CSVN – Năm 2022 đánh dấu tròn 15 năm VRG triển khai đầu tư phát triển cao su miền núi phía Bắc (MNPB). Những khó khăn ban đầu dần lùi xa, cao su định hình trên vùng đất khó đã có những tín hiệu vui, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho bà con đồng bào rẻo cao. Hoạt động của các đơn vị dần đi vào ổn định, có lợi nhuận, đảm bảo được quyền lợi cho cổ đông và người lao động, kết quả đó đã củng cố thêm niềm tin của chính quyền địa phương và bà con thôn bản về dự án phát triển cao su của VRG.
Ông Huỳnh Kim Nhựt – Phó TGĐ VRG
Khắc phục khó khăn để ổn định tổ chức sản xuất
Khối thi đua MNPB hiện có 10 đơn vị, trong đó có 9 đơn vị đứng chân trên địa bàn 6 tỉnh MNPB và Công ty Cao su VRG – Oudomxay tại nước bạn Lào. Các đơn vị trong Khối có nhiều nét tương đồng về điều kiện sản xuất như khí hậu, thời tiết, địa hình, dân tộc, phong tục tập quán, kinh tế – xã hội, đặc thù không quá khác biệt. Do đó, các đơn vị có thể trao đổi, học tập và áp dụng được những kinh nghiệm, sáng kiến lẫn nhau để áp dụng vào công tác quản lý, điều hành các hoạt động SXKD.
Bên cạnh những thuận lợi, các đơn vị trong Khối thi đua còn gặp vô vàn khó khăn, thách thức do thời tiết tại khu vực miền núi phía Bắc rất khắc nghiệt, đầu năm thời tiết khô hạn, từ tháng 5 đến hết tháng 10 mưa lớn kéo dài, mùa đông rét đậm, rét hại, có nhiều sương muối, nhiệt độ xuống thấp ảnh hưởng đến quy trình SXKD,
sản lượng khai thác, quá trình chăm sóc và sinh trưởng, phát triển của vườn cây. Thêm vào đó lực lượng lao động đã có nhiều cải thiện, ổn định song chất lượng lao động còn nhiều hạn chế như tay nghề và tác phong lao động. Tất cả những yếu tố trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của từng đơn vị nói riêng và cả Khối nói chung.
Năm 2022, Khối MNPB được VRG giao quản lý 29.674 ha. Trong đó, vườn cây KTCB là 9.067 ha; diện tích khai thác là 20.743 ha. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn song năm 2022 với sự đoàn kết, quyết tâm cao của toàn NLĐ, toàn khối đã vượt qua mọi khó khăn thực hiện đạt kết quả cao trên mọi lĩnh vực sản xuất.
Tính đến hết ngày 31/12/2022, toàn Khối đã khai thác được ước đạt 20.126 tấn. Trong đó, một số đơn vị nổi bật như VRG Oudomxay về trước kế hoạch sản lượng 46 ngày, Cao su Lai Châu 2 khai thác vượt 50 tấn, Cao su Điện Biên vượt 100 tấn…
Về doanh thu của toàn Khối ước đạt 717,56 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 7,59 tỷ đồng.
Đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động
Mặc dù thị trường cao su chưa ổn định giá vẫn ở mức thấp; doanh thu lợi nhuận thấp song các đơn vị trong khối đã rất quan tâm tạo điều kiện và thực hiện tốt mọi chế độ chính sách đối với NLĐ. Tạo việc làm ổn định thường xuyên cho 4.015 NLĐ và 825 hộ nhận khoán trong toàn Khối. Thu nhập bình quân toàn Khối ước đạt 5,4 triệu đồng/người/tháng, cao hơn năm trước 11%. Những đơn vị có mức lương bình quân cao nhất gồm: Cao su Mường Nhé – Điện Biên ước đạt 6,3 triệu đồng/người/tháng; Cao su Dầu Tiếng – Lai Châu ước đạt 6,3 triệu đồng/người/tháng; Cao su Sơn La ước đạt 6,09 triệu đồng/người/ tháng; Các đơn vị còn lại ước đạt từ 4,3 – 5,8 triệu đồng/người/tháng.
