Nghiêm túc thực hiện luân chuyển cán bộ

CSVN – Có dịp đi công tác nước ngoài, nơi cao su vươn mình sang nước bạn, mới cảm nhận được nỗi lòng của cán bộ công tác ở nơi đây. Nỗi trăn trở về công việc, khắc khoải ngóng quê nhà, nhiều người đã âm thầm cố gắng mong đến ngày hoàn thành công tác để trở về đoàn tụ với gia đình.
Nhóm cán bộ người Việt xem bản vẽ thiết kế xây dựng Nhà máy chế biến mủ Công ty CPCS Chư Sê – Kampong Thom. Ảnh: N.K
Nhóm cán bộ người Việt xem bản vẽ thiết kế xây dựng Nhà máy chế biến mủ Công ty CPCS Chư Sê – Kampong Thom. Ảnh: N.K
Động viên nhau vượt khó

Trong câu chuyện tâm sự với đoàn công tác của chúng tôi, ông Phan Văn Trinh – Phó TGĐ Công ty CP Cao su Đồng Phú – Kratie hồi tưởng: Gian khó! Cực kỳ gian khó! Thời kỳ đầu sang Campuchia đi khảo sát địa hình cực kỳ gian nan vất vả. Do địa hình biên giới hoang vu hẻo lánh, đoàn công tác đi khảo sát vào đến nơi thì bị mưa, xe không thể đi được, phải lội bộ. Rồi thấm mưa, sốt rét hoành hành, người run bần bật… Nghĩ lại thôi vẫn thấy rùng mình. Nằm giữa rừng, không điện, không nước, thiếu thốn đủ thứ. Lúc đấy ai cũng chỉ nghĩ thôi bỏ cuộc, quay về. Song mọi người cùng động viên nhau vượt qua vì nhiệm vụ chung.

Tiếp lời, anh Võ Tuấn Minh, nhân viên Công ty Đồng Nai – Kratie cười tếu táo: “Ngày xưa các chú, các anh đi công tác bên này về mỗi người đều mang theo nhiều cục “kim cương”, mà “kim cương” này thì không ai muốn lấy”. Khi chúng tôi ngạc nhiên hỏi, mọi người đều cười. Hóa ra “kim cương” mà mọi người nói là mấy cục sỏi thận. Do bên này xưa thiếu nước, nhiều người nhịn uống thành quen, lâu dần tích tụ trong cơ thể mấy viên sỏi thận.

Trong câu chuyện, nhiều cán bộ của các công ty cùng ngậm ngùi, chia sẻ những gian khó của thời “mở cõi” như những thước phim quay chậm trong tâm trí, mà bây giờ không thước phim nào có thể “quay” lại được. Nhưng khi hồi tưởng, trong trí nhớ của nhiều người lại hiện rõ mồn một thời gian khó mà tràn đầy nhiệt huyết ấy.

Hy sinh nhiều thứ

Khó khăn vất vả là thế, nhưng trên môi của các cán bộ đang công tác ở nơi đây luôn nở nụ cười thân thiện. Tình đoàn kết, đồng lòng và sự “sẻ chia ngọt bùi” của các công ty cao su với nhau là điều dễ nhận thấy tại các dự án trên nước bạn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, có rất nhiều cán bộ công tác nơi đất bạn đã trụ vững, nhiệt tình đóng góp tuổi xuân vì nhiệm vụ chung, nhưng họ phải đánh đổi, hy sinh nhiều thứ như xa gia đình, cha mẹ, vợ chồng lục đục, hôn nhân tan vỡ, con cái phải nhờ ông bà trông…

Chị Hoàng Đỗ Phương Hồng Hạnh, công tác tại Công ty CP Cao su Việt Lào kể, cả hai vợ chồng đều công tác bên Lào, con cái phải gửi ông bà trông. Thỉnh thoảng mới sắp xếp công việc để về Việt Nam thăm con. Mỗi lần chia tay con đi là bịn rịn không rời. Nhìn con khóc mắt đỏ hoe mà không nỡ gạt nước mắt quay đi. “Người độc thân thì đỡ. Chứ cán bộ đã có gia đình thì nhiều cái đau đầu. Nhất là cán bộ nữ. Công việc và gia đình hay bị mâu thuẫn, lục đục… phải hy sinh rất nhiều”, chị Hạnh tâm sự.

