 7 súng, trang bị cho đội xích vệ hiên nganh tiến thẳng vào dinh tên Xu – Ma – Nhắc, buộc chúng phải mở cửa điều đình chấp nhận ký biên bản cam kết thực hiện yêu sách của công nhân.

PGS, TS Nguyễn Mạnh Hà nhận định: “Phong trào này đã trở thành ngọn cờ mà tiếng vang của nó đã được lan rộng. Và coi Phú Riềng là ngọn cờ đầu trong phong trào đấu tranh và chính Đảng Cộng sản Việt Nam đã dựa vào lực lượng công nhân làm nòng cốt để xây dựng tổ chức”.

Ông Trần Kháng Chiến (con trai trưởng của ông Trần Tử Bình) chia sẻ: “Hàng năm, đại gia đình chúng tôi đều tổ chức chuyến hành trình về nguồn, đến những địa chỉ đỏ cha tôi từng hoạt động cách mạng để con cháu hiểu hơn về cuộc đời của cha. Đó cũng là lời nhắc nhở chúng tôi phải sống cho xứng đáng với những gì cha tôi đã làm, đã cống hiến vì đất nước”.

                                                                                             KHÁNH BẢO – CTV