Chế độ, chính sách cho NLĐ được thực hiện đảm bảo và kịp thời.
Toàn khối hiện có 4.015 đoàn viên Công đoàn và 1.142 đoàn viên đoàn thanh niên. Hoạt động của các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội được NLĐ hưởng ứng nhiệt tình, sôi nổi, nhất là các hoạt động văn hóa văn nghệ – thể dục thể thao, nhiều phong trào thi đua chào mừng những ngày lễ lớn của đất nước, ngành, địa phương và của các công ty. Từ đó, tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, ý thức trách nhiệm với công việc của đại bộ phận NLĐ toàn Khối ngày càng được nâng lên. Để động viên, khích lệ NLĐ trong các phong trào thi đua, các đơn vị đã bình xét công bằng, công khai, khen thưởng đúng đối tượng. Tập thể nhỏ, lao động trực tiếp, lao động dân tộc thiểu số trong các phong trào tại các công ty được khen thưởng chiếm tỷ lệ cao vượt trội. Trong năm toàn Khối đã khen thưởng cho các tập thể và cá nhân, giá trị hiện vật khen thưởng đạt gần 460 triệu đồng.
Chúng tôi đến thăm Cao su Sơn La vào dịp cuối năm, nhìn qua bảng lương tháng 12 của NLĐ, chúng tôi rất ấn tượng bởi có nhiều công nhân thu nhập lên tới 20 – 26 triệu đồng. Phấn khởi nhận tiền lương sau một tháng tích cực lao động sản xuất, công nhân Tòng Văn Tỉnh chia sẻ: “Tôi nhận cạo mủ 11 phần cây, công việc tuy có vất vả phải dậy sớm, nhưng với mức thu nhập hàng tháng ổn định hơn 20 triệu đồng, so với những công việc khác thì làm công nhân cao su lương cao, gia đình có tiền tích lũy, lo cho các cháu học hành chu đáo. Ngoài ra, công ty còn có thưởng cho những công nhân vượt sản lượng giao hàng tháng, đây cũng là động lực để chúng tôi yên tâm công tác và gắn bó lâu dài với cây cao su”.
Trao đổi với chúng tôi trong ngày đầu xuân mới, ông Nguyễn Bá Quý – Phó Giám đốc Cao su Sơn La cho biết: “Bước sang năm mới 2023, cùng với tập trung thực hiện các giải pháp ổn định việc làm, từng bước nâng cao thu nhập cho NLĐ, công ty tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương giải quyết những vướng mắc liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, để bảo đảm quyền lợi cho người dân góp đất trồng cao su. Đặc biệt, công ty đã xây dựng kế hoạch, cân đối tiền lương tháng 13, tiền thưởng cuối năm và chia cổ tức, bảo đảm cho NLĐ có điều kiện đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 chu đáo, trọn vẹn”. Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm qua, năm 2023 các đơn vị trong Khối tiếp tục phấn đấu thực hiện đạt và vượt kế hoạch đề ra. Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm để đảm bảo hoạt động SXKD có hiệu quả và nâng cao đời sống NLĐ.
MINH NHIÊN – NGỌC THUẤN
Related posts:
- Học theo Bác để hoàn thiện bản thân
- Cao điểm mùa chống cháy
- Nhìn từ nông trường cao su Ia Nhin
- Cao su Hòa Bình tổ chức thành công Hội thi Bàn tay vàng năm 2024
- Nữ "thủ lĩnh" công đoàn hết lòng vì người lao động
- Chắt chiu để về đích
- Thực hiện giải pháp linh động, chủ động trong thu tuyển công nhân
- VRG: Vị thế mới, tầm vóc mới (kỳ 3)
- Nhà mới vùng biên của công nhân 715
- Lan tỏa tinh thần chiến thắng!