CSVN – Khu vực rừng khộp Ia Mơr hiện nay có nhiều tiềm năng trong việc phát triển NNUDCNC, khi triển khai thực hiện thành công sẽ mang lại nhiều ý nghĩa trong việc tháo gỡ khó khăn đối với diện tích cao su ngưng đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của cao su Chư Sê.
Phát triển mô hình kinh tế nông nghiệp phù hợp
Ông Bùi Duy Đốc – Phó TGĐ Cao su Chư Sê, chia sẻ: “Từ năm 2010, tại khu vực Ia Lâu và Ia Mơr, công ty thực hiện chủ trương chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su của Chính phủ để phát triển kinh tế xã hội, tạo công ăn việc làm cho người dân. Tuy nhiên vào thời điểm triển khai dự án, việc trồng cao su trên đất rừng khộp nghèo còn quá mới. Diện tích cây cao su đã trồng tại NT Ia Lâu 2.175,7 ha và khu vực Ia Mơr 1.433,85 ha. Điều kiện về thổ nhưỡng đất rừng khộp tại khu vực này biến thiên cục bộ, tầng đất canh tác dày mỏng đan xen lẫn nhau, đất bị sét nặng hay còn gọi là sét biến tính, đá kết von cứng chặt, địa hình vùng dự án tương đối bằng phẳng thường xảy ra tình trạng ngập úng vào mùa mưa và khô hạn trong mùa khô. Vì vậy trong các năm KTCB của cây cao su, việc thực hiện các hạng mục chăm sóc cũng gặp nhiều khó khăn. Hàng năm, cây cao su bị chết ngược nhiều, số cây còn lại, manh mún từng chòm, mức độ sinh trưởng và phát triển kém, tốc độ tăng vanh rất chậm, bộ lá không phát triển”. Khu vực Ia Mơr có tiềm năng phát triển NNUDCNC với địa hình tương đối bằng phẳng, đất đai trong vùng dự án chủ yếu là đất xám bạc màu trên đá granit, khí hậu chia làm hai mùa rõ rệt: mùa khô và mùa mưa (mùa mưa từ tháng 6 đến hết tháng 9, chiếm 80 – 90% lượng mưa cả năm). Hiện nay, đường điện lưới quốc gia đã kéo tới các thôn buôn trong xã. Dự án đa mục tiêu hồ Ia Mơr đã được xây dựng, có khả năng tưới tiêu cho khoảng 12.500 ha đất nông nghiệp. Bộ NN&PTNT đang thực hiện xây dựng hệ thống kênh nhánh tiếp nối kênh chính. Sau khi xây dựng hoàn thiện hệ thống kênh nhánh tiếp nối, Cao su Chư Sê được hưởng lợi thế về thủy lợi, đảm bảo nguồn nước tưới trong mùa khô cho vườn cây với diện tích 1.164 ha.
Mô hình trồng bắp lấy hạt và sinh khối
Để xác định được cây trồng phù hợp ứng dụng công nghệ cao vào canh tác, công ty sẽ trồng thử nghiệm trong năm 2024 từ 10 – 15 ha bắp lấy hạt. Từ đó có những định hướng trong thời gian tới, công ty sẽ chọn loại cây trồng, tìm kiếm liên kết đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Cũng như quy mô, mô hình phù hợp để thực hiện NNUDCNC trong những năm tiếp theo. Dự kiến phát triển diện tích từ nhỏ lên diện rộng, đại trà, trong năm 2025 phát triển diện tích 20 – 50 ha, năm 2026 phát triển 300 – 400 ha.
“Công ty sẽ từng bước xây dựng cơ sở vật chất, hệ thống nước tưới trong mùa khô; đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, áp dụng triệt để cơ giới hóa từ khâu làm đất, gieo trồng cũng như thu hoạch… và ứng dụng các công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Khi thực hiện NNUDCNC, công ty cũng thực hiện liên kết trong việc bao tiêu sản phẩm, chủ động tìm kiếm các đối tác uy tín, có năng lực trên địa bàn tỉnh và khu vực Tây Nguyên nhằm đảm bảo đầu ra cho nông sản” – ông Bùi Duy Đốc, cho biết.
KIÊN TRUNG
Related posts:
- Chạy đua với thời gian
- Ông Vương Nguyễn Phương Lâm giữ chức Phó Tổng Giám đốc Cao su Phước Hòa – Kampong Thom
- Ngỡ ngàng về sự đổi thay ở Đội Thanh niên cao su Sa Thầy
- Giá trị từ những lô cao su trồng xen canh
- Cao su Mang Yang: Nhiều hoạt động chung tay phòng, chống dịch Covid-19
- Miệt mài trên vườn cây
- Các công ty cao su Duyên hải miền Trung: Ổn định sản xuất, chăm lo cho người lao động
- Chuyển đổi số để phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng đa chức năng, kinh tế tuần hoàn
- Bến Củi thay màu áo mới
- Ông Trịnh Xuân Tiến giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Gỗ Thuận An