CSVN – Với sự quyết liệt trong công tác điều hành, chỉ đạo và sự đồng bộ trong việc thực hiện các giải pháp về quản lý lao động, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật trên vườn cây… những năm qua, TCT Cao su Đồng Nai luôn là đơn vị nằm top đầu của toàn ngành về trước kế hoạch sản lượng được VRG giao.
Năm 2022, TCT về trước kế hoạch sản lượng VRG giao là 38 ngày, sản lượng khai thác tính đến hết năm 2022 vượt 18% so với kế hoạch được giao. Năm nay, TCT được VRG giao chỉ tiêu sản lượng khai thác 25.700 tấn. Tính đến hết tháng 4, TCT đã khai thác được 8.092 tấn, đạt 31,5% kế hoạch năm, so cùng kỳ tăng tăng 2.147 tấn. Tình hình thực hiện nhiệm vụ SXKD năm 2023 của TCT cũng gặp không ít khó khăn do giá bán mủ giảm, chi phí nguyên vật liệu tăng cao… do đó ảnh hưởng rất lớn đế hoạt động sản xuất của đơn vị và thu nhập của NLĐ trong toàn TCT.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Minh Tuấn – TGĐ TCT Cao su Đồng Nai cho biết: “Những năm qua, TCT đã khắc phục được những yếu kém trong việc khai thác vườn cây để đưa năng suất vườn cây nhanh chóng vươn lên và ghi tên vào Câu lạc bộ 2 tấn của VRG. Năng suất lao động bình quân của TCT đạt 12,5 tấn/người, cũng là đơn vị được lãnh đạo VRG đánh giá có năng suất lao động cao nhất trong toàn ngành. Để thực hiện đạt và vượt kế hoạch được giao năm 2023, TCT tập trung vào hai nhóm giải pháp chính, thứ nhất là nhóm giải pháp nâng cao năng lực quản lý con người, đây là giải pháp mang tính chất quyết định. Thứ hai là nhóm giải pháp khắc phục các yếu tố tác động, xâm hại của thiên nhiên”.
Đối với nhóm giải pháp thứ nhất, TCT ưu tiên duy trì lực lượng lao động đáp ứng đủ yêu cầu sản xuất. Không chỉ đảm bảo về số lượng, TCT còn chú trọng đào tạo lực lượng lao động có tay nghề giỏi, có tính kỷ luật. Công tác tổ chức, điều hành, lãnh đạo trong việc điều hành kế hoạch năm cũng đóng vai trò quan trọng được TCT quan tâm ngay từ đầu năm để thực hiện tốt kế hoạch nông nghiệp và các chỉ tiêu, nhiệm vụ khác. Theo đó, TCT đã giao quyền chủ động cho các nông trường xây dựng kế hoạch điều hành dựa trên cơ sở tuổi cây, vườn cây, lao động. Bên cạnh đó, TCT có những tiêu chí giúp nông trường căn cứ phân bổ lao động cụ thể.
Nhóm giải pháp thứ hai được TCT chú trọng trong những năm gần đây, đó là khắc phục các yếu tố tác động, xâm hại của thiên nhiên. Theo đó, khi thời tiết thay đổi, các đặc điểm sinh lý vườn cây cũng phải thay đổi và ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất. Vì vậy, hệ thống quản lý xuyên suốt từ TCT đến các cán bộ kỹ thuật Nông trường, tổ đều phải quan tâm chú ý đến yếu tố này.
Hiện nay, TCT có hệ thống cơ giới phát triển nhanh để đáp ứng xử lý bệnh hại trên vườn cây, nhất là bệnh phấn trắng được phun trị bệnh trong vòng 7 ngày từ khi phát hiện bệnh nhằm đảm bảo đạt hiệu quả tối đa. Hệ thống máng, mái che mưa được chỉ đạo làm kỹ lưỡng trong những ngày đầu mùa vụ. Đối với vườn cây cạo thanh lý có miệng cạo trên cao, TCT đã sử dụng ống dẫn mủ bằng nhựa, đảm bảo không mất mủ trong những ngày mưa bão, góp phần tận thu sản phẩm tốt nhất. TCT hiện đang xây dựng bộ phận nghiên cứu và phát triển để có nhiều ứng dụng mới được áp dụng trong lao động sản xuất.
HÀ KHUÊ
Related posts:
- Cao su Bình Long và Bộ đội biên phòng Bình Phước họp mặt, giao lưu thể thao
- Xen canh, luân canh trên vườn cây cao su
- Công nhân cao su ba thế hệ
- Ông Huỳnh Kim Nhựt – Phó TGĐ VRG, Chủ tịch Công đoàn Cao su Việt Nam: "Hợp sức vượt khó hoàn thành n...
- Lan tỏa tinh thần chiến thắng!
- Lãnh đạo VRG đánh giá cao kết quả hoạt động 8 tháng đầu năm của các công ty cao su tại Lào
- Cao su Dầu Tiếng phấn đấu khai thác hơn 27.200 tấn mủ
- Các đơn vị miền núi phía Bắc thi đua hoàn thành vượt mức kế hoạch
- Rộn ràng mùa cạo mới
- Cao su Lộc Ninh tăng tốc về đích