Cần cẩn trọng khi “nhảy việc”

CSVN – Thời gian qua, trên địa bàn các xã thuộc huyện Sìn Hồ, Phong Thổ của tỉnh Lai Châu xuất hiện nhiều tờ rơi, thông tin quảng cáo tuyển dụng lao động làm việc khu công nghiệp điện tử, may mặc, giày da, cơ khí tại các tỉnh dưới xuôi hứa hẹn trả lương cao. Vì thế, một bộ phận người dân, công nhân Công ty CPCS Lai Châu xin nghỉ việc. Tuy nhiên, sau khi thử sức công việc mới, nhiều người đã thất vọng quay về.
Cán bộ Công ty CPCS Lai Châu tuyên truyền bà con bản Vàng Bon, xã Lùng Thàng, huyện Sìn Hồ về lợi ích khi làm CN cao su.
Cán bộ Công ty CPCS Lai Châu tuyên truyền bà con bản Vàng Bon, xã Lùng Thàng, huyện Sìn Hồ về lợi ích khi làm CN cao su.
Nhiều người “vỡ mộng”

Hiện nay, Công ty CPCS Lai Châu đang quản lý 6.948 ha cao su (3.726 ha cao su khai thác) tại 2 huyện Sìn Hồ và Phong Thổ, với 4.125 hộ dân góp đất, trong đó công ty chi trả hơn 8 tỷ đồng cho bà con. Công ty có 6 nông trường trực thuộc và gần 1.000 lao động. Từ đầu năm đến nay, số lao động là người địa phương làm công nhân (CN) viết đơn xin nghỉ việc lên đến hàng chục người. Nguyên nhân được xác định do tình trạng công ty ở các tỉnh dưới xuôi treo băng rôn, phát tờ rơi nhằm môi giới hay tuyển dụng lao động. Các ngành nghề làm việc chủ yếu trong nhà máy điện tử, may mặc, giày da, cơ khí, bao bì tại tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương với lời mời chào mức lương từ 6 – 8 triệu đồng/người/tháng.

Trước thông tin tuyển dụng và mức lương cao lại không cần đòi hỏi trình độ tay nghề, nhiều bà con, CN cao su tin tưởng theo các nhà tuyển dụng, môi giới xuống đi làm. Thế nhưng do không tìm hiểu kỹ, nhiều người đã phải “vỡ mộng” không như sự kỳ vọng lúc bắt tay vào công việc. Có trường hợp bị quỵt tiền công, công việc nặng nhọc nguy hiểm sức khỏe, trình độ tay nghề không theo kịp bị đào thải nên đã không chịu được bỏ về quê.

Điển hình như trường hợp của chị Lý Sa Xảo, bản Huổi Luông, xã Khổng Lào (huyện Phong Thổ) làm CN NT Phong Thổ từ năm 2009 đến tháng 10/2018 xin nghỉ việc đi làm CN cho Công ty Điện tử Sam Sung ở khu công nghiệp (KCN) tỉnh Bắc Ninh được gần 3 tháng bỏ về.

Chị Xảo chia sẻ: “Nghe lời bạn bè rủ đi làm ở Công ty Sam Sung với mức lương 7-8 triệu đồng nên mình xin nghỉ ở nông trường. Công việc làm dây sạc điện thoại và mức lương hơn 4 triệu đồng, nếu tăng ca đêm thì được 7 triệu đồng. Lúc đầu háo hức song chỉ tháng đầu tiên xa gia đình, 3 con đã thấy nhớ. Trong khi ở đây tiền ăn, ở, chi phí, tiền xe mỗi tháng hết hơn 3 triệu đồng và chỉ gửi về được 1 triệu đồng. Nếu tính tiền đi ô tô về thăm con thì cũng không đủ nên tôi quyết định nghỉ việc. Mong muốn được quay lại làm CN cho nông trường mà trước đó lương được trả 4,5 triệu đồng/tháng mà còn được ở nhà chăm sóc con”.

Nhiều CN NT Lùng Thàng quay lại xin làm công nhân cao su.
Nhiều CN NT Lùng Thàng quay lại xin làm công nhân cao su.

Gắn bó ở NT Lùng Thàng hơn 10 năm, anh Phàn A Phương, bản Vàng Bon, xã Lùng Thàng (huyện Sìn Hồ) do không tìm hiểu kỹ thấy người công ty môi giới về treo băng rôn tuyển làm CN lắp linh kiện điện thoại ở Công ty Sam Sung với mức lương cao. Anh Phương cùng 3 người trong bản đi từ tháng 3/2018 đến tháng 4/2018, rồi bỏ việc quay về. Anh Phương tâm sự: “Lúc đầu người tuyển dụng nói lương từ 7-9 triệu đồng/ tháng, tôi thấy phấn khởi mong kiếm nhiều tiền hơn. Thực tế khi xuống mới biết để có khoản tiền đó thì CN phải làm việc sáng, chiều, tối; còn chỉ làm đủ 8 tiếng/ngày chỉ được 3,5 triệu đồng/tháng. Trong khi đó phải chi tiền ăn, thuê nhà, sinh hoạt hết 3 triệu đồng, nếu tính tiền vé xe thì vừa đủ tiền lương. Tôi quyết định bỏ việc và quay về xin lại làm CN cao su. Với mức lương khai thác được 5-6 triệu đồng/tháng mà còn được gần gia đình, tôi sẽ gắn bó lâu dài với nông trường”.