Việc luân chuyển cán bộ, sắp xếp bố trí cán bộ công tác ở Lào và Campuchia hiện nay có nhiều đơn vị làm rất tốt, nhưng có một số công ty vẫn chưa làm tốt nhiệm vụ này. Khiến nhiều cán bộ đi công tác nhiều năm liền mà vẫn chưa được luân chuyển, đợi đến khi được luân chuyển thì đã đến tuổi “nghỉ hưu”…

Cần quan tâm hơn đến cán bộ công tác nước ngoài

Liên quan đến vấn đề này, trả lời câu hỏi của ông Vương Đức Thông – Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê: “Thực hiện chủ trương của VRG, trong những năm qua nhiều đơn vị đã đầu tư phát triển cao su tại Lào và Campuchia. Hiện nay, các dự án nay đang phát huy hiệu quả. Đề nghị có quy chế lương thưởng, các chế độ chính sách phù hợp để thu hút lực lượng cán bộ trẻ, chuyên gia giỏi công tác tại Lào và Campuchia?”, trong buổi đối thoại tại Đại hội Công đoàn Cao su Việt Nam lần thứ VIII vừa qua, ông Trần Ngọc Thuận – Bí thư Đảng ủy, TGĐ VRG đã có những giải đáp cụ thể xung quanh vấn đề này.

Cán bộ người Việt của Công ty Bà Rịa – Kampong Thom huấn luyện khai thác mủ cho lao động người Campuchia. Ảnh: Phú Vinh
Cán bộ người Việt của Công ty Bà Rịa – Kampong Thom huấn luyện khai thác mủ cho lao động người Campuchia. Ảnh: Phú Vinh

Theo TGĐ, phát triển cao su tại Lào và Campuchia là một trong những chủ trương của Chính phủ. Hiện nay, tại Lào VRG có 26.000 ha cao su, tại Campuchia có hơn 89.000 ha cao su. Thời gian qua lãnh đạo VRG rất quan tâm đến chủ trương phát triển cao su tại nước bạn, trong đó có đội ngũ cán bộ quản lý lãnh đạo, chuyên môn công tác tại Lào và Campuchia. Theo quy định nước sở tại, cán bộ người Việt không vượt quá 10% trên tổng số CBCNVC đang làm tại đơn vị đó.

Do đặc thù công tác xa, các chế độ chính sách của VRG có chủ trương ngay từ đầu. Tuy nhiên đến bây giờ nhu cầu đòi hỏi từ thực tiễn cuộc sống, yêu cầu công việc, chúng tôi cho rằng VRG cần phải tiếp tục rà soát, bổ sung, điều chỉnh chế độ chính sách cho cán bộ nước ngoài nhiều hơn nữa về quy chế để phù hợp với thực tế và trong gia đoạn tới.

Trong những năm vừa qua, VRG có chủ trương luân chuyển cán bộ công tác sau 5 năm sẽ được về nước, lương và chế độ khác tăng 10% so với trong nước, đồng thời trong quá trình thực hiện luôn rà soát nghiên cứu phương án trả lương phù hợp nhất trong điều kiện có thể. Nhưng trên thực tế vẫn còn tồn tại, nhất là việc luân chuyển cán bộ, đơn vị làm tốt còn rất ít.

“Nhiều đơn vị gần như không có sự luân chuyển, anh em rất tâm tư về việc đi xa nhà lâu ngày không biết bao giờ mới về. Vì thế đã đến lúc bắt buộc phải thực hiện chủ trương này, tôi yêu cầu các đơn vị phải thực hiện nghiêm túc, kiên quyết trong năm 2018 và những năm tiếp theo”, ông Thuận nhấn mạnh.

Về tiền lương, Ban Lao động tiền lương của VRG đã khảo sát và có nhiều đề xuất về chế độ tiền lương đối với cán bộ công tác tại Lào và Campuchia nhưng so với thực tế hiện nay thì thu nhập chưa cao, chế độ đãi ngộ còn nhiều bất cập và chưa thỏa đáng. Tôi đề nghị Ban lao động tiền lương tiếp tục rà soát, nghiên cứu phương án trả lương, thưởng, chế độ phù hơp trong giai đoạn tới.

Đồng thời, đề nghị công ty mẹ tại Việt Nam ngoài các chính sách quy định “cứng”, mong các đơn vị tích cực quan tâm, hỗ trợ thêm, nhất là vào dịp lễ, tết nhằm tạo tình cảm, gắn bó của những người “hậu phương” đối với “tiền tuyến”.

MINH TÂM – HÀ KHUÊ