Không chỉ CN cao su mà nhiều người dân ở 2 huyện Sìn Hồ, Phong Thổ theo lời môi giới đi xuống làm việc tại các KCN, nhưng sau mấy tháng bỏ về vì mức lương không đúng như lời hứa hẹn. Có trường hợp CN ở NT Noong Hẻo xin nghỉ việc sang Trung Quốc làm thuê, nhưng tại đó bị đánh đập, bắt làm việc hơn 12 tiếng mỗi ngày. Có người đi làm còn bị quỵt tiền công như trường hợp anh Tẩn A Mìu, bản Vàng Bon, xã Lùng Thàng (huyện Sìn Hồ). Anh Mìu cho biết: “Mấy anh em trong bản rủ nhau đi làm thợ xây ở Hải Phòng sau đó mấy tháng ông chủ trốn không trả tiền, rồi thất nghiệp quay về nhà. Bây giờ ở bản nhiều người làm CN cao su, tôi cũng đang định xin vào làm có công việc, thu nhập lại ổn định”.

Công ty CPCS Lai Châu thường xuyên quan tâm, chăm lo, tặng quà cho người lao động.
Công ty CPCS Lai Châu thường xuyên quan tâm, chăm lo, tặng quà cho người lao động.
Không đâu bằng làm CN cao su

Từ đầu năm đến nay, chỉ tính riêng NT Lùng Thàng đã có 15 CN xin nghỉ việc và nhiều CN đang có tư tưởng dao động bởi lời quảng cáo hấp dẫn từ 6-8 triệu đồng của nhà môi giới. Tuy nhiên, đến nay có 4 trường hợp đi xuống làm việc không như mong muốn đã quay về và đang có nguyện vọng xin trở lại làm CN cao su.

Ông Phàn A Lỵ – Chủ tịch UBND xã Lùng Thàng cho biết: “Trước tình hình bà con cũng như CN xin nghỉ việc xuống làm ở các tỉnh dưới xuôi hay đi sang Trung Quốc làm thuê. Chính quyền địa phương tuyên truyền bà con phải tìm hiểu kỹ công việc, mức lương để tránh bị lợi dụng sức lao động”.

Về phía Công ty CPCS Lai Châu, theo TGĐ Nguyễn Hồng Thắng, để ổn định tư tưởng, tâm lý, hạn chế lao động bỏ việc, công ty gửi công văn đến nông trường và các xã ở huyện Sìn Hồ, Phong Thổ. Phối hợp chính quyền tuyên truyền nhân dân về quyền lợi tham gia làm CN vừa tăng số tiền chi trả 10% góp đất hàng năm, vừa tránh bị kẻ xấu, lợi dụng, lôi kéo. Công ty thường xuyên nắm bắt tâm tư nguyện vọng, trang bị công cụ, bảo hộ lao động, thực hiện đầy đủ tiền lương, chế độ chính sách bảo hiểm, hỗ trợ ngày lễ Tết, trao tặng nhà “Mái ấm Công đoàn”. Đẩy mạnh hoạt động văn nghệ, thể thao tạo sân chơi cho lao động yên tâm gắn bó.

Cũng theo so sánh của ông Thắng: CN cao su có tổng thu nhập khoảng 7 triệu đồng/tháng, trong đó khai thác cạo mủ 4,3 triệu/tháng với thời gian cạo trút mủ từ 5 giờ-9 giờ sáng. Buổi chiều, CN có thể làm thêm chăm sóc vườn cây, sửa đường, đánh cá, làm nương, ruộng thu nhập thêm 2,7 triệu đồng/tháng. Lao động làm việc gần nhà, không mất tiền thuê  nhà, đi lại, được chăm sóc, giúp đỡ gia đình tăng thu nhập. Nếu CN là người tham gia ký hợp đồng góp đất chia 10% sản phẩm mủ khi tăng sản phẩm mủ sẽ tăng số tiền chi trả. Lao động đi làm xa lương 7 triệu đồng/tháng phải làm việc 8-10 tiếng/ngày và phải tiền thuê nhà, điện nước, tiền ăn, chi phí khác, vé xe hết khoảng 4,5 triệu đồng/tháng. Trong khi phải xa nhà, công việc dễ bị đào thải, nhiều tệ nạn xã hội, có thể bị lợi dụng sức lao động…

Có thể thấy, việc người dân hay CN hiện đang làm cho các nông trường cao su có ý định xin nghỉ, đi tìm cho mình công việc khác, mức lương cao cần phải cẩn trọng tìm hiểu kỹ tránh bị kẻ xấu cò mồi, lợi dụng, kích động, lôi kéo kẻo “tiền mất, tật mang”.

PHƯƠNG LY